Tạp chí Bảo Hiểm Xã Hội Chắt chiu cùng nhau mở rộng “lưới an sinh”
ASXHPortalViewLongForm
Longform

Chắt chiu cùng nhau mở rộng “lưới an sinh”

Shared facebook

Quyết định tham gia BHXH tự nguyện cho cả 3 thành viên trong gia đình từ tháng 3/2022, ngay khi chương trình “Tiết kiệm an sinh” của hội LHPN xã Thạch Xuân (Thạch Hà, Hà Tĩnh) khởi động, chị Nguyễn Thị Liên (thôn Đông Sơn) xởi lởi: “tham gia BHXH tự nguyện, tính kỹ rồi cũng không có thiệt mô”. Chị Liên tâm sự: “mình là người chăn nuôi tại gia đình, dừng làm việc là dừng thu nhập. Có BHXH tự nguyện, tới khi già rồi sẽ có lương, có BHYT chăm sóc sức khỏe, yên tâm mọi bề”. Trang trại chăn nuôi bò của gia đình chị Liên được xây dựng từ 2017 với sự hỗ trợ vay vốn từ nguồn vốn xây dựng nông thôn mới và nguồn vốn của Hội Phụ nữ. Lợi nhuận chưa cao khi sản phẩm đầu ra tiêu thụ không ổn định, giá thấp, nhưng với gia đình chị Liên, mỗi khoản tiết kiệm nhỏ từng ngày để tham gia BHXH tự nguyện sẽ là khoản “đầu tư” an toàn cho tương lai của cả gia đình, “rất xứng đáng”...

Chia sẻ về mô hình này, chị Nguyễn Thị Thủy- Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Thạch Xuân cho biết: tính từ thời điểm ra mắt đến nay, từ 28 hội viên hưởng ứng tham gia BHXH tự nguyện trong tháng đầu tiên, đến nay chương trình “Tiết kiệm an sinh” của Thạch Xuân đã thu hút 230 người tham gia BHXH tự nguyện. Đặc biệt, phần lớn trong số đó tham gia cho cả hai vợ chồng. Một phần vì khoản tiết kiệm từ 5.000- 10.000 đồng/ngày không phải quá khó khăn với hầu hết người lao động, một phần vì sự lan tỏa của chính sách khiến nhiều người hiểu hơn về chính sách và tự nguyện tham gia. Nhiều người sinh năm 1963, 1960 vẫn hào hứng tham gia BHXH tự nguyện, với niềm tin tưởng về một tương lai dù già yếu nhưng luôn được “tự mình làm chủ” về kinh tế...

Chị Thủy cũng bảo, ý nghĩa lớn hơn con số người tham gia BHXH tự nguyện là nhận thức của bà con trong xã về chính sách an sinh xã hội đã được mở rộng. Khi chia sẻ về chính sách BHXH, BHYT, nhiều khi tuyên truyền viên của Hội LHPN chỉ cần giải thích đơn giản “đây là chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước” là đã đủ tạo được niềm tin; nhiều người dân còn chủ động gọi cho nhân viên thu BHXH, BHYT đề nghị hỗ trợ tham gia chính sách...

Cũng tại huyện Thạch Hà, một mô hình khác cũng có sức thu hút không kém là CLB Vườn rau an sinh của Hội LHPN xã Tượng Sơn. Chị Bùi Thị Hoa - Chủ tịch Hội LHPN xã Tượng Sơn cho biết: CLB Vườn rau an sinh do Hội LHPN xã khởi xướng thành lập từ tháng 10/2020 với mục tiêu chính là tập hợp đông đảo các thành viên cùng nguyện vọng, tiết kiệm từ sản xuất vườn rau, củ quả để tham gia đóng BHXH tự nguyện. Xã Tượng Sơn được mệnh danh là “vựa rau” lớn nhất Hà Tĩnh với hàng trăm vườn rau, cây ăn quả của các hộ gia đình cho thu nhập từ 70 triệu đến 100 triệu đồng/năm. “Kinh tế không khó khăn, nhưng do chưa thực sự hiểu về chính sách nên không phải ai cũng sẵn lòng tham gia BHXH tự nguyện. Đó là cơ sở để Hội LHPN xã đề xuất ý tưởng thành lập một CLB giúp chị em hiểu, có động lực tham gia BHXH tự nguyện, và cả BHYT thông qua hoạt động sản xuất gần gũi nhất với gia đình mình là phát triển vườn rau…”, chị Hoa kể. Hoạt động chính của CLB Vườn rau an sinh không chỉ tuyên truyền về chính sách BHXH, BHYT mà còn hướng dẫn các thành viên thực hành tiết kiệm, cách quản lý kinh tế gia đình hiệu quả, từ đó, trích một phần kinh phí thu nhập từ vườn để đóng phí BHXH tự nguyện... cán bộ hội LHPN xã là đầu mối để đôn đốc và thu tiền đóng BHXH tự nguyện. Hiện nay, CLB đã có 100 thành viên là người làm vườn, dành 1 phần thu nhập từ bán rau để tham gia BHXH tự nguyện. Riêng trong năm 2022, trong số 49 người được Hội LHPN xã Tượng Sơn vận động tham gia BHXH tự nguyện, thì 40 người là thành viên của CLĐ đặc biệt này. Không chỉ gia nhập vào hệ thống BHXH, mỗi hội viên còn là một tuyên truyền viên vận động người thân, những người xung quanh tham gia BHXH, BHYT...

