Tạp chí Bảo Hiểm Xã Hội Đảm bảo an sinh xã hội, xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân
ASXHPortalViewLongForm
Longform

Đảm bảo an sinh xã hội, xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân

Shared facebook

Theo Phó Thủ tướng, trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều diến biến phức tạp, khó lường, năm 2023, tình hình kinh tế-xã hội trong nước cũng còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với nhiều nỗ lực, cố gắng, các chỉ tiêu quan trọng đã được cả nước cùng nỗ lực thực hiện và hoàn thành, trong đó có chỉ tiêu về BHXH, BHYT.

Bên cạnh những khó khăn chung, ngành BHXH Việt Nam cũng phải đối mặt với những yếu tố đặc thù, nhất là tình hình khó khăn của đơn vị SDLĐ và người dân, ảnh hưởng đến việc đóng và tham gia BHXH, BHYT trong các năm gần đây. Dù vậy, ngành BHXH Việt Nam đã có nhiều nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu được Chính phủ giao, đóng góp quan trọng vào việc đảm bảo an sinh xã hội.

Cụ thể, những kết quả nổi bật mà ngành BHXH Việt Nam đạt được trong năm 2023 là: Công tác phối hợp với các bộ, ngành Trung ương; cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục được triển khai một cách chặt chẽ, hiệu quả. Trong đó, nổi lên là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị ở cơ sở trong việc triển khai thực hiện chính sách BHXH, BHYT.

Mặc dù nền kinh tế năm 2023 có sự hồi phục nhưng chưa đạt được như kỳ vọng và tác động đến tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của DN như không có đơn hàng, số lượng và thu nhập của NLĐ đều giảm, ảnh hưởng trực tiếp đến công tác thực hiện nhiệm vụ, nhưng ngành BHXH Việt Nam vẫn hoàn thành vượt chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH, BHYT; vượt số thu và số tiền chậm đóng giảm sâu nhất từ trước đến nay.

Về độ bao phủ, tỷ lệ người tham gia BHXH của cả nước đạt khoảng 39,25% so với lực lượng lao động trong độ tuổi với 18,26 triệu người (đạt mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ). Trong đó, khoảng 3,92% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH tự nguyện (với gần 1,83 triệu người)- vượt 1,42% so với mục tiêu giai đoạn đến năm 2025 tại Nghị quyết số 28-NQ/TW của BCH Trung ương. Tỷ lệ người tham gia BH thất nghiệp đạt gần 31,6% lực lượng lao động trong độ tuổi với 14,7 triệu người. Đặc biệt, tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 93,35%- vượt 0,15% so với Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, với trên 93,3 triệu người tham gia, vượt mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 68/2022/QH15 của Quốc hội, tiệm cận mục tiêu BHYT toàn dân.

Công tác quản lý tài chính, tài sản, kế toán được thực hiện chặt chẽ, đúng quy định, công khai, minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả; phục vụ chi trả kịp thời cho người tham gia và thụ hưởng. Công tác quản lý đầu tư quỹ được thực hiện đúng quy định, đảm bảo nguyên tắc an toàn, bền vững, hiệu quả, tối ưu hóa phương án đầu tư.

Công tác thực hiện chính sách BHYT được triển khai đồng bộ, đảm bảo đầy đủ, kịp thời quyền lợi của người tham gia BHYT. Năm 2023, cả nước có hơn 174,8 triệu lượt KCB BHYT, tăng trên 23,4 triệu lượt so với năm 2022; số chi KCB BHYT khoảng 124.300 tỷ đồng.

BHXH Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế và Bộ Tài chính triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả quỹ BHYT, đảm bảo chi đúng, chi đủ, phục vụ kịp thời các hoạt động KCB, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người dân và đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT.

Công tác giải quyết, chi trả chế độ BHXH, BH thất nghiệp luôn được đảm bảo dúng quy định, đầy đủ, kịp thời tới từng người tham gia và thụ hưởng, với thủ tục đơn giản, tiện lợi, góp phần hỗ trợ, ổn định cuộc sống của NLĐ.

Cùng với Bộ Công an đi đầu trong triển khai Đề án 06, tạo đột phá trong quản lý, được người dân, xã hội đánh giá cao; ứng dụng hiệu quả công nghệ số; các TTHC thường xuyên được rà soát, đơn giản hóa nhằm cắt giảm chi phí, tạo thuận lợi tối đa trong việc phục vụ người dân, DN khi giao dịch với cơ quan BHXH.

Đặc biệt, CSDL của ngành BHXH Việt Nam được xây dựng rất hiệu quả. Điều này được minh chứng rất rõ qua quá trình chi trả hỗ trợ người dân, DN gặp khó khăn do COVID-19. Chỉ trong khoảng 2 tháng đã triển khai hỗ trợ rất nhanh chóng, trực tiếp đến hàng triệu NLĐ và hàng trăm nghìn DN. Nếu như không có sự chuẩn bị, sẵn sàng từ hệ thống cơ quan BHXH, chính sách hỗ trợ khó có thể đến kịp với người dân, DN.

“Thay mặt Lãnh đạo Chính phủ, tôi đánh giá cao những thành tích và sự cố gắng của toàn ngành BHXH Việt Nam”- Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Cũng theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, năm 2024, nền kinh tế-xã hội sẽ còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Để tiếp tục hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2024, ngành BHXH Việt Nam cần tiếp tục duy trì sự đoàn kết, nhiệt huyết, quyết tâm; đồng thời tập trung thực hiện tốt một số nhóm giải pháp trọng tâm sau:

Bám sát chủ trương, đường lối, định hướng, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; kịp thời cụ thể hóa thành các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, chương trình, kế hoạch công tác để triển khai trong toàn Ngành. Đặc biệt là các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Chiến lược phát triển ngành BHXH Việt Nam.

