Tạp chí Bảo Hiểm Xã Hội Cải cách chính sách theo hướng chủ động phòng ngừa thất nghiệp
ASXHPortalViewLongForm
Longform

Cải cách chính sách theo hướng chủ động phòng ngừa thất nghiệp

Shared facebook

Chính sách BH thất nghiệp được thực hiện tại Việt Nam từ năm 2009 và ngày càng thể hiện rõ vai trò đối với cả NLĐ và người SDLĐ. Các khoản hỗ trợ thất nghiệp từ chính sách BH thất nghiệp trong giai đoạn hoạt động sản xuất, phân phối bị ngừng trệ, nhiều DN buộc phải đóng cửa do đại dịch COVID-19 là minh chứng sống động cho vai trò của BH thất nghiệp.

Tuy nhiên, chính sách này ở Việt Nam hiện nay chưa tập trung vào các giải pháp chủ động phòng ngừa thất nghiệp và duy trì cơ hội việc làm cho NLĐ, chưa phát huy được vai trò là một công cụ quản trị thị trường lao động.

Bài viết làm rõ khung lý thuyết về chính sách BH thất nghiệp theo hướng chủ động đồng thời đề xuất một vài khuyến nghị trong việc hoàn thiện chính sách BH thất nghiệp.

Chính sách BH thất nghiệp là một trong các chính sách xã hội quan trọng của Nhà nước trên lĩnh vực an sinh xã hội, bao gồm: Đối tượng tham gia, mức phí đóng, điều kiện được hưởng trợ cấp thất nghiệp, hình thức hỗ trợ cho NLĐ trong điều kiện mất việc làm… và các quy định thanh tra, kiểm tra đối với cơ quan BH thất nghiệp và các cơ quan chức năng liên quan.

Nội hàm của chính sách bao gồm:

Thứ nhất, hỗ trợ cho NLĐ khoản thay thế thu nhập khi họ bị mất việc làm tạm thời hoặc vĩnh viễn. Nội dung này xuất phát từ khung quy phạm của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về an sinh xã hội (bao gồm 8 Công ước và 9 Khuyến nghị). Trong đó, Công ước 102 yêu cầu trợ cấp bằng tiền mặt cho NLĐ có khả năng và sẵn sàng làm việc nhưng bị mất việc làm hoặc không thể tìm được việc làm, để giúp họ ổn định cuộc sống và quay trở lại làm việc.

Thứ hai, chủ động phòng ngừa thất nghiệp cho NLĐ và thúc đẩy việc làm thoả đáng. Nội dung này xuất phát từ Công ước số 168 và khuyến nghị 1988 về xúc tiến việc làm và bảo vệ chống thất nghiệp. Cần thiết phải xây dựng một chính sách BH thất nghiệp chủ động gắn liền với các biện pháp thúc đẩy việc làm và chính sách thị trường lao động linh hoạt. Trọng tâm là chủ động duy trì việc làm cho NLĐ bằng cách tập trung phát triển lao động, phát triển lao động có kỹ năng, hỗ trợ đào tạo lại NLĐ. Như vậy, ngay cả khi chưa thất nghiệp, chính sách BH thất nghiệp đã chủ động giúp NLĐ đề phòng nguy cơ mất việc làm, thể hiện cụ thể qua các nội dung sau đây:

- Duy trì quan hệ lao động: Trong trường hợp vì lý do kinh tế hoặc vì yêu cầu đổi mới công nghệ, DN bắt buộc phải cắt giảm số lượng lao động hoặc giờ lao động, chính sách BH thất nghiệp sẽ thiết kế các biện pháp bảo vệ việc làm cho NLĐ bằng cách tác động đến người SDLĐ. Như vậy, trước nguy cơ NLĐ bị sa thải thì Quỹ hỗ trợ DN chi trả một tỷ lệ % tiền lương với điều kiện DN sẽ giữ lại NLĐ và tạo cơ hội cho NLĐ được tái đào tạo hoặc đi tìm việc làm mới.

