Mới đây, thông qua hoạt động định danh cá nhân, BHXH tỉnh Phú Yên phát hiện trường hợp người đang nhận lương hưu đã mất từ cuối tháng 1/2016. Vấn đề thu hồi phần lương hưu đã chi trả, đồng thời giải quyết chế độ tử tuất theo quy định diễn ra thuận lợi với sự hợp tác của người thân. Song, thiếu sót từ phía Bưu điện trong hoạt động chi trả lương hưu đặt ra vấn đề cần thiết là phải dựng “rào chắn kỹ thuật”.
Theo thông tin từ BHXH tỉnh Phú Yên, trong quá trình thực hiện định danh cá nhân, phía BHXH phát hiện bà H. (trú phường 1, TP. Tuy Hòa), một phụ nữ đang nhận lương hưu (tới thời điểm tháng 6/2023) đã mất từ cuối tháng 1/2016.
Nhận lương hưu tháng 8/2023 tại Bưu điện
Qua phối hợp làm rõ thông tin cùng các bên liên quan (chính quyền địa phương, gia đình và phía Bưu điện- đơn vị ký kết với phía BHXH thực hiện dịch vụ chi trả lương hưu), được biết sau khi bà H. mất, gia đình có đến chính quyền địa phương thực hiện thủ tục báo tử. Tuy nhiên, phía gia đình chưa thông tin với Bưu điện để được hướng dẫn thủ tục hưởng chế độ mai táng phí và tử tuất theo quy định.
Vì vậy, phía Bưu điện vẫn tiếp tục thực hiện chi trả lương hưu từ đó đến hết tháng 6/2023, qua tài khoản cá nhân. Tính ra, trong hơn 6 năm qua, tổng số tiền hưu phía Bưu điện đã chuyển đến tài khoản bà H. (trong đó có 7 lần tiền quà Tết từ UBND tỉnh) là hơn 395 triệu đồng.
Sau khi vụ việc được các bên làm rõ, phía gia đình bà H. đã cam kết sẽ chuyển trả toàn bộ tiền lương hưu nói trên. Đồng thời, phía gia đình cũng nhanh chóng thực hiện thủ tục nhận chế độ mai táng phí và tử tuất theo quy định.
Hưu trí là chế độ quan trọng nhất trong những chế độ mà người tham gia BHXH được hưởng. Trên bình diện cả nước, hiện có hơn 3,3 triệu người đang nhận chế độ hưu trí. Lương hưu hằng tháng được phía Bưu điện (đơn vị đối tác của BHXH thực hiện dịch vụ công) chi trả theo hình thức tiền mặt và chuyển khoản. Tới nay, hầu hết người nhận lương hưu đã chọn hình thức chuyển khoản.
Phía Bưu điện, để thực hiện chính xác, đầy đủ, kịp thời hoạt động chi trả lương hưu, phải thực hiện đầy đủ các yêu cầu từ phía BHXH. Trong đó, có việc xác thực tình trạng người nhận lương hưu một cách thường xuyên, liên tục. Xét khía cạnh này, trong tình huống mới xảy ra ở Phú Yên, phía Bưu điện đã thiếu sót.
Tuy không đại trà, song trường hợp bà H. ở Phú Yên cũng không phải xảy ra lần đầu. Vì vậy, để tránh tình trạng người đã mất vẫn tiếp tục nhận lương hưu, trước đây phía BHXH có quy định người nhận lương hưu định kỳ 6 tháng xác thực tình trạng tại cơ quan BHXH địa phương.
Tuy nhiên, “rào chắn kỹ thuật” này, dù rất hữu hiệu, lại không tương thích với tinh thần phục vụ người dân, để người dân hài lòng ở mức cao nhất. Do đó, quy định xác thực tình trạng định kỳ 6 tháng đã không còn được áp dụng. Thiếu “rào chắn kỹ thuật” trong chi trả lương hưu sẽ dễ dẫn đến tình huống gặp phải tại Phú Yên mới đây.
Hiện tại, về mặt quản lý hoạt động chi trả lương hưu, phía BHXH chỉ dựa vào các yêu cầu với phía Bưu điện (trong hợp đồng cung ứng dịch vụ công) và sự tự giác của người thân khi người nhận lương hưu mất (để thụ hưởng chế độ mai táng phí và tử tuất theo quy định) là chưa đủ. Một “rào chắn kỹ thuật” hữu hiệu hơn, vừa thỏa nhu cầu quản lý, vừa đáp ứng tinh thần phục vụ hài lòng người dân, trong hoạt động chi trả lương hưu là hết sức cần thiết.
Hiện nay, việc tuân thủ quy định báo tử với chính quyền địa phương nơi người dân cư trú, trong đó có người đang nhận lương hưu, đã được thực hiện triệt để. Bởi việc báo tử ngoài yêu cầu theo quy định hiện hành, còn liên quan đến rất nhiều vấn đề pháp lý khác. Đây chính là nguồn thông tin, nguồn dữ liệu vừa chính xác, vừa hợp pháp.
Do đó, liên thông dữ liệu, đặc biệt trong lĩnh vực tư pháp-hộ tịch, giữa các bên liên quan với chính quyền cơ sở phải được đặt ra. Đây chính là “cánh cửa” mở ra giải pháp để các bên liên quan, trong đó có BHXH, có đủ và kịp thời, chính xác dữ liệu được cập nhật thực tế. Phương thức này hứa hẹn không ảnh hưởng gì đến vấn đề hài lòng của người dân, bởi người dân vẫn được phục vụ mà không đòi hỏi gì thêm.
Thanh Giang