Tạp chí Bảo Hiểm Xã Hội BHYT và vấn đề quyền được hưởng an sinh
ASXHPortalViewLongForm
Longform

BHYT và vấn đề quyền được hưởng an sinh

Shared facebook

Tại Việt Nam, với tinh thần tôn trọng Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, Đảng và Nhà nước luôn chú trọng hoàn thiện thể chế và thiết chế để hiện thực hóa các quyền con người, đảm bảo mục tiêu xây dựng hệ thống chính sách xã hội theo hướng bền vững, tiến bộ và công bằng, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tại kỳ họp thứ sáu ngày 28/11/2013, Quốc hội khóa XIII đã thông qua bản Hiến pháp của Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Từ đây, lần đầu tiên vấn đề “được bảo đảm an sinh xã hội” là quyền của công dân chính thức được ghi nhận trong Hiến pháp (Điều 34); ghi nhận Nhà nước “tạo bình đẳng về cơ hội để công dân thụ hưởng phúc lợi xã hội, phát triển hệ thống an sinh xã hội, có chính sách trợ giúp người cao tuổi, người khuyết tật, người nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn khác” (Điều 59).

Ngày 24/11/2023, Hội nghị lần thứ Tám BCH Trung ương Đảng khoá XIII đã ban hành Nghị quyết số 42-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong giai đoạn mới. Trong đó, có mục tiêu quan trọng là “Hoàn thiện chính sách an sinh xã hội đa dạng, đa tầng, toàn diện, hiện đại, bao trùm, bền vững; tạo cơ hội cho nhân dân, nhất là người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người sống ở vùng có điều kiện kinh tế- xã hội ĐBKK tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, đặc biệt là về y tế, giáo dục, nhà ở, thông tin”.

An sinh xã hội là vấn đề hết sức cấp bách và quan trọng hàng đầu của mỗi quốc gia, là tổng hợp những chính sách, biện pháp nhằm bảo vệ, nhằm đảm bảo các điều kiện cơ bản về cuộc sống, phát triển và bình đẳng của người dân, đặc biệt là những người có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế trong xã hội. Trong đó, chính sách BHXH, BHYT đã dần khẳng định vai trò trụ cột trong bảo đảm an sinh xã hội. Chung mục tiêu với BHXH bắt buộc để ngày càng có nhiều người được bảo đảm an sinh xã hội sau khi hết tuổi lao động, chính sách BHXH tự nguyện ra đời từ năm 2008 nhằm tạo cơ hội cho mọi NLĐ ở khu vực phi chính thức được tham gia BHXH. Chính sách BHXH tự nguyện giúp người dân có thể tiếp cận được chính sách hưu trí và được cấp thẻ BHYT miễn phí khi hết tuổi lao động.

Ở nước ta, đến cuối năm 2023, cả nước có khoảng 18,26 triệu người tham gia BHXH, đạt 39,25% lực lượng lao động trong độ tuổi, trong đó khoảng 1,83 triệu người tham gia BHXH tự nguyện đạt 3,92% lực lượng lao động trong độ tuổi (vượt 1,42% mục tiêu đến năm 2025 tại Nghị quyết số 28-NQ/TW của BCH Trung ương); 14,7 triệu người tham gia BH thất nghiệp, đạt gần 31,6% lực lượng lao động trong độ tuổi. Đặc biệt, diện bao phủ BHYT tiếp tục phát triển với trên 93,3 triệu người tham gia đạt tỷ lệ 93,35% (vượt 0,15% so với Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ), tiệm cận mục tiêu BHYT toàn dân.

Thực hiện các chính sách an sinh xã hội, đặc biệt là chính sách BHXH, BHYT tạo ra môi trường sống an toàn, bình đẳng và công bằng cho người dân, thể hiện quyền cơ bản của con người, chủ nghĩa nhân đạo của nhà nước và tinh thần đoàn kết của xã hội, thúc đẩy sự phát triển bền vững của xã hội.

 

Trong giai đoạn hiện tại cần quán triệt tinh thần của Hiến pháp năm 2013 và Nghị quyết số 42-NQ/TW. Để các vấn đề an sinh xã hội góp phần làm cho chất lượng sống của nhân dân không ngừng được nâng cao, bảo đảm sự bình đẳng về cơ hội phát triển và gắn với bảo đảm quyền con người, quyền công dân cần thực hiện nhiều giải pháp. Trong đó, từng bước áp dụng mã số an sinh xã hội cho người dân; hoàn thiện hệ thống CSDL quốc gia và chuyên ngành liên quan đến chính sách xã hội; bảo đảm liên thông, an toàn, bảo mật thông tin chung và dữ liệu cá nhân.

