Tạp chí Bảo Hiểm Xã Hội Đồng lòng kiến tạo an sinh
ASXHPortalViewLongForm
Longform

Đồng lòng kiến tạo an sinh

Shared facebook

* PV: Năm 2023, ngành BHXH Việt Nam đã và đang tiếp tục phát huy hiệu quả vai trò là cơ quan tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT- trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội quốc gia. Tổng Giám đốc có thể chia sẻ về tình hình thực hiện nhiệm vụ này?

- Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh: Như chúng ta đã biết, năm 2023, tình hình kinh tế-xã hội có những khởi sắc đáng kể so với năm trước đó. Tuy nhiên, các diễn biến bất ngờ, khó lường từ tình hình quốc tế cũng đã và đang tác động mạnh đến nền kinh tế nước ta. Điều này thể hiện rõ qua việc các đơn vị SDLĐ, nhất là nhiều DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) bị thiếu đơn hàng ở những thời điểm nhất định, dẫn đến phải cắt giảm sản xuất, thu hẹp nhân công; việc làm, thu nhập của NLĐ bị ảnh hưởng theo. Cũng tương tự như trong bối cảnh dịch COVID-19 những năm trước, càng trong khó khăn, các chế độ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp càng phát huy giá trị thiết thực với NLĐ. Thực tế là, trong năm 2023, toàn ngành BHXH Việt Nam tiếp tục bảo đảm rất tốt các quyền lợi BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho NLĐ.

Cụ thể, đã giải quyết cho khoảng 95.670 người hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hằng tháng; hơn 1,3 triệu người hưởng các chế độ BHXH một lần; trên 8,8 triệu lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, DS-PHSK. Có khoảng 174,8 triệu lượt bệnh nhân được quỹ BHYT thanh toán chi phí KCB với chi phí ước khoảng 124.300 tỷ đồng… Tính đến hết năm 2023, cả nước có gần 18,26 triệu người tham gia BHXH, chiếm 39,25% lực lượng lao động trong độ tuổi (đạt mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP), trong đó có gần 1,83 triệu người tham gia BHXH tự nguyện (vượt 1,42% so với mục tiêu giai đoạn đến năm 2025 tại Nghị quyết số 28-NQ/TW).

Đặc biệt, cả nước có trên 93,3 triệu người tham gia BHYT (vượt 0,15% so với mục tiêu tại Nghị quyết số 01/NQ-CP). Tổng số thu BHXH, BHYT tăng 8,55% so với năm 2022 và đạt 101,41% dự toán Thủ tướng Chính phủ giao. Số tiền chậm đóng ghi nhận ở mức thấp nhất từ năm 2016 trở lại đây, giảm từ 6% (năm 2016) xuống còn 2,69% so với số phải thu.

Có thể khẳng định, các chế độ BHXH, BHYT đã và đang được Ngành đảm bảo thực hiện tốt, tạo nền tảng an sinh vững chắc, thực sự là “điểm tựa” giúp bù đắp thu nhập cho người dân, NLĐ trong những hoàn cảnh khó khăn do ốm đau, bệnh tật, thất nghiệp hay tuổi già sức yếu.

* Ngoài thực hiện tốt các chế độ mang tính thường kỳ, năm qua, ngành BHXH Việt Nam đã có những giải pháp gì để quyền lợi BHXH, BHYT của người dân, NLĐ ngày càng được đảm bảo tốt hơn?

- Nhìn chung, tinh thần, thái độ phục vụ của CCVC, NLĐ ngành BHXH Việt Nam luôn được chú trọng nâng cao. Điều này thể hiện rõ qua tinh thần phục vụ thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân, NLĐ và đơn vị SDLĐ gặp khó khăn do COVID-19 được triển khai trong các năm 2021-2022. Theo đó, trong khoảng thời gian ngắn nhất, toàn Ngành đã thực hiện giảm mức đóng cho hàng trăm nghìn đơn vị SDLĐ, đặc biệt là đã chi hỗ trợ từ quỹ BH thất nghiệp cho hơn 13,3 triệu NLĐ với số tiền trên 31.800 tỷ đồng.

