Tạp chí Bảo Hiểm Xã Hội Chính sách BHXH ở Việt Nam: Ngày càng tiệm cận với quy chuẩn an sinh xã hội quốc tế
ASXHPortalViewLongForm
Longform

Chính sách BHXH ở Việt Nam: Ngày càng tiệm cận với quy chuẩn an sinh xã hội quốc tế

Shared facebook

Trong hệ thống an sinh xã hội, BHXH là “lưới” đầu tiên, quan trọng nhất. Sự phát triển BHXH sẽ là tiền đề và điều kiện để thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, thúc đẩy sự phát triển kinh tế- xã hội của đất nước. Chính sách BHXH được triển khai nhằm mục đích bảo vệ NLĐ và gia đình của họ. NLĐ là nhóm đối tượng chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu dân số mỗi quốc gia, là những người tạo ra của cải vật chất cho xã hội, đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong sự phát triển kinh tế- xã hội. Chính vì vậy mà chính sách BHXH phản ánh sự bền vững của hệ thống an sinh xã hội, trình độ phát triển của nền kinh tế.

Cùng với chính sách BHXH, chính sách BHYT đã từng bước khẳng định và phát huy vai trò là một trong những trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội. Chính sách BHYT góp phần không nhỏ vào việc tăng cường bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ cho nhân dân, giảm thiểu tình trạng nghèo đói khi chi phí y tế quá lớn, giảm bớt gánh nặng khi KCB do ốm đau, tai nạn, đảm bảo sự công bằng của người dân trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế.

Đặc biệt, trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19, chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp đã phát huy tác dụng to lớn trong việc đảm bảo ổn định cuộc sống của người dân. NLĐ mắc COVID-19 được hưởng chế độ ốm đau theo quy định của Luật BHXH. Chế độ BHXH này giúp hỗ trợ NLĐ gặp khó khăn khi phải nghỉ làm khi ốm đau. Bên cạnh đó, BHYT chi trả các chi phí KCB khi NLĐ phải nằm viện do nhiễm COVID-19 theo quy định, giúp giảm thiểu các chi phí y tế phát sinh. Ngoài mức trợ cấp thất nghiệp đối với NLĐ bị mất việc làm do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, BH thất nghiệp còn hỗ trợ cho NLĐ và giảm mức đóng vào quỹ BH thất nghiệp cho người SDLĐ bị ảnh hưởng bởi đại dịch.

Để theo kịp sự phát triển kinh tế- xã hội của đất nước cũng như quy chuẩn an sinh xã hội quốc tế, trong những năm qua, chính sách BHXH ở Việt Nam đã dần được bổ sung, điều chỉnh để kịp thời đáp ứng nhu cầu của người dân, NLĐ trong từng thời kỳ.

Giai đoạn từ năm 1945 đến năm 1954:

Khi mới bắt đầu được triển khai, chính sách BHXH chỉ bao gồm trợ cấp hưu bổng cho công chức. Ngày 12/3/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành Sắc lệnh số 29-SL. Đây là văn bản pháp luật đầu tiên quy định về các chế độ BHXH đối với công nhân. Tiếp theo đó, các sắc lệnh số 76-SL, 77-SL được ban hành năm 1950 quy định thực hiện các chế độ ốm đau, TNLĐ và hưu trí cho CBCNVC.

Giai đoạn từ năm 1954 đến 1995:

Khi miền Bắc được giải phóng, nước ta tập trung xây dựng CNXH, nên pháp luật về BHXH được phát triển mở rộng nhanh. Ngày 27/12/1961, Chính phủ ban hành Nghị định số 218/CP ban hành Điều lệ tạm thời về các chế độ BHXH đối với CNVC nhà nước, thay thế tất cả những quy định trước đó về các chế độ có tính chất BHXH, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/1962. Đây là Điều lệ đầu tiên về BHXH. Từ năm 1975 đến năm 1995, BHXH đã được thực hiện thống nhất trong cả nước. Chính sách BHXH đã được mở rộng thực hiện đối với CBCC, CNVC nhà nước; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ QĐND và CAND. Tuy nhiên, sau khi nền kinh tế chuyển đổi từ tập trung, bao cấp sang kinh tế thị trường theo định hướng XHCN thì chính sách BHXH bắt đầu bộc lộ một số bất cập.