Cạnh đó, đẩy mạnh công tác quản lý hoạt động cung cấp dịch vụ xã hội thông qua cơ chế quản lý, cập nhật, chia sẻ dữ liệu và thông tin trên nền tảng số; tiếp tục nâng mức chuẩn trợ giúp xã hội theo hướng bảo đảm mức sống tối thiểu, sàn an sinh xã hội quốc gia; ưu tiên hỗ trợ cho người không có khả năng lao động, người khuyết tật, người cao tuổi, người di cư và gia đình có trẻ em, người thu nhập thấp; tiếp tục nội luật hoá các cam kết về tiêu chuẩn lao động, quan hệ lao động, việc làm và an sinh xã hội phù hợp với điều kiện kinh tế- xã hội của đất nước...

Chính sách BHYT được Đảng và Nhà nước tổ chức thực hiện từ năm 1992. Đến năm 2008, Luật BHYT số 25/2008/QH12 đã được Quốc hội khóa XII thông qua. Năm 2014, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật BHYT được ban hành. Luật BHYT quy định cụ thể rằng BHYT là hình thức bảo hiểm bắt buộc được áp dụng để chăm sóc sức khỏe, không vì mục đích lợi nhuận. Đây được xem là một bước tiến quan trọng trong quá trình xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về BHYT. Đồng thời, là bước chuyển biến mạnh mẽ, thực chất trong đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị, bảo đảm hiệu quả, thiết thực, sát thực tiễn, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo toàn diện của Đảng trong giai đoạn mới.

Đặc biệt, ngày 7/9/2009, Ban Bí thư (khóa X) đã ban hành Chỉ thị số 38-CT/TW “về đẩy mạnh công tác BHYT trong tình hình mới”. Chỉ thị số 38-CT/TW nêu rõ: BHYT là một trong các hoạt động nhân đạo nhất, thể hiện sự hỗ trợ tương thân tương ái trong chăm sóc sức khỏe giữa người giàu với người nghèo, giữa người thuận lợi về sức khỏe với người ốm đau và rủi ro về sức khỏe, giữa người đang độ tuổi lao động với người già và trẻ em...

Theo định hướng trên, các cấp có thẩm quyền đã ban hành nhiều văn bản thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến chính sách BHYT và mục tiêu phát triển BHYT toàn dân. Nhiều địa phương, cấp ủy, chính quyền xem việc tham gia BHYT không chỉ là quyền lợi mà còn là nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi người dân, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Với mục tiêu bao phủ BHYT toàn dân, tức là mọi người dân đều được bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ nhân dân thông qua chính sách BHYT, Luật BHYT hiện nay đang được các cơ quan hữu quan tập trung, tích cực xem xét sửa đổi, bổ sung để phù hợp với tình hình thực tiễn ở Việt Nam cũng như tiệm cận, phù hợp thông lệ quốc tế, qua đó góp phần đảm bảo tốt hơn quyền được hưởng an sinh xã hội của người dân.

Bài: TS. Nguyễn Quốc Vinh (ĐH Luật TP.Hồ Chí Minh)

Đồ hoạ: Thanh An


Viết bình luận
Thách thức BHXH toàn dân

Thách thức BHXH toàn dân

Theo BHXH Việt Nam, năm 2023 cả nước có 18,26 triệu người tham gia BHXH, mới đạt 39,25% lực lượng lao động trong độ tuổi. Vì vậy, cần tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia đã thực hiện thành công BHXH toàn dân.

BHYT- cộng đồng chia sẻ rủi ro

BHYT- cộng đồng chia sẻ rủi ro

BHYT toàn dân chính là hướng tới bảo vệ sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống cho toàn bộ dân cư. Vì vậy, hầu hết các nước đều có các chính sách pháp luật để tăng độ bao phủ, hướng tới BHYT toàn dân.

Tấm thẻ trao đi, nghĩa tình ở lại

Tấm thẻ trao đi, nghĩa tình ở lại

Vẫn biết mỗi người rất cần có một tấm thẻ BHYT phòng thân, song với nhiều người dân hoàn cảnh khó khăn, để có tiền tham gia cũng không đơn giản. Vì vậy, nhiều DN đã chung tay, góp sức cùng cơ quan BHXH làm những việc thiện nguyện đầy ý nghĩa.

“Giường bệnh là chiếc giường đắt nhất”

“Giường bệnh là chiếc giường đắt nhất”

Ốm đau, bệnh tật... là những điều không ai muốn, song đôi khi khó tránh khỏi. Đã có nhiều trường hợp không có thẻ BHYT, khi mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh mãn tính khiến gia đình lâm vào cảnh khó khăn vì chi phí chữa bệnh quá lớn so với khả năng tài chính của họ.