Tinh thần phục vụ tiếp tục được toàn Ngành thể hiện trong năm 2023, minh chứng rõ nhất là từ công tác chuẩn bị chi trả lương hưu cho người dân theo mức hưởng mới. Với kế hoạch được chuẩn bị rất khẩn trương, hơn 3,3 triệu người hưởng đã được nhận đầy đủ, kịp thời lương hưu theo quy định mới với tổng số tiền khoảng 20.833 tỷ đồng, trong đó có khoảng 1,24 triệu người được nhận tiền ngay qua tài khoản ATM với số tiền trên 8.801 tỷ đồng.

Hay như trong quá trình triển khai Nghị định số 75/2023/NĐ-CP, BHXH Việt Nam đã khẩn trương vào cuộc đảm bảo quyền lợi cho người dân, nhất là với các nhóm được bổ sung, nâng mức hưởng KCB BHYT như: Người tham gia kháng chiến và bảo vệ Tổ quốc (nâng mức hưởng từ 80% lên 100%); người phục vụ người có công với cách mạng sống ở gia đình (nâng mức hưởng từ 80% lên 95%); vợ hoặc chồng liệt sĩ tái giá nhưng đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo quy định của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (có mức hưởng 95%).

BHXH Việt Nam cũng tổ chức nhiều cuộc họp bàn giải pháp và đôn đốc chỉ đạo thực hiện trong toàn hệ thống. Bên cạnh đó, BHXH các tỉnh cũng rất trách nhiệm trong việc rà soát, lập danh sách bổ sung các nhóm thuộc diện được NSNN đóng, hỗ trợ đóng để kịp thời cấp, đổi thẻ BHYT và bảo đảm quyền lợi KCB BHYT cho người dân.

* Có thể nói, công tác tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT đã được triển khai đạt hiệu quả. Theo Tổng Giám đốc, đâu là điểm chung từ các quá trình này?

- Điểm chung có thể thấy rõ, đó là BHXH Việt Nam đã và đang phối hợp chặt chẽ, gắn kết cùng các bộ, ngành liên quan chủ động tham mưu xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với yêu cầu thực tiễn, bảo đảm tốt nhất quyền lợi cho người dân. Từ góc độ tổ chức thực hiện, có thể thấy, trong nhiều trường hợp, các văn bản, quy định được xây dựng sẽ dẫn đến phát sinh nhiều công việc cho cơ quan BHXH. Dù vậy, toàn Ngành vẫn luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, sẵn sàng nhận phần khó về mình, mục tiêu cuối cùng là bảo đảm tốt nhất quyền lợi BHXH, BHYT cho người dân.

Đơn cử như trong việc thực hiện Nghị định số 75/2023/NĐ-CP, BHXH Việt Nam đã chủ động đề xuất mở rộng quyền lợi hưởng cho một số nhóm đối tượng, điều chỉnh mức hưởng của thanh niên xung phong; bổ sung đối tượng tham gia BHYT được NSNN đóng theo quy định của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, chính sách hỗ trợ cho người DTTS đang sinh sống tại địa bàn các xã mới thoát khỏi vùng khó khăn, ĐBKK thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Hay như tới đây sẽ chuẩn bị các điều kiện để thực hiện mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc theo quy định…

* Không chỉ riêng năm 2023, nhìn lại công tác tổ chức thực hiện, nhất là đảm bảo quyền lợi BHXH, BHYT cho người dân trong những năm gần đây, đâu là bài học kinh nghiệm mà ngành BHXH Việt Nam có được, thưa Tổng Giám đốc?

- Để chủ động phối hợp cùng các bộ, ngành liên quan xây dựng và triển khai chính sách BHXH, BHYT, Ngành phải luôn theo sát thực tiễn, nhìn nhận và đánh giá chính xác các nhu cầu, yêu cầu đang đặt ra từ thực tiễn. Đặc biệt, phải luôn đảm bảo quản lý tốt quỹ BHXH, quỹ BHYT để đáp ứng yêu cầu chi trả các chế độ cho người dân, NLĐ. Chẳng hạn như với chính sách hỗ trợ chủ SDLĐ, NLĐ gặp khó khăn do COVID-19 hay với các nhóm được nâng mức hưởng KCB BHYT, nguồn lực từ quỹ BH thất nghiệp hay quỹ BHYT phải được đảm bảo chắc chắn, là điều kiện tiên quyết để triển khai thực hiện chính sách và nâng cao quyền lợi cho người dân.

