Tạp chí Bảo Hiểm Xã Hội Nâng cao hiệu quả công tác truyền thông nhằm phát triển bền vững độ bao phủ BHXH, BHYT
ASXHPortalViewLongForm
Longform

Nâng cao hiệu quả công tác truyền thông nhằm phát triển bền vững độ bao phủ BHXH, BHYT

Shared facebook

* PV: Đích hướng tới trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành BHXH Việt Nam không chỉ là tăng độ bao phủ các chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, mà còn đảm bảo thực hiện chính sách an sinh xã hội này một cách toàn diện, bền vững hơn. Ông có thể cho biết, công tác tuyên truyền đóng vai trò như thế nào trong thực hiện mục tiêu chính trị này?

- Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh: Truyền thông triển khai hiệu quả sẽ góp phần quan trọng trong việc phát triển bền vững người tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Bởi thực hiện tuyên truyền tốt sẽ tạo dựng được niềm tin của nhân dân đối với chủ trương, chính sách BHXH, BHYT của Đảng, Nhà nước ta, nhờ đó người tham gia BHXH, BHYT được mở rộng và không ngừng tăng lên.

Trong thời gian qua, toàn ngành BHXH Việt Nam đã không ngừng đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp truyền thông chính sách, cùng sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các cấp chính quyền và cơ quan thông tấn, báo chí từ Trung ương đến địa phương. Các kênh truyền thông được thực hiện đa dạng, phong phú, linh hoạt và ngày càng phù hợp với từng nhóm đối tượng, từng vùng miền và đặc thù của từng địa phương. Truyền thông hiện đại, truyền thông qua mạng xã hội, truyền thông ứng dụng số ngày càng được ngành BHXH đẩy mạnh, hiệu quả lan tỏa cao...

Thống kê trong năm 2023 cho thấy, BHXH các tỉnh đã phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các cấp tổ chức khoảng 28.800 hội nghị, tư vấn, đối thoại, tọa đàm, tập huấn chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, với trên 1,58 triệu lượt người tham dự. Bên cạnh đó, duy trì và tăng cường mô hình truyền thông nhóm nhỏ với khoảng 139.000 cuộc cho khoảng 1,08 triệu lượt người; phối hợp với các cơ quan báo đài địa phương thực hiện đăng tải, phát sóng khoảng 17.000 tin, bài, phóng sự, chuyên trang, chuyên mục...; tăng cường truyền thông qua hệ thống loa truyền thanh cơ sở với trên 1,2 triệu lượt; In ấn, phát hành trên 8,9 triệu bản ấn phẩm truyền thông; khoảng 350 Hội nghị truyền thông trực tuyến (livestream, qua ứng dụng zoom...) được thực hiện trên mạng xã hội thu hút đông đảo sự quan tâm theo dõi của các tầng lớp Nhân dân. Ước tính, trên các phương tiện thông tin đại chúng năm 2023 có hơn 36.000 tin, bài, phóng sự… (bình quân gần 100 tin, bài/ngày) phản ánh chính sách BHXH, BH thất nghiệp, BHYT, các hoạt động của Ngành BHXH Việt Nam...

Độ lan tỏa thông tin mang lại những giá trị khó có thể đong đếm được. Cụ thể như một trong những vấn đề quan trọng năm 2023 là dự thảo Luật BHXH sửa đổi được Quốc hội đưa ra bàn thảo, đóng góp ý kiến và thu hút sự quan tâm của nhiều người dân. Thông qua công tác phối hợp với các bộ, ngành trong hoạt động trruyền thông, ngành BHXH Việt Nam cũng kịp thời chia sẻ thông tin về thực trạng thực hiện chính sách, những vấn đề được người dân, DN quan tâm. Từ đó tháo gỡ những khó khăn cho người dân, người lao động, đồng thời giúp họ hiểu hơn về hoạt động của ngành BHXH trong quá trình tổ chức thực hiện chính sách, giúp giải tỏa bức xúc trong xã hội; kịp thời nắm bắt được nhiều điểm bất hợp lý trong các văn bản pháp luật về BHXH, BHYT do người lao động, người dân phản ánh, giúp cho các cơ quan quản lý, cơ quan ban hành chính sách tìm ra những giải pháp hữu hiệu tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực thi chính sách.

