Tạp chí Bảo Hiểm Xã Hội "Gieo mầm" an sinh
ASXHPortalViewLongForm
Longform

"Gieo mầm" an sinh

Shared facebook

Hố Quáng Phìn là xã đặc biệt khó khăn của huyện Đồng Văn (Hà Giang), với 100% dân số là đồng bào dân tộc Mông. Dù nhiều người được Nhà nước cấp thẻ BHYT miễn phí, nhưng trước đây hầu hết bà con vẫn còn khá mơ hồ về chính sách này, nhất là lại càng không biết đến hình thức BHXH tự nguyện. Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi khi các bài tuyên truyền về chính sách bằng tiếng Mông đến với bà con nơi đây, thông qua các bản tin phát trên loa truyền thanh thôn, bản vào các buổi sáng và chiều hằng ngày… Như lời ông Mua Nhìa Chứ- Trưởng thôn Tả Sán: “Người dân lúc lên nương hay đi làm rẫy về đều nghe được BHYT, BHXH bằng tiếng Mông, dễ nghe, dễ hiểu lắm…”.

Thực hiện chính sách tại địa phương có tới 88% dân số là đồng bào DTTS, BHXH tỉnh Hà Giang đã phối hợp với các đơn vị truyền thông thực hiện các chuyên mục phát trên Đài PTTH tỉnh về chính sách BHXH, BHYT bằng tiếng Tày, Mông, Dao. Bên cạnh đó, còn tổ chức tuyên truyền bằng tiếng dân tộc phát trên hệ thống loa truyền thanh cơ sở. BHXH các huyện cũng lựa chọn những cán bộ có khả năng truyền đạt bằng tiếng dân tộc, hiểu được phong tục tập quán của đồng bào để đến từng thôn bản, gia đình người dân tư vấn, vận động… Với những cách làm này, chính sách BHXH, BHYT đã dần thấm vào tâm thức của bà con.

Những câu chuyện vượt núi “gieo mầm an sinh” đến với người dân vùng cao không phải mới lạ, khi đây luôn là nhiệm vụ được cơ quan BHXH chú trọng trong những năm qua. Tuy nhiên, những tình cảm được mỗi cán bộ BHXH gói ghém trong những chuyến đi đầy gian nan này vẫn luôn khiến cả “người trong cuộc” dạt dào cảm xúc. Chia sẻ kỷ niệm về buổi tuyên truyền tại thôn Thung (xã Đồng Lương, huyện Lang Chánh, Thanh Hóa) hồi tháng 9/2022, chị Mai An- cán bộ BHXH huyện Lang Chánh bảo “thành công hơn cả mong đợi”.

Thôn Thung là một trong những thôn đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện vùng cao Lang Chánh, địa hình nhiều núi cao có độ dốc lớn, có những nơi “đi mãi mới có thể thành đường”. Trước đây, người trong thôn gần như sống biệt lập với thế giới xung quanh. Khó khăn cũng bởi thôn Thung là thôn bản duy nhất của huyện chưa có điện lưới quốc gia, sóng điện thoại rất yếu, nên việc tiếp cận thông tin của người dân nơi đây khá hạn chế. Thế nhưng, với quyết tâm mang chính sách về với bản làng, từ 6 giờ sáng, Ban Giám đốc BHXH huyện Lang Chánh đã cùng anh em trong cơ quan chở “đồ nghề” lên đường...

“Lần đầu tiên chúng tôi tuyên truyền trong trạng thái không đèn điện, không máy chiếu. Thế nên, buổi tuyên truyền giống như một cuộc trò chuyện gần gũi với bà con. Khi ngoài trời bắt đầu mưa to, bên trong phải sử dụng ánh sáng từ những chiếc điện thoại, nhưng vẫn chẳng ai nỡ rời đi...”- chị Mai An kể. Cảm động hơn nữa, khi đoàn chuẩn bị ra về, có 2 bác lớn tuổi níu tay bảo: “Cảm ơn các cháu đã đến đây! Lâu nay không có điện, không có tivi, chỉ thi thoảng nghe đài, nên không biết hết về chính sách BHXH tự nguyện”...

Ấn tượng đẹp nữa về chính sách BHXH là từ những lá “Thư ngỏ” của BHXH huyện Nam Đàn (Nghệ An) gửi người tham gia BHXH tự nguyện đầu năm 2022. Nội dung thư không chỉ chia sẻ những khó khăn với bà con, mà còn cung cấp thông tin về mức đóng, mức hỗ trợ khi tham gia BHXH tự nguyện theo quy định của Chính phủ, giúp bà con hiểu và hạn chế tình trạng dừng tham gia BHXH tự nguyện khi có điều chỉnh về chính sách...

Hay như các mô hình truyền thông trực tiếp (hội nghị tư vấn, đối thoại, truyền thông nhóm nhỏ, truyền thông tại hộ gia đình, ra quân tuyên truyền tại các điểm chợ, khu dân cư...) cũng được triển khai ở hầu khắp các địa bàn, dù rằng các tuyên truyền viên BHXH luôn phải sắp xếp thời gian vào buổi tối và ngày nghỉ cuối tuần để thu hút người tham dự... “Với hình thức tuyên truyền trực tiếp tại cơ sở, đối tượng tác động trực tiếp là nhóm người tiềm năng… Do đó, có thể biên soạn nội dung và lựa chọn hình thức phù hợp, trúng và đúng nên hiệu quả tuyên truyền cao”- ông Mạc Thanh Hải- Phó Giám đốc BHXH tỉnh Thái Bình chia sẻ về kinh nghiệm truyền thông ở địa phương mình...