Bên cạnh đó, còn là sự sẵn sàng từ hệ thống BHXH Việt Nam. Chẳng hạn, BHXH Việt Nam phải từng bước kiên trì tuyên truyền, vận động người hưởng các chế độ nhận tiền qua phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, nên đến nay tỷ lệ người hưởng ở khu vực đô thị nhận chế độ qua thẻ ATM đã đạt khoảng 64%- vượt chỉ tiêu Chính phủ giao. Tương tự, để thực hiện giảm đóng, hỗ trợ các đơn vị SDLĐ gặp khó khăn do COVID-19 được kịp thời, từ các năm trước, BHXH Việt Nam đã chú trọng đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong giao dịch điện tử và chuẩn hóa dữ liệu BHXH, BHYT, nên đã nhanh chóng phê duyệt danh sách và chi hỗ trợ cho 13,3 triệu NLĐ.

Ngoài ra, BHXH Việt Nam cũng luôn xác định công tác cải cách TTHC, chuyển đổi số là yêu cầu tất yếu giúp đổi mới phương thức hoạt động của Ngành, góp phần xây dựng thành công Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số; phục vụ tốt nhất quyền lợi của DN, người dân và các chủ thể tham gia BHXH, BHYT. Đến nay, Ngành bảo đảm duy trì đa dạng, linh hoạt các phương thức tiếp nhận, trả kết quả TTHC, nhất là đẩy mạnh giao dịch điện tử, thực hiện DVC trực tuyến với 100% DVC của Ngành được thực hiện ở mức độ 4, có thể tương tác, giao dịch với cơ quan BHXH 24/7.

Với việc xây dựng, hoàn thiện kho CSDL của hơn 98 triệu người dân, BHXH Việt Nam đã kết nối thành công với CSDL quốc gia về Dân cư ngay từ khi CSDL này được đưa vào vận hành chính thức. Tính đến nay, Hệ thống của BHXH Việt Nam đã xác thực trên 95 triệu thông tin nhân khẩu có trong CSDL quốc gia về Bảo hiểm với CSDL quốc gia về Dân cư, trong đó có khoảng 86,6 triệu người đang tham gia, hưởng chính sách BHXH, BHYT, chiếm 97% tổng số người tham gia (chưa bao gồm lực lượng vũ trang, thân nhân quân đội). Dự kiến, từ đầu năm 2024, có thể chuyển sang sử dụng số Định danh cá nhân để thay thế mã số BHXH. Cả nước cũng đã có 12.851 cơ sở KCB triển khai làm thủ tục KCB BHYT bằng CCCD gắn chip (đạt 100%), với trên 55 triệu lượt tra cứu thông tin thành công.

BHXH Việt Nam cũng chủ động, tích cực phối hợp với Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ TT-TT và các bộ, ngành, địa phương liên quan hoàn thành triển khai tích hợp, cung cấp DVC trực tuyến trên Cổng DVC quốc gia theo yêu cầu tại Đề án 06, bao gồm: DVC tích hợp tính giảm trừ mức đóng trong gia hạn thẻ BHYT theo hộ gia đình; DVC liên thông “Đăng ký khai sinh- đăng ký thường trú- cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi” và “Đăng ký khai tử- xóa đăng ký thường trú- hỗ trợ chi phí mai táng, trợ cấp mai táng”; DVC giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp, đăng ký tham gia BHXH tự nguyện, đăng ký đóng và cấp thẻ BHYT đối với người chỉ tham gia BHYT.

Về triển khai ứng dụng công nghệ xác thực sinh trắc, BHXH Việt Nam đã phối hợp, hỗ trợ Bộ Y tế liên thông dữ liệu khám sức khỏe lái xe, giấy chứng sinh, giấy báo tử từ các cơ sở KCB; qua đó xây dựng CSDL điện tử các loại giấy tờ này để phục vụ triển khai các DVC toàn trình cho Bộ GTVT, Bộ Tư pháp, Bộ Công an… Tính đến nay, toàn quốc có 1.273 cơ sở KCB được phê duyệt gửi dữ liệu khám sức khỏe lái xe, trong đó 972 cơ sở đã gửi 294.438 dữ liệu; 851 cơ sở KCB gửi 60.953 dữ liệu giấy chứng sinh; 250 cơ sở KCB gửi 916 dữ liệu giấy báo tử.