Trong bối cảnh số người nhận BHXH một lần xu hướng tăng, nhằm đảm bảo quyền lợi lâu dài cho NLĐ, BHXH Việt Nam đã tập trung tuyên truyền, đối thoại với NLĐ giải thích chế độ chính sách và thực hiện nhiều giải pháp vận động, chia sẻ với NLĐ. Trong khoảng 4,9 triệu lượt người hưởng BHXH một lần giai đoạn 2016-2022 đã có khoảng 1,3 triệu người quay trở lại đóng BHXH, chiếm tỷ lệ gần 26,6% số người hưởng giai đoạn này.

* Công tác tuyên truyền có một khó khăn là dễ mang lại “sự nhàm chán” bởi đặc thù “nói đi nói lại” một vấn đề. Ông có thể chia sẻ bí quyết công tác tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp của ngành BHXH Việt Nam đạt được hiệu quả cao trong thời gian qua?

- Ngành BHXH Việt Nam được Chính phủ giao triển khai thực hiện chính sách BHXH, BHYT- hai chính sách nhân văn, ưu việt của Đảng và Nhà nước ta, giữ vai trò trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội quốc gia. Các chính sách này được thực hiện không vì lợi nhuận, nhằm ổn định lâu dài đời sống người dân, người lao động... Chỉ riêng ý nghĩa này, đã đủ “sức nặng” cho các thông điệp truyền thông. Tuy nhiên, cũng vì là những chính sách an sinh xã hội liên quan đến đời sống, quyền lợi trực tiếp của hầu hết người dân, nên công tác tuyên truyền chính sách cũng đòi hỏi cán bộ không chỉ nắm rõ chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, mà còn phải am hiểu cả lĩnh vực kinh tế- xã hội…

Để đạt hiệu quả cao nhất, yếu tố đầu tiên trong công tác truyền thông chính sách, pháp luật BHXH, BHYT là phải tạo được sự đồng thuận trong toàn xã hội. Trong năm 2023, công tác truyền thông đã được BHXH Việt Nam triển khai một cách đồng bộ, thống nhất và kịp thời từ Trung ương đến địa phương. BHXH Việt Nam đã phối hợp truyền thông với một số đơn vị bộ, ngành, tổ chức chính trị- xã hội (Trung tâm Thông tin công tác tuyên giáo - Ban Tuyên giáo Trung ương; Vụ BHXH, Vụ Pháp chế - Bộ LĐ-TB&XH; Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; Trung ương Đoàn; VCCI; Liên minh HTX Việt Nam…) triển khai đồng bộ, chặt chẽ, hiệu quả, sáng tạo nhiều hình thức truyền thông phù hợp, gắn với đặc thù từng địa phương, phát huy thế mạnh của từng đơn vị. Công tác phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí được tiến hành chủ động, chặt chẽ, hiệu quả với độ bao phủ rộng, tần suất tăng, hướng tới cơ sở và đến với mọi nhóm đối tượng...

Yếu tố thứ hai là tuyên truyền bám sát các hoạt động của Ngành, đảm bảo đúng định hướng, trọng tâm, trọng điểm và phù hợp với tình hình thực tế. Thời gian qua, toàn ngành BHXH Việt Nam đã từng bước đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp truyền thông; hướng đến nhóm chủ thể tiềm năng, trong đó chú trọng đối tượng lao động là nông dân, khu vực phi chính thức nhằm phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình như: hội viên, nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, chủ trang trại; xã viên Hợp tác xã trong tất cả các loại hình kinh kế và nhiều nhất là trong các làng nghề sản xuất và nuôi trồng; sinh viên cuối khóa…