Bản chất của nội dung này là can thiệp sớm từ DN để tránh nguy cơ NLĐ bị mất việc làm. Khoản kinh phí hỗ trợ không phải là khoản chi phí “bị mất đi” mà giúp cho NLĐ quay trở lại thị trường lao động, hiệu quả hơn so với khoản hỗ trợ thất nghiệp.

- Chủ động phòng ngừa nguy cơ mất việc làm: Công ước 168 và Khuyến nghị đã nhấn mạnh việc phối hợp chính sách BH thất nghiệp và chính sách việc làm chủ động thúc đẩy các cơ hội việc làm đầy đủ và hiệu quả thông qua áp dụng các biện pháp như đào tạo; đào tạo luân phiên; hỗ trợ học nghề đặc biệt và luân chuyển và chia sẻ công việc… Ngoài ra, có một số biện pháp khác như: tài trợ cho các chương trình ngắn hạn tạo việc làm trực tiếp hoặc tài trợ cho các chương trình hỗ trợ cá nhân phát triển, duy trì hoạt động kinh doanh.

- Thúc đẩy việc làm và rút ngắn thời gian tìm việc làm mới: Cần khuyến khích những người đang tìm kiếm việc làm chủ động hơn hoặc nâng cao cơ hội tuyển dụng cho họ thông qua việc trực tiếp giới thiệu việc làm; tư vấn và lập kế hoạch nghề nghiệp; gặp gỡ giữa NLĐ thất nghiệp và người tư vấn việc làm… 

Sau hơn 10 năm thực hiện chính sách BH thất nghiệp, số lượng người tham gia đã tăng 84,84% (từ 6 triệu người tham gia năm 2009 đã tăng lên 13,32 triệu người vào cuối năm 2020). Tốc độ tăng trưởng của số người tham gia BH thất nghiệp cao nhất được ghi nhận là 11,83% vào năm 2015; những năm còn lại đều có tốc độ tăng trưởng dao động trong mức 3,02%-7,27%. Tuy nhiên, tỷ lệ lao động tham gia BH thất nghiệp trong tổng số lực lượng lao động trong độ tuổi rất thấp, chỉ chiếm 24%.

 

Song song với sự gia tăng số người tham gia, số người thụ hưởng các chính sách BH thất nghiệp cũng ngày càng tăng lên. Dịch vụ BH thất nghiệp do các Trung tâm Dịch vụ việc làm cung cấp thực sự phục vụ được NLĐ. So sánh về mức độ thụ hưởng dịch vụ được thể hiện qua bảng dưới đây.

Nội dung chủ yếu trong tổ chức thực hiện chính sách BH thất nghiệp hiện nay ở Việt Nam là trợ cấp mất việc làm cho NLĐ. Số liệu trong hơn 10 năm triển khai chính sách BH thất nghiệp đều cho thấy số người hưởng trợ cấp thất nghiệp luôn chiếm phần lớn hơn nhiều so với số người thụ hưởng các chính sách khác của BH thất nghiệp. Tỷ lệ người nộp hồ sơ BH thất nghiệp đã nhận trợ cấp thất nghiệp luôn ở mức 96- 98%.

Các chính sách hỗ trợ khác cho NLĐ đào tạo chuyển đổi nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm cho NLĐ hỗ trợ đào tạo để chuyển đổi, duy trì việc làm… đều mờ nhạt. Thiếu các biện pháp hỗ trợ cho DN để hạn chế nguy cơ sa thải NLĐ. Vì vậy làm giảm vai trò chủ động ngăn ngừa thất nghiệp của chính sách BH thất nghiệp.