Giai đoạn từ 1995 đến nay:

Năm 1995 đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong sự phát triển chính sách BHXH với việc thực hiện BHXH bắt buộc cho NLĐ trong mọi thành phần kinh tế. Trên cơ sở Bộ luật Lao động được thông qua tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa IX, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/1995, Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH và liên bộ ban hành nhiều Nghị định, Quyết định, Thông tư hướng dẫn thực hiện chính sách chế độ BHXH. Trong đó, văn bản chủ đạo về chế độ, chính sách BHXH là Nghị định số 12/CP ngày 26/01/1995 quy định thực hiện BHXH bắt buộc đối với CC, CNVC nhà nước và NLĐ làm việc tại các DN. Đồng thời, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 19/CP ngày 16/2/1995 thành lập BHXH Việt Nam. Đây là sự kiện lớn thể hiện sự lớn mạnh và tầm quan trọng của chính sách BHXH, đòi hỏi phải có cơ quan chuyên trách để triển khai chính sách hiệu quả.

Ngày 29/6/2006 đánh dấu một mốc son trong chặng đường phát triển và hoàn thiện chính sách, pháp luật BHXH khi Quốc hội khóa XI thông qua Luật BHXH, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2007 với loại hình BHXH bắt buộc; từ ngày 1/1/2008 với loại hình BHXH tự nguyện và từ 1/1/2009 với loại hình BH thất nghiệp. Theo đó, đối tượng tham gia BHXH được mở rộng đến NLĐ thuộc mọi thành phần kinh tế làm việc theo HĐLĐ có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên, áp dụng với tất cả các tổ chức, cá nhân có thuê mướn, sử dụng và trả công cho NLĐ. Tiếp đó, ngày 14/11/2008, Quốc hội khóa XII đã thông qua Luật BHYT có hiệu lực từ ngày 1/1/2009.

Trong tiến trình hoàn thiện, ngày 20/11/2014, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật BHXH số 58/2014/QH13, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2016, mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc với người làm việc theo HĐLĐ có thời hạn từ đủ 1 tháng trở lên, NLĐ là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam (từ ngày 1/1/2018), người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo HĐLĐ và người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn.

Để BHXH thực sự là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, mở rộng diện bao phủ BHXH, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân, ngày 23/5/2018, Hội nghị lần thứ bảy BCH Trung ương khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH. Theo đó, hệ thống BHXH sẽ phát triển linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại và hội nhập quốc tế theo nguyên tắc đóng- hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững; nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả…

Theo đánh giá của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Nghị quyết số 28-NQ-TW về cải cách chính sách BHXH có nhiều nội dung tiến bộ, tiệm cận với các tiêu chuẩn về an sinh xã hội trong các Công ước và Khuyến nghị của ILO. Hệ thống các chế độ BHXH về cơ bản phù hợp với các Công ước và Khuyến nghị của ILO. Diện bao phủ của chính sách BHXH đang ngày càng được mở rộng, hướng tới bao phủ toàn bộ lực lượng lao động. Chính sách BHYT đã từng bước hiện thực hoá mục tiêu bao phủ toàn dân, tăng cường bảo vệ cho người dân.

Tính đến cuối năm 2022, cả nước đã có 17,5 triệu người tham gia BHXH, bằng 38,08% lực lượng lao động trong độ tuổi; trên 91 triệu người tham gia BHYT, bao phủ 92,04% dân số; khoảng 14,3 triệu người tham gia BH thất nghiệp, đạt 31,18% lực lượng lao động trong độ tuổi.