Đáng chú ý, VssID-BHXH số (ứng dụng do BHXH Việt Nam phát triển) là một trong 3 ứng dụng của cơ quan nhà nước thu hút được số lượng người dùng lớn nhất ở Việt Nam. Theo thống kê, đến nay, toàn quốc có hơn 35 triệu tài khoản giao dịch điện tử cá nhân (dùng để đăng nhập, sử dụng ứng dụng VssID) được phê duyệt; hơn 4 triệu lượt sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID để KCB BHYT. Theo Bảng xếp hạng về “Ứng dụng được tải nhiều nhất tại Việt Nam” trên App Store, ứng dụng VssID của BHXH Việt Nam đứng thứ nhất trong nhóm ứng dụng về kinh doanh.

Có thể khẳng định, BHXH Việt Nam đang cố gắng hiện đại hóa quy trình nghiệp vụ và CCHC bằng việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT, chuyển đổi số; đồng thời không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ, tăng sự hài lòng của người dân, NLĐ và DN.

*  Trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ trên, BHXH Việt Nam đã gặp những thuận lợi và khó khăn gì, thưa Tổng Giám đốc?

- Cần phải nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước ngày càng quan tâm định hướng chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT. Điều này được thể hiện rõ qua Nghị quyết số 28-NQ/TW của BCH Trung ương khóa XII về cải cách chính sách BHXH và mới đây là Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24/11/2023 của BCH Trung ương khóa XIII về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.

Trong thực tiễn, chính sách BHXH, BHYT ngày càng khẳng định vai trò thiết thực với người dân, nên ngày càng nhận được sự quan tâm, phối hợp chỉ đạo thực hiện từ các bộ, ngành và cấp ủy, chính quyền các địa phương. Bên cạnh đó, nhận thức của người dân, NLĐ về chính sách BHXH, BHYT cũng ngày càng được nâng cao. Đây là những yếu tố thuận lợi để quá trình xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách ngày càng đồng bộ, hiệu quả.

Tuy nhiên, cũng có rất nhiều khó khăn đặt ra như: Số lượt KCB BHYT liên tục gia tăng trong các năm gần đây, tạo nhiều áp lực cho cơ quan BHXH trong công tác tổ chức thực hiện, nhất là về quản lý quỹ KCB BHYT ở các địa phương. Tình trạng việc làm, thu nhập của người dân, NLĐ còn thấp và bấp bênh, dẫn đến hạn chế mở rộng diện bao phủ tham gia BHXH, BHYT. Tình trạng gia tăng số người nhận BHXH một lần chưa được khắc phục. Chưa có cơ chế ngăn ngừa hiệu quả tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH, BHYT… Các yếu tố này đã và đang ảnh hưởng đến bài toán cân đối quỹ BHXH, quỹ BHYT, tác động đến nguồn lực bảo đảm an sinh xã hội nói chung và quyền lợi BHXH, BHYT của người dân trong dài hạn.

* Để tháo gỡ những khó khăn trên, Tổng Giám đốc có thể cho biết, BHXH Việt Nam sẽ có định hướng như thế nào trong thời gian tới, nhất là về việc nâng cao chất lượng phục vụ người dân, NLĐ?

- Trong thời gian tới, toàn ngành BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực phát huy bài học kinh nghiệm để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao. Cụ thể, tập trung vào công tác thu, phát triển người tham gia BHXH, BHYT; tiếp tục hiện đại hóa hệ thống quy trình nghiệp vụ để nâng cao chất lượng thực hiện chính sách, chế độ BHXH, BHYT. Đặc biệt, tiếp tục nêu cao tinh thần chủ động, trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ, nâng cao tinh thần thái độ phục vụ, tính chuyên nghiệp của toàn thể CCVC trong Ngành.