Đặc biệt, sự linh hoạt, đa dạng trong các hình thức truyền thông là giải pháp quan trọng để đưa chính sách đến với từng người dân. Rất nhiều kênh truyền thông đa dạng, hiệu quả đã được thiết lập như: hội nghị truyền thông, tư vấn, đối thoại, tập huấn, hội thảo, hội thi, truyền thông nhóm nhỏ đến từng hộ gia đình, truyền thông trên mạng xã hội…

Năm 2023, các sản phẩm truyền thông chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp tiếp tục được BHXH Việt Nam thực hiện với sự đổi mới, đầu tư về nội dung và hình thức, phù hợp với từng nhóm người tham gia. Cổng TTĐT BHXH Việt Nam đã tổ chức sản xuất, biên tập, đăng tải hơn 2.000 tin, bài, văn bản, thu hút gần 30 triệu lượt truy cập- tăng gần gấp đôi lượt truy cập so năm 2022. Tạp chí BHXH đã xuất bản 113 kỳ Tạp chí bản in (12 kỳ BHXH, 100 kỳ An sinh XH, 1 kỳ An sinh số Xuân 2023), với tổng số lượng phát hành cả năm là trên 4,5 triệu tờ đăng tải trên 9.980 tin, bài, ảnh; và Tạp chí BHXH điện tử có nhiều đổi mới với phiên bản hiện đại... Fanpage BHXH Việt Nam, Zalo BHXH Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò là kênh truyền thông hiệu quả trên môi trường mạng xã hội, góp phần đa dạng các hình thức truyền thông về chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp đến với người dân, NLĐ và các tổ chức, DN...

Tại các địa phương, nhiều mô hình hay, giải pháp hiệu quả, sáng tạo đã được BHXH các tỉnh triển khai thực hiện. Cụ thể như xây dựng các mô hình truyền thông, phát triển người tham gia: “Mô hình Xã điểm về phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình” tại UBND 30 quận, huyện tại TP. Hà Nội; “Mô hình Đại biểu HĐND vận động Nhân dân tham gia BHYT, BHXH tự nguyện” tại tỉnh Hậu Giang; Tiết kiệm nuôi heo đất tham gia BHXH tự nguyện” tại tỉnh Bến Tre; “Nuôi heo đất tích lũy tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình” tại tỉnh Sóc Trăng;… Tổ chức các hội thi, sân khấu hóa sản phẩm truyền thông (Hội thi Truyền thông viên chính sách BHXH, BHYT với chủ đề “Nhận thức đúng, hiểu biết sâu, kỹ năng tốt, truyền thông giỏi về BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình"; cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu chính sách BHXH, BHYT” trên trang Myaloha.vn tại An Giang; Hội thi “Rung chuông vàng” tại Đà Nẵng; tuyên truyền BHXH tự nguyện thông qua nghệ thuật dân gian hô hát “Bài Chòi” tại Quảng Nam…). Tuyên truyền trực quan, lưu động, ra quân (dán áp-phích trên phương tiện vận tải công cộng tại Quảng Nam; mô hình xe ô tô chuyên dùng phục vụ công tác tuyên truyền phát thanh lưu động tại Quảng Nam, Bình Thuận…).

Một trong những hoạt động truyền thông sáng tạo và bám sát với thực tiễn là BHXH nhiều địa phương đã biên tập, sản xuất các sản phẩm truyền thông phù hợp với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Riêng BHXH 10 tỉnh (Yên Bái, Gia Lai, Đăk Lak, Sóc Trăng…) đã biên tập, sản xuất khoảng 55 sản phẩm truyền thông, dịch ra 10 thứ tiếng (Ê đê, Mông, Thái, Dao, Bah Nar, Tày, Khmer, Dẻ Triêng, J’rai, Mnông) để tuyên truyền tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, trên toàn quốc đã có BHXH 24 tỉnh phát huy vai trò của hơn 12.100 già làng, trưởng bản, người có uy tín trong việc truyền thông, vận động đồng bào tham gia BHXH; mời người biết tiếng dân tộc phiên dịch tại các hội nghị cho đồng bào với gần 4.700 người; đồng thời có khoảng 650 cán bộ BHXH biết tiếng dân tộc, tham gia tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT...

