* PV: Gần 3 năm qua, đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và kéo dài đã ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế-xã hội nước ta. Với vai trò là tổ chức đại diện cho NLĐ, ông có thể chia sẻ rõ hơn về tình hình lao động, việc làm hiện nay?
- Ông Ngọ Duy Hiểu: Có thể nói, 3 năm qua, đại dịch COVID-19 và những bất ổn về an ninh, kinh tế thế giới khiến thị trường lao động trong nước biến động, NLĐ gặp rất nhiều khó khăn về việc làm, thu nhập. Theo Tổng cục Thống kê, thời điểm tháng 9/2021, có tới 40/63 địa phương có chỉ số SDLĐ trong các DN công nghiệp giảm so với cùng kỳ năm 2020, trong đó có 6 địa phương có tốc độ giảm trên 50%. Kéo theo đó là tiền lương, thu nhập của NLĐ bị giảm từ 5,9 triệu đồng trong quý III/2019 xuống còn 5,2 triệu đồng trong quý III/2021.
Từ sự chuyển hướng mang tầm chiến lược của Chính phủ theo Nghị quyết số 128/NQ-CP về “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID19”, năm 2022, thị trường lao động đã dần hồi phục. Trong quý III, cả nước có 17,8 triệu người có việc làm chính thức, tăng 2,7 triệu người (tương ứng tăng 19,4%) so với cùng kỳ năm trước. Tiền lương tối thiểu được điều chỉnh vào tháng 7 giúp thu nhập của NLĐ đạt khoảng 7,5 triệu đồng, tăng 12,1% so với cùng kỳ năm 2021...
* Đến nay, dịch COVID-19 đã được kiểm soát, tình hình lao động, việc làm đã trở lại trạng thái bình thường mới. Vậy, những kết quả tích cực này có được là do đâu, thưa ông?
- Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, công tác chống dịch luôn được Đảng chỉ đạo rất mạnh mẽ, cả hệ thống chính trị đã chung tay vào cuộc. Theo đó, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ NLĐ và chủ SDLĐ ổn định và duy trì sản xuất, bảo đảm an sinh xã hội, như Nghị quyết số 42/NQ-CP, Nghị quyết số 154/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, đến các Nghị quyết số 68/NQ-CP, Nghị quyết số 116/NQ-CP về hỗ trợ NLĐ và chủ SDLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 từ quỹ BHXH, quỹ BH thất nghiệp; hay gần đây nhất là Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg về thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho NLĐ.
Các chủ trương, chính sách thể hiện sự quan tâm, chia sẻ của Đảng, Nhà nước đối với NLĐ và chủ SDLĐ. Qua đó, góp phần hỗ trợ NLĐ khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống; hỗ trợ chủ SDLĐ thích ứng với trạng thái bình thường mới, duy trì sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho NLĐ. Đồng thời, phát huy vai trò của chính sách BH thất nghiệp là chỗ dựa cho NLĐ.
Các cấp Công đoàn cũng chủ động, tích cực vào cuộc với nhiều hình thức, quy mô khác nhau để kịp thời động viên, chăm lo, hỗ trợ và bảo vệ quyền lợi NLĐ. Trong 3 năm (2020-2022), Công đoàn đã vận động từ xã hội và trực tiếp từ nguồn tài chính Công đoàn số tiền hơn 7.300 tỷ đồng để hỗ trợ đoàn viên, NLĐ bị ảnh hưởng bởi COVID-19, trong đó từ nguồn tài chính Công đoàn là 6,976 tỷ đồng. Hình thức và quy mô công tác chăm lo, hỗ trợ và bảo vệ quyền lợi NLĐ cũng đa dạng như: Thăm hỏi, tặng quà, cung cấp nhu yếu phẩm cho NLĐ; hỗ trợ dinh dưỡng, cho đoàn viên, NLĐ tham gia lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch; miễn đóng đoàn phí Công đoàn đối với đoàn viên có mức lương thấp hơn mức lương cơ sở; lùi thời điểm đóng kinh phí Công đoàn đối với DN bị ảnh hưởng bởi COVID-19; vận động mỗi cán bộ Công đoàn chuyên trách đóng góp 3 ngày lương để ủng hộ NLĐ bị ảnh hưởng COVID-19 có hoàn cảnh khó khăn; vận động đóng góp vào quỹ vắc-xin phòng chống COVID-19…
* Là tổ chức đại diện của NLĐ, ông đánh giá các chính sách hỗ trợ NLĐ và chủ SDLĐ từ quỹ BHXH, BH thất nghiệp được ngành BHXH Việt Nam trực tiếp triển khai có ý nghĩa, tác động thế nào trong thực tế?
- Với vai trò là cơ quan tổ chức thực hiện chính sách trụ cột an sinh xã hội, BHXH Việt Nam đã chủ động, tích cực đề xuất, phối hợp với các bộ, ngành liên quan kịp thời trình Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các chính sách hỗ trợ NLĐ và chủ SDLĐ bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Trong đó có gói hỗ trợ trên 30.000 tỷ đồng từ quỹ BH thất nghiệp theo Nghị quyết số 116/NQ-CP. Đây là gói hỗ trợ trực tiếp bằng tiền lớn nhất từ trước đến nay. Đã có hàng chục triệu NLĐ trên cả nước nhận được khoản hỗ trợ trực tiếp vào tài khoản. Cách thức triển khai này được NLĐ ủng hộ, bởi đã rút gọn được công đoạn và thời gian chi trả. Hơn nữa, chính sách được thông qua trong giai đoạn dịch bệnh đang rất căng thẳng, nên có ý nghĩa rất lớn cả về vật chất lẫn tinh thần đối với NLĐ.
