Tạp chí Bảo Hiểm Xã Hội Bám bản để lan tỏa BHXH tự nguyện
ASXHPortalViewLongForm
Longform

Bám bản để lan tỏa BHXH tự nguyện

Shared facebook

6h sáng một ngày cuối tháng 8, tôi theo chân các anh chị ở BHXH huyện Điện Biên đến nhà bác Quàng Văn Binh- Bí thư Chi bộ bản Hồng Khoong (xã Thanh An) để tham dự một hội nghị truyền thông về chính sách BHXH tự nguyện. Dẫn tôi men theo con đường vào bản, anh Kim Mạnh Hùng- Giám đốc BHXH huyện cho biết: “Thanh An là xã biên giới giáp với Lào, chủ yếu người DTTS sinh sống. Để chính sách đến được với bà con, cán bộ BHXH không chỉ phát được “sóng dài” mà còn phải phát được “sóng ngắn” nữa nhà báo ạ”.

Thấy tôi chưa hiểu, anh Hùng liền giải thích: “Sóng dài là tiếng Việt của mình! Còn sóng ngắn là tiếng DTTS”. Theo anh Hùng, huyện Điện Biên có dân số trên 100.000 người thuộc 11 dân tộc. Vì vậy, ngoài việc thạo chính sách, cán bộ BHXH còn phải chia sẻ, giải thích được cho bà con bằng ngôn ngữ bản địa. “Nói được tiếng bản địa, bà con mới tin và chia sẻ tâm tư, nguyện vọng với mình. Từ đó, mới biết họ còn chưa hiểu chỗ nào, cần giải thích gì và mong muốn ra sao?...”- anh Hùng nói thêm.

Khi chúng tôi tới nơi, hơn 20 người đang rôm rả trò chuyện ngoài sân. Mấy cán bộ BHXH và Bưu điện đã chuẩn bị tờ rơi, băng rôn, khẩu hiệu sẵn sàng cho buổi tuyên truyền trực tiếp. Hơn 8h sáng hội nghị bắt đầu. Chia sẻ với tôi, bác Quàng Văn Binh cho biết: “Bà con trong bản còn nhiều khó khăn, mà tôi lại là cán bộ hưu trí. Vì vậy, tôi sẵn sàng giúp cán bộ BHXH vận động bà con tham gia BHXH tự nguyện, chỉ mong ai về già cũng có lương hưu, bớt khổ…”.

Tham gia tổ chức hội nghị lần này có anh Bùi Ngọc La và chị Bùi Thị Hải- nhân viên thu của Bưu điện. Suốt hội nghị, cả anh La, chị Hải liên tục cùng với cán bộ BHXH giải đáp các câu hỏi của bà con liên quan đến việc đóng, hưởng BHXH tự nguyện. Sau khi được giải đáp cặn kẽ, cũng như tìm hiểu thêm thông tin trên tờ rơi do BHXH huyện phát, ai nấy đều rất vui vẻ và phấn chấn. Tiếng xì xào, bàn luận mỗi lúc càng trở nên sôi nổi hơn. “Bà con còn chỗ nào chưa hiểu không?”- anh La và chị Hải liên tục hỏi, rồi quay sang trao đổi với bà con bằng tiếng địa phương.

Bác Binh cũng liên tục chia sẻ với bà con về mức đóng, thời gian đóng, quyền lợi được hưởng. “Bà con nhìn tôi, nghe tôi, đây là chính sách an sinh của Đảng và Nhà nước, có cán bộ ở đây đảm bảo cho bà con này. Tôi cũng đang hưởng lương hưu, thẻ BHYT miễn phí từ Nhà nước đây. Bà con muốn khi về già như tôi không phải đi làm mướn, không phải ngửa tay xin tiền con cái, nhàn nhã uống nước chè như tôi, thì hãy tham gia BHXH tự nguyện luôn hôm nay đi”- bác Binh thuyết phục.

Để không khí hội nghị thêm vui vẻ, anh La còn hát tặng bà con bài “Một khúc tâm tình của người BHXH” do anh tự viết lời dựa trên bài hát “Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh”. Bà con phấn khởi vỗ tay và hát theo. Vừa vỗ tay theo nhịp bài hát, cô Lò Thị Uân (sinh năm 1967) vừa cho biết: “Nhờ buổi tuyên truyền này mà chúng tôi biết cụ thể số tiền lương hưu dự kiến được hưởng sau 20 năm đóng BHXH tự nguyện và được tính luôn cả phần trượt giá nữa. Cán bộ giải thích cho tôi rồi, tham gia BHXH tự nguyện, tôi sẽ được hưởng chế độ hưu, chế độ tử tuất và còn được cấp thẻ BHYT. Trước đây, tôi cứ nghĩ làm nông như mình làm gì có lương hưu, nhưng giờ đây tôi biết mình hoàn toàn có cơ hội đó”. Ngay sau đó, cô Uân quyết định đăng ký tham gia BHXH tự nguyện và đóng liền một năm.

Cũng như cô Uân, sau khi hiểu rõ ngọn ngành, anh Lò Văn Hỏa bật thốt lên: “Có thật không cán bộ, mình đi làm ruộng thôi. Chỉ cần tham gia BHXH tự nguyện là sau này về già có lương hưu giống như bác Binh sao. Vậy thì cán bộ cho mình đăng ký tham gia liền thôi”. Nói rồi, anh Hỏa vui vẻ quyết định đăng ký tham gia ngay.