Tuy nhiên, hệ thống chính sách BHXH vẫn tiếp tục cần hoàn thiện, khắc phục những hạn chế, bất cập, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, phù hợp với xu hướng phát triển của khu vực và thế giới. Để hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân, chính sách BHXH cần được sửa đổi, bổ sung theo các hướng sau đây:

Thứ nhất, xây dựng hệ thống BHXH đa tầng, bao gồm trợ cấp hưu trí xã hội, các chế độ BHXH cơ bản (bao gồm BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện) và BH hưu trí bổ sung theo nguyên tắc thị trường tạo điều kiện nâng cao mức hưởng lương hưu cho NLĐ.

Thứ hai, sửa đổi quy định về điều kiện thời gian tham gia BHXH tối thiểu để hưởng hưu trí theo hướng linh hoạt đồng thời với việc điều chỉnh công thức tính lương hưu theo nguyên tắc công bằng, đóng- hưởng, chia sẻ. Quy định về điều kiện hưởng chế độ hưu trí cần được sửa đổi theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí để tiệm cận theo các quy chuẩn an sinh xã hội quốc tế. Đảm bảo sự công bằng giữa nam và nữ, giữa các khu vực trong cách tính lương hưu. Mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc sang các nhóm đối tượng khác có nhu cầu và có khả năng như các nhóm chủ hộ kinh doanh, người quản lý DN…

Thứ ba, tăng cường sự liên kết, hỗ trợ giữa các chính sách BHXH cũng như tính linh hoạt của các chính sách. Nghiên cứu sửa đổi, hoàn thiện chính sách BH tự nguyện, nghiên cứu bổ sung các gói BHXH tự nguyện ngắn hạn linh hoạt như chế độ trợ cấp thai sản, duy trì chính sách hỗ trợ đặc biệt là nhóm người nghèo để thu hút tham gia BHXH tự nguyện.

Thứ tư, cải cách trong thiết kế chính sách, xây dựng chính sách BHXH bảo đảm sự công bằng, không phân biệt đối xử giữa các nhóm đối tượng tham gia; tăng cường sự chia sẻ giữa các nhóm đối tượng thụ hưởng nhằm khắc phục bất hợp lý, chênh lệch quá lớn về mức hưởng. Đẩy mạnh CCHC, nhanh chóng thực hiện chuyển đổi số nhằm đơn giản hoá các quy trình, thủ tục đăng ký, đóng, hưởng BHXH, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ BHXH theo hướng thân thiện, công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho người dân và DN.

Thứ năm, đẩy nhanh quá trình chuyển dịch lao động khu vực phi chính thức sang khu vực chính thức. Nghiên cứu thiết kế các gói BHXH ngắn hạn với mức đóng, mức hưởng, phương thức giao dịch phù hợp với NLĐ trong khu vực phi chính thức.

Thứ sáu, sửa đổi, khắc phục các bất hợp lý về chế độ hưu trí, linh hoạt hơn về điều kiện hưởng, chặt chẽ hơn trong quy định hưởng BHXH một lần bằng cách tăng quyền lợi nếu bảo lưu thời gian tham gia BHXH để hưởng chế độ hưu trí, giảm quyền lợi nếu hưởng BHXH một lần. Sửa đổi các quy định để khuyến khích NLĐ tham gia BHXH thời gian dài hơn, từng bước tăng tuổi nghỉ hưu bình quân, tăng tỉ lệ giảm trừ tiền lương hưu đối với NLĐ muốn nhận lương hưu trí sớm.

Thứ bảy, sửa đổi các quy định về mức đóng, căn cứ đóng BHXH để đạt mục tiêu tăng trưởng diện bao phủ với mức hưởng khiêm tốn thay vì mức hưởng cao nhưng diện bao phủ hẹp. Sửa đổi quy định về căn cứ đóng BHXH của khu vực DN để khắc phục tình trạng trốn đóng, đóng không đủ BHXH, ảnh hưởng đến khả năng cân đối quỹ BHXH và quyền lợi của NLĐ. Nghiên cứu điều chỉnh tỉ lệ đóng vào quỹ BHXH theo hướng hài hoà quyền lợi giữa người SDLĐ và NLĐ.