Chủ động nắm bắt, đánh giá những vướng mắc trong thực tiễn tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật; phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật BHXH, BHYT cho phù hợp; phản ứng chính sách chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả về những vấn đề mới, khó, phức tạp, nhạy cảm. Phối hợp chặt chẽ với Bộ LĐ-TB&XH xây dựng dự thảo sửa đổi Luật BHXH, với Bộ Y tế xây dựng dự thảo sửa đổi Luật BHYT để tham mưu Chính phủ trình Quốc hội xem xét. Các vấn đề về BHXH một lần, vấn đề thanh toán KCB BHYT... cũng cần được nghiên cứu kỹ để đề xuất sửa đổi, hoàn thiện chính sách, pháp luật, đáp ứng các yêu cầu đặt ra trong thực tiễn.

Tiếp tục kiện toàn, tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, hành chính, phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu; phân công, phân nhiệm “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ kết quả” đi đôi với kiểm tra, giám sát; khen thưởng kịp thời; xử lý nghiêm vi phạm.

Triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển người tham gia; đôn đốc thu, giảm tiền chậm đóng; giải quyết, chi trả kịp thời, đầy đủ các quyền lợi về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; kịp thời xử lý các hành vi vi phạm.

Quản lý tài chính các quỹ đảm bảo đúng quy định, an toàn, bền vững và hiệu quả. Khai thác, phát huy tối đa hiệu quả CNTT, CSDL của Ngành để kiểm tra, phòng ngừa gian lận, trục lợi quỹ.

Tiếp tục rà soát, đơn giản hóa các TTHC; mở rộng các hình thức cung cấp các DVC trực tuyến mức độ 4. Đẩy nhanh chuyển đổi số; hoàn thiện và kết nối hệ thống dữ liệu chuyên ngành về BHXH, BHYT; CSDL quốc gia về Bảo hiểm... gắn với Đề án 06 và quá trình chuyển đổi số của Chính phủ.

Đổi mới hơn nữa nội dung, hình thức, phương pháp truyền thông để người dân có thể tiếp cận tốt nhất mọi thông tin về BHXH, BHYT. Đặc biệt, khi các dự thảo Luật BHXH, Luật BHYT được thông qua, phải chủ động truyền thông đến người dân để thực hiện kịp thời, hiệu quả.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng đề nghị Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Y tế nghiên cứu, khẩn trương báo cáo, trình Chính phủ để trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung đồng bộ Luật BHXH, Luật BHYT, Luật Việc làm và các luật liên quan phù hợp với tinh thần các nghị quyết của Trung ương về chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp.

Các bộ, ngành liên quan sớm hoàn thiện CSDL quốc gia về Dân cư, về KCB, lao động... để liên thông, chia sẻ với cơ quan BHXH, đảm bảo tính pháp lý, toàn vẹn của dữ liệu được liên thông cũng như tạo thuận lợi cho việc thực hiện giao dịch điện tử, nhằm tăng cường tính chính xác, công khai, minh bạch, cải cách TTHC và nâng cao hiệu quả công tác quản lý người đóng-hưởng BHXH, hạn chế tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHXH, BH thất nghiệp.

UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục chỉ đạo các sở, ban, ngành, chính quyền các cấp phối hợp chặt chẽ với ngành BHXH Việt Nam trong việc triển khai thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn; đồng thời đưa chỉ tiêu, kế hoạch thực hiện lộ trình phát triển người tham gia BHXH, BHYT vào nghị quyết, chương trình hành động- xác định đây là một trong những chỉ tiêu quan trọng về phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

“Với những thành tích đạt được trong năm 2023, tôi tin tưởng rằng, tập thể lãnh đạo, CCVC, NLĐ ngành BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao trong năm 2024, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân”- Phó Thủ tướng Lê Minh Khái khẳng định.

PV: Thực hiện

Đồ hoạ: Hiểu Thanh


Viết bình luận
Mang tới những niềm vui

Mang tới những niềm vui

Trong ánh mắt ngời niềm vui của những người được trao tặng tấm thẻ BHYT, họ bất ngờ nhận ra rằng, món quà của mình giá trị biết bao, bởi nó “khiến người khác vui thì bản thân mình cũng ngập tràn hạnh phúc”.

Nâng cao hiệu quả công tác truyền thông nhằm phát triển bền vững độ bao phủ BHXH, BHYT

Nâng cao hiệu quả công tác truyền thông nhằm phát triển bền vững độ bao phủ BHXH, BHYT

Công tác truyền thông luôn được BHXH Việt Nam xem là một trong những nhiệm vụ chiến lược hàng đầu, góp phần thay đổi nhận thức xã hội, giúp ngành BHXH Việt Nam hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao.

Người “lăn xả” lo an sinh

Người “lăn xả” lo an sinh

Dù ở vùng đất Tây Nguyên xa xôi nắng gió hay miền Tây nước lũ, những năm qua, nhiều người dân, phụ huynh và HS có hoàn cảnh khó khăn đều nhớ và bày tỏ lòng biết ơn đến Quỹ Tâm Nguyện Việt, đặc biệt là cá nhân bà Hồ Thị Mộng Thu- Phó Giám đốc Thường trực Quỹ.

Chuyển đổi số để nâng tầm phục vụ

Chuyển đổi số để nâng tầm phục vụ

Nắm bắt xu thế chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu cũng như trong nước, ngành BHXH Việt Nam đã và đang tập trung mọi nguồn lực, quyết liệt triển khai nhiều giải pháp ứng dụng CNTT, chuyển đổi số, hướng tới sự hiện đại, chuyên nghiệp, đáp ứng sự hài lòng của người dân, NLĐ.