“Trước đây tôi cũng có nghe về BHXH tự nguyện, nhưng lúc đó cứ nghĩ là chỉ những người đã từng làm việc ở công ty, đơn vị chính thức nào đó mới tiếp tục tham gia BHXH cả khi nghỉ việc. Khi biết người làm vườn, buôn bán nhỏ cũng có thể tham gia, tôi không hề đắn đo đăng ký luôn...”, chị Trần Thị Thu Hà- một trong những hội viên đầu tiên của CLB Vườn rau an sinh chia sẻ. Vận động cả chồng là anh Đinh Văn Dũng tham gia BHXH tự nguyện với lý do “giảm gánh nặng cho con khi về già”, hai vợ chồng chị tiếp tục quyết định tham gia BHXH tự nguyện cho cô con gái vừa mới bước chân vào thị trường lao động, giúp cô gái nhỏ có điểm tựa của riêng mình...

Đã bước sang năm thứ tư tham gia BHXH tự nguyện, chị Trần Thị Thanh- thành viên CLB Vườn rau an sinh vẫn rất hài lòng với quyết định này. “Tính riêng vườn rau, mỗi tháng cũng thu nhập ổn định 4-5 triệu đồng cho gia đình, hiện tại sau khi trừ chi tiêu sinh hoạt, cả nhà không đến nỗi không có tích lũy, nhưng tôi vẫn mong muốn có được BHXH, già rồi có lương hưu, có BHYT… Đến lúc tuổi cao sức yếu, ai biết được rồi mình còn đủ khả năng làm việc đến mức nào..”, chị Thanh kể. Ngồi kế bên hỗ trợ con dâu hái rau, bà Trần Thị Vinh- mẹ chồng chị Thanh móm mém: “Thời trước không đi làm nhà nước là chẳng có cơ hội để lĩnh lương hưu như ri đâu. Mệ hơn 90 tuổi rồi, không tham gia BHXH được nữa, nhưng mệ rất ủng hộ con cháu có BHXH. Đóng mấy trăm nghìn một tháng cũng như mình tiết kiệm thôi, cũng chẳng lo bị thiệt…”.

Cũng theo chị Bùi Thị Hoa, bên cạnh CLB Vườn rau an sinh, còn rất nhiều cách tiếp cận khác vẫn được Hội LHPN xã vận dụng để thu hút sự quan tâm của người dân đến các chính sách an sinh xã hội này. Cụ thể như thông tin tuyên truyền trên đài truyền thanh xã, chia sẻ trên mạng xã hội, tận dụng các cuộc họp của Hội, thôn, xóm để chia sẻ thông tin… “Trò chuyện trực tiếp, giới thiệu cặn kẽ về chính sách, có bà con còn ngạc nhiên “BHXH tự nguyện có lâu rồi, mà sao giờ mới đến với Tượng Sơn? Hay ri, mà nhà tôi chẳng biết tham gia sớm…”, chị Hoa kể. Thực tế đó càng tiếp thêm động lực để chị em trong Hội LHPN xã không ngại đến từng nhà người dân có nhu cầu tìm hiểu về chính sách để tư vấn, hướng dẫn họ tham gia...

Đánh giá cao ý nghĩa xã hội của những mô hình cùng nhau “mở rộng lưới an sinh” này, ông Trần Danh Hướng- Giám đốc BHXH huyện Thạch Hà nhấn mạnh: việc khuyến khích hội LHPN phát động các phong trào và xây dựng các mô hình trong việc tuyên truyền vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình là một nội dung trong thực hiện nhiệm vụ của ngành BHXH nhằm đa dạng các hình thức tuyền thông, và thông qua hoạt động này cũng đã góp phần phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong việc thực hiẹn chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn...