* Một trong những thành công của công tác tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT là tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, từ đó thu hút sự vào cuộc tích cực của hệ thống chính trị. Ông có thể chia sẻ rõ hơn ý nghĩa của hoạt động này?

- Trong thời gian qua, hầu hết cấp ủy đảng, chính quyền các cấp từ Trung ương đến địa phương đã vào cuộc chỉ đạo công tác truyền thông chính sách BHXH, BHYT; ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật BHXH, BHYT của các DN đã được nâng cao; người dân, NLĐ ngày càng hiểu đầy đủ về vai trò, ý nghĩa, lợi ích của chính sách BHXH, BHYT. Đây chính là một thành tựu rất đáng ghi nhận trong công tác tuyên truyền chính sách nói riêng, việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành BHX nói chung.

Đến nay, đã có 63/63 tỉnh, thành phố với 100% các xã (10.595 xã) thành lập Ban chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT; 46/63 tỉnh đưa chỉ tiêu về tỷ lệ bao phủ BHXH, 60/63 tỉnh đưa chỉ tiêu bao phủ BHYT vào chỉ tiêu phát triển KTXH ở địa phương. Bên cạnh đó, còn có 22/63 tỉnh trích ngân sách hỗ trợ thêm cho người tham gia BHXH tự nguyện, 62/63 tỉnh trích ngân sách hỗ trợ thêm cho người tham gia BHYT, và rất nhiều tỉnh, thành có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các nhóm đặc thù như: học sinh, sinh viên; hộ nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình, người dân tộc thiểu số… tham gia BHYT.

Ngay trong các hoạt động truyền thông, nhiều tỉnh đã huy động sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền cơ sở, sự tham gia của đội ngũ Bí thư, Chủ tịch UBND xã; Trưởng thôn, bản, tổ dân phố trong công tác truyền thông, vận động người tham gia BHXH, BHYT như: Đồng Tháp, Bắc Kạn, Đắk Nông, TP.Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Hậu Giang, Hưng Yên, Kiên Giang, Long An, Vĩnh Phúc, Bà Rịa- Vũng Tàu, Yên Bái, Quảng Ninh, Tiền Giang, Hải Dương…

Diện bao phủ BHXH, BHYT ngày càng được mở rộng kể cả trong giai đoạn khó khăn nhất từ thời điểm phát sinh dịch COVID-19 đến nay xuất phát từ một trong điểm thuận lợi là sự tích cực và chủ động của các cấp ủy, chính quyền các địa phương. Thực tế đã cho thấy, sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp là một trong những yếu tố then chốt, quyết định đến hiệu quả tổ chức, thực hiện chính sách BHXH, BHYT cho người lao động và Nhân dân. Nơi nào hệ thống chính trị vào cuộc quyết liệt, nơi đó sẽ thực hiện tốt các chính sách BHXH, BHYT...

* Ông có thể cho biết, BHXH Việt Nam sẽ có định hướng như thế nào để công tác truyền thông tiếp tục góp phần thực hiện các chính sách an sinh xã hội hiệu quả trong thời gian tới?