Đây là minh chứng cho thấy sự chủ động, nỗ lực và quyết tâm của toàn ngành BHXH Việt Nam trong việc triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ của Chính phủ. Các gói hỗ trợ được BHXH Việt Nam triển khai mang tính nhân văn, kịp thời, nên đã giảm bớt được khó khăn cho NLĐ. Việc triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ cũng thể hiện rõ nét tinh thần trách nhiệm, sự nỗ lực, quyết liệt trong công tác tổ chức thực hiện, góp phần khẳng định sâu sắc hơn vai trò trụ cột của chính sách BHXH, BH thất nghiệp đối với NLĐ và sự chung sức cùng DN khắc phục khó khăn và phục hồi, duy trì hoạt động sản xuất của BHXH Việt Nam.
* Dự báo thời gian tới, tình hình kinh tế, thị trường sẽ có nhiều biến động. Điều này đòi hỏi các cơ quan thực thi chính sách và trực tiếp phục vụ người dân như BHXH Việt Nam cũng cần có sự thay đổi cho phù hợp. Theo ông, ngành BHXH Việt Nam cần làm gì để phục vụ NLĐ tốt hơn?
- Để phục vụ người tham gia BHXH, BHYT được hiệu quả, theo tôi, trước tiên chúng ta cần có chính sách tốt và phù hợp. Vì vậy, BHXH Việt Nam cần phối hợp với các cơ quan liên quan sớm hoàn thiện dự án Luật BHXH (sửa đổi) cho phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 28/NQ-TW về cải cách chính sách BHXH. Chúng ta phải tạo được sự kết nối giữa chính sách với NLĐ một cách thiết thực nhất; làm sao hạn chế được tình trạng NLĐ rút BHXH một lần, qua đó giữ họ ở lại hệ thống an sinh xã hội nhằm đảm bảo cho cuộc sống sau này.
Bên cạnh đó, với những thành quả đạt được trong lĩnh vực chuyển đổi số, ngành BHXH Việt Nam hoàn toàn có thể phát triển thêm các ứng dụng, dịch vụ số để phục vụ NLĐ trên không gian số. Điều này sẽ giúp NLĐ dễ dàng theo dõi tiến độ xử lý hồ sơ, kiểm tra đối chiếu dữ liệu đóng-hưởng, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT và giải quyết chế độ, nâng cao tính minh bạch của thông tin. Đồng thời, góp phần hướng tới nền hành chính hiện đại và Chính phủ số, tạo điều kiện tối đa cho người tham gia BHXH, BHYT.
Hiện nay, theo nắm bắt của Công đoàn các cấp, tình trạng DN trốn đóng, chiếm dụng, nợ tiền BHXH, BHYT vẫn diễn ra ở nhiều địa phương; tình trạng chủ DN bỏ trốn, mất tích để lại khoản nợ lớn tiền lương, BHXH của NLĐ, trong khi chưa có giải pháp xử lý hữu hiệu. Cùng với đó, việc khởi kiện DN vi phạm pháp luật BHXH vẫn chưa được “khơi thông”. Do đó, chúng ta cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật BHXH bảo đảm đồng bộ và thống nhất; cần bổ sung chế tài mạnh và thực hiện nghiêm các chế tài đã có đối với các hành vi vi phạm, nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng của NLĐ.
* Trân trọng cảm ơn ông!
Thanh Hằng (Thực hiện)
Đồ hoạ: Thanh An
Thời gian qua, tại một số địa phương, hành vi cấp khống Giấy chứng nhận (GCN) nghỉ việc hưởng BHXH đã được cơ quan Công an mở chuyên án điều tra. Thậm chí, có nơi, Tòa án đã đưa vụ việc ra xét xử và tuyên mức án nghiêm khắc.
Không chỉ trục lợi từ việc bán GCN nghỉ việc hưởng BHXH, một số PK và các đối tượng còn trục lợi bằng việc bán giấy khám sức khỏe, sổ BHXH; lập chứng từ, hồ sơ KCB BHYT khống để trục lợi quỹ BHYT. Đáng nói, có các đường dây bán giấy khống liên tỉnh, nên NLĐ từ địa phương này nhưng có GCN của PK từ địa phương khác.
Thời gian qua, tình trạng mua bán Giấy chứng nhận (GCN) nghỉ việc hưởng BHXH tại các địa phương khu vực Đông Nam Bộ (Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM…) hầu như ngang nhiên tồn tại, đặc biệt nở rộ từ thời điểm xảy ra dịch bệnh COVID-19 đến nay. Đã đến lúc gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh và mạnh tay xử lý dứt điểm tình trạng này.
Trong lĩnh vực thu BHXH, BHYT, tình trạng chậm đóng, trốn đóng chịu ảnh hưởng một phần khá lớn từ diễn biến tăng trưởng của nền kinh tế và “sức khỏe” của các DN ở từng thời điểm khác nhau.