Chia sẻ về vai trò của Hội LHPN Việt Nam trong việc mở rộng diện bao phủ BHXH và đảm bảo tiếp cận an sinh xã hội cho phụ nữ, bà Đàm Thị Vân Thoa- Trưởng ban Chính sách- Luật pháp (T.Ư Hội LHPN Việt Nam) đã nhấn mạnh: “Với chức năng đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ, hoạt động vì sự bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ, bên cạnh việc tham gia đề xuất, góp ý, phản biện xã hội về các chính sách liên quan đến vấn đề bình đẳng giới trong luật BHXH, Hội LHPN Việt Nam xác định việc truyền thông xã hội để mở rộng diện bao phủ BHXH và tiếp cận các chính sách an sinh xã hội của phụ nữ là nhiệm vụ mang tính chiến lược trong thời gian tới”. Rất nhiều hình thức tuyên truyền chính sách BHXH cho phụ nữ đã được Hội LHPN tổ chức thực hiện với đối tượng được chú trọng tuyên truyền là phụ nữ- những người giữ vai trò quan trọng trong việc tổ chức cuộc sống gia đình và chăm sóc sức khỏe cho các thành viên trong gia đình.

Đặc biệt, Hội đã xây dựng các mô hình mua thẻ BHXH, BHYT cho phù hợp với từng địa phương, từ đó nhân rộng tới các tỉnh, thành trong cả nước. Trong những năm qua, rất nhiều mô hình sáng tạo, phù hợp với từng địa bàn cũng được các chi hội trên toàn quốc phát triển và vận hành hiệu quả. Có thể kết đến như “Tổ, nhóm phụ nữ tiết kiệm giúp nhau mua thẻ BHYT” của huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa).  Mô hình được xây dựng xuất phát từ thực tế tại địa phương, nhiều chị em phụ nữ còn khó khăn, ít có điều kiện chăm lo sức khỏe, nhiều người không có tham gia BHYT, đến khi phát bệnh lại phải lựa chọn sống chung với bệnh tật... Các tổ nhóm tiết kiệm hoạt động theo hình thức vận động chị em hội viên, phụ nữ đóng tiền tiết kiệm theo tổ, hoặc nhóm để hỗ trợ nhau mua BHYT cho bản thân và các thành viên trong gia đình. Từ 2 tổ thí điểm ban đầu tại xã Thọ Xương, Hội LHPN huyện Thọ Xuân đã nhân rộng mô hình nhân văn này đến 271/271 chi hội thuộc 30/30 xã, thị trấn. Trong năm 2022, Hội LHPN huyện đã thành lập mới 289 tổ; nâng tổng số tổ, nhóm lên 1.351; với tổng số thành viên lên 30.395. Bên cạnh đó, Hội LHPN huyện cũng mở rộng, tiếp tục triển khai, thực hiện công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, vận động mới được 995 hợp đồng...

Chia sẻ về mô hình tương tự tại tỉnh Hòa Bình, bà Hà Thị Bình- Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Hòa Bình cho biết: từ năm 2017 Hội LHPN tỉnh đã xây dựng mô hình “Vận động phụ nữ tiết kiệm mua BHYT- vì sức khỏe gia đình” và làm điểm tại xóm Cời, xã Tân Vinh (Lương Sơn). Đây là địa bàn có tỷ lệ hội viên phụ nữ tham gia BHYT thấp, nhận thức về BHYT còn hạn chế. Nhận được sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo hội viên phụ nữ và người dân, tính đến năm 2022, các cấp Hội LHPN trong tỉnh đã xây dựng và nhân rộng được 190 mô hình với sự tham gia 7.745 hội viên; mua và hỗ trợ được 12.129 thẻ BHYT hộ gia đình cho hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, góp phần nâng tỷ lệ bao phủ người tham gia BHYT trên địa bàn tỉnh.

Bà Lê Thị Thanh Loan- Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Bình Phước cũng chia sẻ: ngoài tuyên truyền về các chính sách BHXH, BHYT, các cấp Hội đã tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ thực hành tiết kiệm trong chi tiêu để mua BHYT tự nguyện chăm sóc sức khỏe cho bản thân và gia đình. Từ năm 2020, Ban thường vụ Hội LHPN tỉnh đã ban hành kế hoạch thành lập mô hình điểm “Chi/tổ phụ nữ thực hành tiết kiệm mua thẻ BHYT - vì sức khỏe phụ nữ” từ đó nhân rộng trong những năm tiếp theo. Hiện, Bình Phước đã thành lập được 18 mô hình như trên với sự tham gia của hơn 1.000 thành viên, hỗ trợ trên 1.300 thẻ BHYT cho hội viên, phụ nữ khó khăn. Ngoài ra, thông qua chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, các chương trình từ thiện, vì an sinh xã hội, các cấp Hội phụ nữ toàn tỉnh đã tích cực vận động nguồn lực hỗ trợ, từ năm 2018 đến nay đã tặng hơn 2.000 thẻ BHYT trị giá 1,6 tỉ đồng cho phụ nữ và trẻ em khó khăn ở vùng sâu, vùng xa, cùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới...