Thực tế tại nhiều địa phương cho thấy, có những mô hình “vượt khó” đã được nhiều tổ chức, đơn vị sử dụng linh hoạt, nhằm đưa chính sách đến thật gần người dân. Như Hà Tĩnh đã ghi nhận thành công của mô hình “Nuôi lợn an sinh” của Hội LHPN tỉnh. Khi tham gia chương trình, mỗi hội viên được tặng một con “lợn đất” kèm tiền mặt (50.000 đến 100.000 đồng). Ngoài ra, Hội LHPN cũng tích cực nhân rộng các mô hình khác như: “Tiết kiệm an sinh- Tham gia BHXH tự nguyện- Cuộc sống an nhàn khi về già”; hay CLB “Vườn rau an sinh” tại xã Tượng Sơn (Thạch Hà, Hà Tĩnh) được khởi xướng từ năm 2020… Tương tự, mô hình “Tổ hợp tác an sinh” được Hội Nông dân phát động rộng rãi trong các tổ hợp tác...

Bên cạnh mô hình “Nuôi heo đất tham gia BHXH tự nguyện” đang được nhân rộng trên toàn quốc, Hội LHPN tỉnh Trà Vinh đã ghi nhận thêm thành công từ mô hình “Ngôi nhà tiết kiệm” do Hội LHPN huyện Càng Long triển khai. Các “Ngôi nhà tiết kiệm” vừa tạo cho người dân ý thức bảo vệ môi trường, vừa thể hiện nghĩa cử cao đẹp, tính nhân văn sâu sắc khi tiết kiệm được một khoản tiền mua BHXH, BHYT tặng cho người khó khăn, yếu thế...

Tại Nghệ An, từ năm 2016, các chương trình sẻ chia nhân ái thông qua cuốn sổ BHXH, thẻ BHYT đã trở thành hoạt động truyền thống hằng năm của cơ quan BHXH. Từ nguồn kinh phí do CCVC BHXH tỉnh Nghệ An đóng góp và  sự ủng hộ của các tổ chức, nhà hảo tâm, trong 5 năm (2016-2021), BHXH tỉnh Nghệ An đã trao tặng 3.711 thẻ BHYT và 172 sổ BHXH tự nguyện cho người dân có hoàn cảnh khó khăn. Năm 2022, BHXH tỉnh đã phối hợp với Ủy ban MTTQ các cấp kêu gọi các tổ chức, DN, nhà hảo tâm đồng hành cùng Chương trình “Tặng sổ BHXH, thẻ BHYT- Gieo nhân ái, lan tỏa yêu thương” với tổng số tiền huy động được trên 1,6 tỷ đồng...

Theo tổng kết của BHXH Việt Nam, ở đâu cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, thì việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT đạt được những kết quả tích cực. Với sự chủ động, tích cực của BHXH các địa phương trong công tác tham mưu, đến nay các Tỉnh ủy, HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trên cả nước đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo công tác tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT phù hợp với đặc điểm kinh tế-xã hội của từng địa phương. Nhiều tỉnh, thành đã trích ngân sách địa phương hỗ trợ thêm cho người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình ngoài mức quy định của Chính phủ.

Có thể thấy, sự đồng hành của cả hệ thống chính trị, các tổ chức, đoàn thể với cơ quan BHXH đã tăng thêm một tầng ý nghĩa cho các chính sách BHXH, BHYT về sự sẻ chia, trách nhiệm với cộng đồng...

Bài: Lương Minh

Đồ hoạ: Hiểu Thanh


Viết bình luận
Mua bán GCN nghỉ việc hưởng BHXH- Cần xử lý triệt để

Mua bán GCN nghỉ việc hưởng BHXH- Cần xử lý triệt để

Thời gian qua, tại một số địa phương, hành vi cấp khống Giấy chứng nhận (GCN) nghỉ việc hưởng BHXH đã được cơ quan Công an mở chuyên án điều tra. Thậm chí, có nơi, Tòa án đã đưa vụ việc ra xét xử và tuyên mức án nghiêm khắc.

Mua bán GCN nghỉ việc hưởng BHXH- Cần xử lý triệt để

Mua bán GCN nghỉ việc hưởng BHXH- Cần xử lý triệt để

Không chỉ trục lợi từ việc bán GCN nghỉ việc hưởng BHXH, một số PK và các đối tượng còn trục lợi bằng việc bán giấy khám sức khỏe, sổ BHXH; lập chứng từ, hồ sơ KCB BHYT khống để trục lợi quỹ BHYT. Đáng nói, có các đường dây bán giấy khống liên tỉnh, nên NLĐ từ địa phương này nhưng có GCN của PK từ địa phương khác.

Mua bán GCN nghỉ việc hưởng BHXH- Cần xử lý triệt để

Mua bán GCN nghỉ việc hưởng BHXH- Cần xử lý triệt để

Thời gian qua, tình trạng mua bán Giấy chứng nhận (GCN) nghỉ việc hưởng BHXH tại các địa phương khu vực Đông Nam Bộ (Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM…) hầu như ngang nhiên tồn tại, đặc biệt nở rộ từ thời điểm xảy ra dịch bệnh COVID-19 đến nay. Đã đến lúc gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh và mạnh tay xử lý dứt điểm tình trạng này.

Ngăn ngừa chậm đóng, trốn đóng BHXH, BHYT: Nhiều giải pháp hiệu quả

Ngăn ngừa chậm đóng, trốn đóng BHXH, BHYT: Nhiều giải pháp hiệu quả

Trong lĩnh vực thu BHXH, BHYT, tình trạng chậm đóng, trốn đóng chịu ảnh hưởng một phần khá lớn từ diễn biến tăng trưởng của nền kinh tế và “sức khỏe” của các DN ở từng thời điểm khác nhau.