Sau khi quan sát khắp lượt, chị Bùi Thị Hải đứng lên nói to: “Nếu bà con còn chưa hiểu rõ nhưng ngại hỏi tại đây, thì có thể liên hệ với chúng tôi hoặc với cán bộ BHXH huyện… Chính sách an sinh sẽ theo và chăm lo cho bà con đến cuối đời”. Theo lời chị Hải, chị có 36 năm làm ở TYT xã, nên thuộc nằm lòng từng ngóc ngách, hiểu rõ từng hộ dân trong xã. Do đó, chị và anh La quyết tâm cùng BHXH huyện lan tỏa chính sách đến với bàn con, để khi tuổi xế chiều có “tấm hộ chiếu tuổi già” cho mình. Còn với anh Bùi Ngọc La, đây là hội nghị thứ 7 anh tham gia cùng BHXH huyện. “Cứ thêm một người biết về chính sách, thêm một người tham gia, là mình lại vui vì có thêm một người đỡ vất vả lúc xế chiều”- anh La chia sẻ.

Kết quả buổi tuyên truyền thành công ngoài dự kiến, khi có tới 20 người đăng ký tham gia BHXH tự nguyện ngay tại hội nghị. Với những người chưa tham gia, cán bộ BHXH huyện và nhân viên Bưu điện đều chủ động xin thông tin địa chỉ, số điện thoại để sau đó xuống tận nhà tư vấn, vận động.

Trao đổi với chúng tôi, anh Kim Mạnh Hùng cho biết, việc bám thôn, bám bản không chỉ giúp bà con cảm thấy “ưng cái bụng”, mà còn củng cố thêm quyết tâm của BHXH huyện trong việc đưa chính sách BHXH tự nguyện đến với bà con các DTTS. Cũng theo anh Hùng, trong 3 năm qua, BHXH huyện Điện Biên đã phối hợp tổ chức được 105 hội nghị trực tiếp tại các xã, thôn, bản vùng sâu, vùng xa. Cùng với đó, còn ký kết 26 quy chế, chương trình phối hợp với các xã và các đoàn thể trên địa bàn, nhất là tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo UBND cấp xã đưa chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH tự nguyện vào nghị quyết của xã và của các thôn, bản… Chính vì vậy, đến hết năm 2021, toàn huyện có 3.072 người tham gia BHXH tự nguyện, đạt 5,1% lực lượng lao động trong độ tuổi; tính đến tháng 6/2022, do khó khăn ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên số tham gia giảm còn 2.658 người, nhưng hiện đang có dấu hiệu hồi phục và phát triển trở lại nhờ những biện pháp tuyên truyền do BHXH huyện chủ trì.

Bài: Bích Thủy

Đồ họa: Hiểu Thanh


Viết bình luận
Mua bán GCN nghỉ việc hưởng BHXH- Cần xử lý triệt để

Mua bán GCN nghỉ việc hưởng BHXH- Cần xử lý triệt để

Thời gian qua, tại một số địa phương, hành vi cấp khống Giấy chứng nhận (GCN) nghỉ việc hưởng BHXH đã được cơ quan Công an mở chuyên án điều tra. Thậm chí, có nơi, Tòa án đã đưa vụ việc ra xét xử và tuyên mức án nghiêm khắc.

Mua bán GCN nghỉ việc hưởng BHXH- Cần xử lý triệt để

Mua bán GCN nghỉ việc hưởng BHXH- Cần xử lý triệt để

Không chỉ trục lợi từ việc bán GCN nghỉ việc hưởng BHXH, một số PK và các đối tượng còn trục lợi bằng việc bán giấy khám sức khỏe, sổ BHXH; lập chứng từ, hồ sơ KCB BHYT khống để trục lợi quỹ BHYT. Đáng nói, có các đường dây bán giấy khống liên tỉnh, nên NLĐ từ địa phương này nhưng có GCN của PK từ địa phương khác.

Mua bán GCN nghỉ việc hưởng BHXH- Cần xử lý triệt để

Mua bán GCN nghỉ việc hưởng BHXH- Cần xử lý triệt để

Thời gian qua, tình trạng mua bán Giấy chứng nhận (GCN) nghỉ việc hưởng BHXH tại các địa phương khu vực Đông Nam Bộ (Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM…) hầu như ngang nhiên tồn tại, đặc biệt nở rộ từ thời điểm xảy ra dịch bệnh COVID-19 đến nay. Đã đến lúc gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh và mạnh tay xử lý dứt điểm tình trạng này.

Ngăn ngừa chậm đóng, trốn đóng BHXH, BHYT: Nhiều giải pháp hiệu quả

Ngăn ngừa chậm đóng, trốn đóng BHXH, BHYT: Nhiều giải pháp hiệu quả

Trong lĩnh vực thu BHXH, BHYT, tình trạng chậm đóng, trốn đóng chịu ảnh hưởng một phần khá lớn từ diễn biến tăng trưởng của nền kinh tế và “sức khỏe” của các DN ở từng thời điểm khác nhau.