BHXH Việt Nam cũng chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành tham mưu Chính phủ, Quốc hội xây dựng, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách BHXH, BHYT theo hướng đồng bộ, toàn diện hơn; chú trọng nâng cao quyền lợi của người dân theo nguyên tắc đóng-hưởng; phát huy tính chia sẻ nhân văn của chính sách BHXH, BHYT. Chú trọng thực hiện hiệu quả các giải pháp để tiếp tục bảo toàn, cân đối và tăng trưởng quỹ BHXH, BHYT, tạo nguồn lực bảo đảm an sinh xã hội bền vững.

Vì mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội, vì sự bền vững của chính sách BHXH, BHYT, BHXH Việt Nam cũng đề nghị và mong muốn Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan tích cực nghiên cứu sửa đổi, hoàn thiện Luật BHXH, Luật BHYT. Trong đó, chú trọng giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT, tạo hành lang pháp lý để công tác phát triển, mở rộng diện bao phủ BHXH, BHYT được thuận lợi, đạt các mục tiêu đã được Đảng, Nhà nước đề ra.

Vai trò của cấp ủy, chính quyền địa phương cũng rất quan trọng. Chính vì vậy, BHXH Việt Nam mong cấp ủy, chính quyền các địa phương tiếp tục quan tâm phối hợp, chỉ đạo hiệu quả công tác tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT; chú trọng phát huy hiệu quả hoạt động của BCĐ thực hiện chính sách BHXH, BHYT các cấp, nhất là BCĐ cấp xã. Đồng thời, quan tâm xây dựng cơ chế hỗ trợ người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình; chỉ đạo các sở, ngành phối hợp thực hiện các giải pháp ngăn ngừa tình trạng trốn đóng, chậm đóng BHXH, BHYT; tăng cường tuyên truyền chính sách gắn với hoạt động của các tổ chức, đoàn thể ở cơ sở, nhằm lan tỏa đến từng hộ gia đình, từng người dân…

Tôi cũng hy vọng rằng, trong năm mới 2024 Giáp Thìn, toàn ngành BHXH Việt Nam sẽ có nhiều đổi mới hơn nữa, nỗ lực và quyết tâm cao hơn nữa để nâng tầm phục vụ nhân dân, NLĐ, đơn vị, DN. Cũng nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo BHXH Việt Nam, tôi xin chúc toàn thể CCVC, NLĐ trong Ngành cùng gia đình đón Xuân mới trong niềm hân hoan, tràn đầy khí thế và nhiệt huyết với sự nghiệp an sinh xã hội của đất nước.

* Trân trọng cảm ơn Tổng Giám đốc!

Thực hiện: Minh Đức

Đồ hoạ: Thanh An


Viết bình luận
Chuyển đổi số để nâng tầm phục vụ

Chuyển đổi số để nâng tầm phục vụ

Nắm bắt xu thế chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu cũng như trong nước, ngành BHXH Việt Nam đã và đang tập trung mọi nguồn lực, quyết liệt triển khai nhiều giải pháp ứng dụng CNTT, chuyển đổi số, hướng tới sự hiện đại, chuyên nghiệp, đáp ứng sự hài lòng của người dân, NLĐ.

Đảm bảo an sinh xã hội, xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân

Đảm bảo an sinh xã hội, xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng, trong năm 2023, dù gặp nhiều khó khăn nhưng toàn ngành BHXH Việt Nam đã có nhiều nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu được chính phủ giao, đóng góp quan trọng vào việc đảm bảo an sinh xã hội.

Nêu cao trách nhiệm từ các cuộc giám sát

Nêu cao trách nhiệm từ các cuộc giám sát

Năm 2023, Hội đồng quản lý BHXH đã thực hiện giám sát tại nhiều địa phương trên toàn quốc. Đây là hoạt động được triển khai thường xuyên, nhằm nắm bắt tình hình tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT.

Chung tay chăm lo an sinh, để mọi người dân đều có Tết

Chung tay chăm lo an sinh, để mọi người dân đều có Tết

Mỗi dịp Tết đến Xuân về, các cấp, các ngành, đoàn thể,nhà hảo tâm lại thể hiện truyền thống đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “thương người như thể thương thân”, thành tâm dành những món quà Xuân để chia sẻ với cộng đồng.