Giúp công nhân thấu hiểu để thực hành tốt chính sách BHXH, BHYT là chuyện không đơn giản chút nào. Song, các bên liên quan, trong đó có DN, phải ráng hiệp sức nghĩ ra cách nhanh, gọn, lẹ để làm.
Vừa qua, trong chuyến khảo sát của Ban Kinh tế Trung ương tại 2 DN ở Đồng Nai về tình hình thực hiện chính sách BHXH, BHYT, đại diện các bộ, ngành, địa phương và DN đã cùng nhau phân tích, mổ xẻ thực trạng công nhân chưa thấu hiểu đầy đủ, thậm chí hiểu nhầm chính sách BHXH, BHYT. Điều này dẫn đến hệ quả có không ít công nhân thiếu niềm tin vào chính sách, thiếu sẻ chia với Nhà nước trong vấn đề thiết lập nền an sinh xã hội bền vững. Thậm chí, không ít công nhân chủ động đánh đổi quyền lợi lâu dài (hưu trí) thành quyền lợi ngắn hạn. Đáng tiếc, ngoài số công nhân thực sự khó khăn phải “nghiến răng” đánh đổi, cũng có người đánh mất lương hưu chỉ vì chưa thấu rõ bản chất của BHXH.
Theo một chuyên gia về BHXH, để quỹ hưu trí bền vững và con cháu không bị áp lực “gồng gánh” phí BHXH, đòi hỏi phải áp dụng công thức “thời gian đóng gấp đôi thời gian hưởng”. Theo công thức này, Nhà nước muốn công nhân hưởng lương hưu kéo dài 20 năm sau khi hết tuổi lao động, thì phải thiết kế thời gian đóng 40 năm. Đó cũng là lý do chính khiến nước Pháp vừa tăng tuổi nghỉ hưu, bởi bình quân thời gian hưởng lương hưu ở Pháp hiện nay là 26 năm, bình quân thời gian đóng là 43 năm. Tại Việt Nam, bình quân thời gian hưởng lương hưu cũng không thua kém gì so với Pháp, song bình quân thời gian đóng lại ít hơn nhiều.
Từ vấn đề này, chuyên gia cũng giải thích lý do bình quân lương hưu mà đa số công nhân nhận được vào khoảng 2,5 triệu đến 3 triệu đồng, bởi bình quân thời gian tham BHXH chỉ từ 20 đến 25 năm. Với NLĐ hưởng lương ngân sách, việc làm ổn định, nên đa số có bình quân thời gian tham gia BHXH nhiều hơn công nhân, do đó lương hưu nhiều hơn một chút. Tính ra, công nhân từ khi tham gia thị trường lao động đến khi đủ điều kiện tuổi về hưu theo quy định, dù có thể “nhảy việc”, nhưng vẫn tiếp nối tham gia BHXH mà không rút một lần, thì lương hưu cũng không kém người hưởng lương ngân sách.
Tại buổi làm việc với Ban Kinh tế Trung ương, nhiều ý kiến cũng nhất trí rằng, nếu công nhân thấu rõ bản chất BHXH sẽ có xu hướng ứng xử tích cực hơn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc tiếp cận và truyền thông nâng cao nhận thức của công nhân về chính sách BHXH, BHYT lại là câu chuyện không dễ dàng gì. Với DN, thời gian là tiền bạc, nên bố trí thời gian để cơ quan, đơn vị chăm lo an sinh xã hội đến tuyên truyền chính sách là việc rất khó. Còn về phía cơ quan chăm lo an sinh xã hội của địa phương, do nhân sự eo hẹp- trong khi số lượng DN và số công nhân đông, nên dù đã rất nỗ lực cũng khó lo xuể.
Lâu nay, ngành LĐ-TB&XH và ngành BHXH các cấp thường xuyên tổ chức tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT đến DN, nhưng đa số chỉ dừng ở bộ phận nhân sự đặc trách lĩnh vực này. Vì vậy, hiệu quả chỉ giới hạn ở mức DN thấu rõ và tuân thủ thực hiện chính sách BHXH, BHYT, chứ chưa thể với tới công nhân theo mức độ “thấu hiểu, chia sẻ và tuân thủ” ngang bằng chủ DN. Cũng bởi vậy, các ý kiến cũng nhất trí khuyến nghị “chuyện khó nhưng phải ráng tìm ra cách hiệu quả để làm”.
Thanh Giang