Thứ tám, điều chỉnh tỷ lệ tích lũy để đạt tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa phù hợp thông lệ quốc tế. Sửa đổi cách tính lương hưu theo hướng giảm tỉ lệ tích luỹ, bảo đảm khả năng cân đối quỹ hưu trí trong dài hạn, phù hợp với thông lệ quốc tế. Có lộ trình điều chỉnh kéo dài thời gian tham gia BHXH thực tế, bảo vệ quyền lợi của người hưởng chế độ hưu trí theo nguyên tắc đóng- hưởng, công bằng và chia sẻ phù hợp.

Thứ chín, xây dựng lộ trình điều chỉnh lương hưu độc lập tương đối với tiền lương của người tại chức, thay đổi cách thức điều chỉnh lương hưu theo hướng chia sẻ. Thực hiện điều chỉnh trợ cấp hưu trí xã hội theo khả năng cân đối của NSNN; lương hưu cơ bản được điều chỉnh chủ yếu dựa trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng, khả năng của quỹ BHXH và NSNN.

Bài: Ths. Nguyễn Xuân Tiệp- ĐH Kinh tế quốc dân

Đồ hoạ: Hiểu Thanh

Tài liệu tham khảo:

- Bùi Sỹ Lợi (2021), Hệ thống an sinh xã hội ở Việt Nam: Thực trạng và giải pháp, Tạp chí Tài chính;

- Nguyễn Văn Định (2012), Giáo trình an sinh xã hội, NXB Kinh tế Quốc dân;

- Nguyễn Thị Minh Huệ (2021), Vai trò trụ cột của BHXH trong hệ thống an sinh xã hội;

- Nguyễn Mậu Quyết (2018), Cải cách chính sách BHXH hướng tới bao phủ toàn dân.


Viết bình luận
Mua bán GCN nghỉ việc hưởng BHXH- Cần xử lý triệt để

Mua bán GCN nghỉ việc hưởng BHXH- Cần xử lý triệt để

Thời gian qua, tại một số địa phương, hành vi cấp khống Giấy chứng nhận (GCN) nghỉ việc hưởng BHXH đã được cơ quan Công an mở chuyên án điều tra. Thậm chí, có nơi, Tòa án đã đưa vụ việc ra xét xử và tuyên mức án nghiêm khắc.

Mua bán GCN nghỉ việc hưởng BHXH- Cần xử lý triệt để

Mua bán GCN nghỉ việc hưởng BHXH- Cần xử lý triệt để

Không chỉ trục lợi từ việc bán GCN nghỉ việc hưởng BHXH, một số PK và các đối tượng còn trục lợi bằng việc bán giấy khám sức khỏe, sổ BHXH; lập chứng từ, hồ sơ KCB BHYT khống để trục lợi quỹ BHYT. Đáng nói, có các đường dây bán giấy khống liên tỉnh, nên NLĐ từ địa phương này nhưng có GCN của PK từ địa phương khác.

Mua bán GCN nghỉ việc hưởng BHXH- Cần xử lý triệt để

Mua bán GCN nghỉ việc hưởng BHXH- Cần xử lý triệt để

Thời gian qua, tình trạng mua bán Giấy chứng nhận (GCN) nghỉ việc hưởng BHXH tại các địa phương khu vực Đông Nam Bộ (Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM…) hầu như ngang nhiên tồn tại, đặc biệt nở rộ từ thời điểm xảy ra dịch bệnh COVID-19 đến nay. Đã đến lúc gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh và mạnh tay xử lý dứt điểm tình trạng này.

Ngăn ngừa chậm đóng, trốn đóng BHXH, BHYT: Nhiều giải pháp hiệu quả

Ngăn ngừa chậm đóng, trốn đóng BHXH, BHYT: Nhiều giải pháp hiệu quả

Trong lĩnh vực thu BHXH, BHYT, tình trạng chậm đóng, trốn đóng chịu ảnh hưởng một phần khá lớn từ diễn biến tăng trưởng của nền kinh tế và “sức khỏe” của các DN ở từng thời điểm khác nhau.