Thực tế cho thấy, có những ngành nghề có nguy cơ sa thải lao động cao vì lao động thủ công là chủ yếu, đòi hỏi kỹ năng nghề thấp. NLĐ sau độ tuổi 35- 40, nguy cơ bị sa thải càng cao vì DN cần thay thế lao động trẻ hơn. Trong bối cảnh đó, cơ quan BHXH có thể hỗ trợ DN có thời hạn một phần tiền lương hoặc chi phí đóng BHXH. Như vậy, Chính phủ đang chia sẻ khó khăn với DN nhằm giảm nguy cơ sa thải lao động. Tuy nhiên, hiện nay mới chỉ dừng lại ở giải quyết hậu quả của thất nghiệp mà thiếu đi các chính sách chủ động phòng ngừa thất nghiệp.

Thực tế cho thấy, số người hưởng chính sách BH thất nghiệp ở Việt Nam ngày càng tăng; các hình thức hỗ trợ người thất nghiệp ngày càng đa dạng và hỗ trợ NLĐ khi mất việc làm. Nhưng mới chỉ dừng lại ở nội dung hỗ trợ thất nghiệp mà chưa chú trọng đào tạo lại, tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề, phân tích, dự báo thông tin thị trường lao động, nhất là dữ liệu việc làm còn trống.

Chính sách BH thất nghiệp chủ động phòng ngừa thất nghiệp và duy trì cơ hội việc làm đang là xu hướng toàn cầu. Nếu chỉ hỗ trợ thất nghiệp thì sẽ không đủ để cải thiện được tình trạng việc làm của NLĐ. Trong khi NLĐ đối diện với nhiều rào cản trong việc tái tuyển dụng như tuổi tác, tay nghề, kỹ năng… thì chính sách BH thất nghiệp chủ động sẽ tăng khả năng thích ứng của NLĐ, giúp họ chủ động tìm được việc làm.

Để chính sách BH thất nghiệp trở thành một công cụ quản trị thị trường lao động, chủ động phòng ngừa thất nghiệp và duy trì việc làm cho NLĐ, một vài khuyến nghị được đề xuất như sau:

Thứ nhất, cần hỗ trợ NLĐ học tập, nâng cao năng lực nghề nghiệp để tăng cơ hội duy trì việc làm hoặc tìm kiếm việc làm mới. Quỹ nên hỗ trợ một phần chi phí đào tạo nghề để nâng cao năng lực cho NLĐ, đặc biệt đối với những lao động trên 35 tuổi.

Thứ hai, hỗ trợ DN duy trì việc làm cho NLĐ. Khi DN có nhu cầu thay thế lớp NLĐ mới để phù hợp với nhu cầu công việc và tiết kiệm chi phí nhân công thì Quỹ hỗ trợ DN phần kinh phí đóng BHXH, BH thất nghiệp hoặc hỗ trợ một phần chi phí tiền lương với điều kiện DN chấp thuận giữ lại NLĐ hoặc đào tạo lại kĩ năng cho NLĐ. Đây là một phương thức giảm nguy cơ DN sa thải NLĐ và tạo cơ hội việc làm cho NLĐ. Các biện pháp không nên chỉ xoay quanh NLĐ mà nên hướng tới hỗ trợ DN. Bởi lẽ DN cũng đóng góp vào quỹ BH thất nghiệp, đồng thời DN tạo ra việc làm cho xã hội.

Ngoài ra, cần có các chương trình liên kết và phối hợp đào tạo DN NVV với các DN lớn, Hiệp hội nghề hoặc các cơ sở GD nghề nghiệp để đào tạo phát triển năng lực nghề.

Thứ ba, tăng cường tuyên truyền cho NLĐ và người SDLĐ về ý nghĩa của chính sách BH thất nghiệp chủ động, đẩy mạnh tư vấn về việc làm; đa dạng hoá các kênh thông tin về việc làm và thị trường lao động.

Bản thân NLĐ và DN khi hiểu rõ bản chất của chính sách BH thất nghiệp chủ động là can thiệp sớm từ DN để đề phòng nguy cơ NLĐ bị mất việc làm thì NLĐ sẽ có ý thức bảo vệ quyền lợi; còn DN sẽ chia sẻ với Nhà nước trong việc duy trì sự ổn định của thị trường lao động.