Hội LHPN tỉnh Quảng Nam cũng thực hiện công tác tuyên truyền, vận động tham gia chính sách BHXH, BHYT thường xuyên, gắn với sinh hoạt Chi, tổ hội, các mô hình câu lạc bộ, tổ nhóm tiết kiệm và vay vốn. Hội còn tổ chức đối thoại về BHXH, BHYT, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các chính sách BHXH, BHYT; phát hành hàng chục nghìn tờ rơi và các loại ấn phẩm tuyên truyền về BHXH, BHYT, BHXH tự nguyện rộng rãi đến các cơ sở KCB, trường học; phối hợp tổ chức các gameshow giao lưu, học hỏi, chia sẻ kiến thức về BHXH, BHYT... Theo bà Nguyễn Thị Liên- Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Quảng Nam, mục tiêu phấn đấu của Hội LHPN tỉnh Quảng Nam đặt ra là phấn đấu đến năm 2025, vận động 6.000 cán bộ, hội viên, phụ nữ và người dân tham gia mới BHXH tự nguyện; 98% hội viên, phụ nữ tham gia BHYT...

Còn tại tỉnh Trà Vinh, các cấp Hội LHPN đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động đến từng chi, tổ Hội triển khai xây dựng mô hình “Tiết kiệm nuôi heo đất mua BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình”. Qua 2 năm phát động, Hội đã thành lập trên 60 tổ “Phụ nữ tiết kiệm nuôi heo đất tham gia BHXH tự nguyện” với hơn 800 thành viên, 70 tổ tiết kiệm mua BHYT với gần 900 thành viên. “Song song đó, nhiều cơ sở Hội còn sáng tạo xây dựng mô hình “1+1” để vận động hội viên phụ nữ và hộ dân tham gia BHXH tự nguyện. Mô hình này thực hiện theo cách là một chi hội trưởng/chi hội phó tham gia BHXH tự nguyện cho bản thân và vận động thêm một người thân tham gia BHXH tự nguyện”, bà Kiên Thị Minh Nguyệt- Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Trà Vinh cho biết thêm…

Bài: Quốc An

Đồ hoạ: Hiểu Thanh


Viết bình luận
Kinh nghiệm quốc tế về xây dựng Danh mục thuốc

Kinh nghiệm quốc tế về xây dựng Danh mục thuốc

Các kinh nghiệm quốc tế về xây dựng danh mục thuốc BHYT, đấu thầu, đàm phán giá và quản lý giá thuốc, thanh toán BHYT... là những gợi ý để Việt Nam tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật triển khai chính sách BHYT.

Kinh nghiệm phát triển BHYT toàn dân bền vững ở một số quốc gia

Kinh nghiệm phát triển BHYT toàn dân bền vững ở một số quốc gia

Để phát triển BHYT toàn dân bền vững, nhiều nước đã phải trải qua nhiều giai đoạn cải cách, đổi mới cả về hệ thống BHYT và hệ thống cung ứng dịch vụ y tế. Bài viết chia sẻ kinh nghiệm phát triển BHYT bền vững ở một số quốc gia và đề xuất cho Việt Nam.

Mua bán GCN nghỉ việc hưởng BHXH- Cần xử lý triệt để

Mua bán GCN nghỉ việc hưởng BHXH- Cần xử lý triệt để

Thời gian qua, tại một số địa phương, hành vi cấp khống Giấy chứng nhận (GCN) nghỉ việc hưởng BHXH đã được cơ quan Công an mở chuyên án điều tra. Thậm chí, có nơi, Tòa án đã đưa vụ việc ra xét xử và tuyên mức án nghiêm khắc.

Mua bán GCN nghỉ việc hưởng BHXH- Cần xử lý triệt để

Mua bán GCN nghỉ việc hưởng BHXH- Cần xử lý triệt để

Không chỉ trục lợi từ việc bán GCN nghỉ việc hưởng BHXH, một số PK và các đối tượng còn trục lợi bằng việc bán giấy khám sức khỏe, sổ BHXH; lập chứng từ, hồ sơ KCB BHYT khống để trục lợi quỹ BHYT. Đáng nói, có các đường dây bán giấy khống liên tỉnh, nên NLĐ từ địa phương này nhưng có GCN của PK từ địa phương khác.