- Có thể nói, công tác truyền thông chính sách, pháp luật BHXH, BHYT năm 2023 đã được triển khai một cách đồng bộ, thống nhất và kịp thời từ Trung ương đến địa phương, bám sát các hoạt động của Ngành, đảm bảo đúng định hướng, trọng tâm, trọng điểm và phù hợp với tình hình thực tế. Tuy nhiên, không ít rào cản trong công tác truyền thông, vận động chính sách cũng đang bộc lộ. Tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn nên còn nhiều người dân chưa mặn mà với chính sách BHXH tự nguyện. Trong giai đoạn sửa đổi Luật BHXH, hiện có một số nội dung về chính sách BHXH được dự thảo sửa đổi (chế độ BHXH 1 lần, giảm tuổi nhận trợ cấp hưu trí xã hội hàng tháng từ 80 tuổi xuống 75 tuổi...) bên cạnh lợi ích mang lại, cũng có tác động đến tâm lý của người lao độngxu hướng nhận BHXH một lần gia tăng. Bên cạnh đó còn xuất hiện các chiêu trò lừa đảo người tham gia BHXH trên mạng xã hội, gây hoang mang ở người tham gia...

Để chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp mở rộng độ bao phủ và bền vững hơn nữa, bảo vệ tốt nhất cuộc sống người dân, công tác truyền thông sẽ tiếp tục là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành BHXH Việt Nam trong năm 2024 và thời gian tới. Tiếp tục phát huy các phương thức truyền thông hiệu quả trong thời gian qua, và một trong những trọng tâm của công tác tuyên truyền là phát huy các phương thức truyền thông hiện đại, ứng dụng công nghệ số... BHXH Việt Nam cũng đã chỉ đạo Trung tâm Truyền thông hướng dẫn BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Công an nhân dân xây dựng và triển khai Kế hoạch công tác thông tin, truyền thông năm 2024, tổ chức các hoạt động truyền thông nhân các ngày lễ lớn trong năm, đặc biệt các hoạt động kỷ niệm 30 năm ngày thành lập BHXH Việt Nam. Bên cạnh đó, xây dựng kế hoạch và tổ chức kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ công tác thông tin, truyền thông đối với BHXH các tỉnh, thành phố. Thời gian tới, BHXH Việt Nam cũng phối hợp thông tin, truyền thông năm 2024 với các Bộ, ban, ngành, tổ chức chính trị- xã hội, tổ chức các hội nghị, hội thảo truyền thông chính sách BHXH, BHYT...

* Trân trọng cảm ơn Phó Tổng Giám đốc!

Thực hiện: Ngọc Thảo

Đồ hoạ: Thanh An


Viết bình luận
Mang tới những niềm vui

Mang tới những niềm vui

Trong ánh mắt ngời niềm vui của những người được trao tặng tấm thẻ BHYT, họ bất ngờ nhận ra rằng, món quà của mình giá trị biết bao, bởi nó “khiến người khác vui thì bản thân mình cũng ngập tràn hạnh phúc”.

Người “lăn xả” lo an sinh

Người “lăn xả” lo an sinh

Dù ở vùng đất Tây Nguyên xa xôi nắng gió hay miền Tây nước lũ, những năm qua, nhiều người dân, phụ huynh và HS có hoàn cảnh khó khăn đều nhớ và bày tỏ lòng biết ơn đến Quỹ Tâm Nguyện Việt, đặc biệt là cá nhân bà Hồ Thị Mộng Thu- Phó Giám đốc Thường trực Quỹ.

Chuyển đổi số để nâng tầm phục vụ

Chuyển đổi số để nâng tầm phục vụ

Nắm bắt xu thế chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu cũng như trong nước, ngành BHXH Việt Nam đã và đang tập trung mọi nguồn lực, quyết liệt triển khai nhiều giải pháp ứng dụng CNTT, chuyển đổi số, hướng tới sự hiện đại, chuyên nghiệp, đáp ứng sự hài lòng của người dân, NLĐ.

Đảm bảo an sinh xã hội, xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân

Đảm bảo an sinh xã hội, xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng, trong năm 2023, dù gặp nhiều khó khăn nhưng toàn ngành BHXH Việt Nam đã có nhiều nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu được chính phủ giao, đóng góp quan trọng vào việc đảm bảo an sinh xã hội.