Do đó, cần đẩy mạnh đổi mới công tác tuyên truyền chính sách bằng nhiều hình thức như: qua các hội nghị tư vấn chính sách cho DN, qua tư vấn tại các phiên giao dịch việc làm; phối hợp với các công ty, DN tổ chức các buổi tuyên truyền chính sách BH thất nghiệp... Ngoài ra, có thể áp dụng tư vấn trực tiếp thông tin tuyển dụng của các DN và cung cấp các dịch vụ tư vấn chính sách, nghề nghiệp, việc làm, xuất khẩu lao động cho NLĐ đến giải quyết chế độ hưởng BH thất nghiệp.

Chính sách BH thất nghiệp góp phần giải quyết các vấn đề liên quan tới thất nghiệp, việc làm, tuy nhiên, việc xây dựng và tổ chức thực hiện chưa thực sự gắn với thị trường lao động và còn nặng về giải quyết trợ cấp thất nghiệp, chưa chú ý thoả đáng đến các giải pháp phòng ngừa. Chúng tôi đề xuất, trong bối cảnh già hoá dân số, rủi ro ngày càng khó lường, cần phải cải cách chính sách BH thất nghiệp theo hướng gia tăng khả năng phòng ngừa, giảm thiểu thất nghiệp và đảm bảo việc làm cho NLĐ.

 

Bài: TS. Nguyễn Thuỳ Linh- TS. Lê Thị Thuý

Đồ hoạ: Hiểu Thanh


Viết bình luận
Mua bán GCN nghỉ việc hưởng BHXH- Cần xử lý triệt để

Mua bán GCN nghỉ việc hưởng BHXH- Cần xử lý triệt để

Thời gian qua, tại một số địa phương, hành vi cấp khống Giấy chứng nhận (GCN) nghỉ việc hưởng BHXH đã được cơ quan Công an mở chuyên án điều tra. Thậm chí, có nơi, Tòa án đã đưa vụ việc ra xét xử và tuyên mức án nghiêm khắc.

Mua bán GCN nghỉ việc hưởng BHXH- Cần xử lý triệt để

Mua bán GCN nghỉ việc hưởng BHXH- Cần xử lý triệt để

Không chỉ trục lợi từ việc bán GCN nghỉ việc hưởng BHXH, một số PK và các đối tượng còn trục lợi bằng việc bán giấy khám sức khỏe, sổ BHXH; lập chứng từ, hồ sơ KCB BHYT khống để trục lợi quỹ BHYT. Đáng nói, có các đường dây bán giấy khống liên tỉnh, nên NLĐ từ địa phương này nhưng có GCN của PK từ địa phương khác.

Mua bán GCN nghỉ việc hưởng BHXH- Cần xử lý triệt để

Mua bán GCN nghỉ việc hưởng BHXH- Cần xử lý triệt để

Thời gian qua, tình trạng mua bán Giấy chứng nhận (GCN) nghỉ việc hưởng BHXH tại các địa phương khu vực Đông Nam Bộ (Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM…) hầu như ngang nhiên tồn tại, đặc biệt nở rộ từ thời điểm xảy ra dịch bệnh COVID-19 đến nay. Đã đến lúc gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh và mạnh tay xử lý dứt điểm tình trạng này.

Ngăn ngừa chậm đóng, trốn đóng BHXH, BHYT: Nhiều giải pháp hiệu quả

Ngăn ngừa chậm đóng, trốn đóng BHXH, BHYT: Nhiều giải pháp hiệu quả

Trong lĩnh vực thu BHXH, BHYT, tình trạng chậm đóng, trốn đóng chịu ảnh hưởng một phần khá lớn từ diễn biến tăng trưởng của nền kinh tế và “sức khỏe” của các DN ở từng thời điểm khác nhau.