Tạp chí Bảo Hiểm Xã Hội Khuyến nghị hoàn thiện chính sách BHXH tự nguyện
ASXHPortalViewLongForm
Longform

Khuyến nghị hoàn thiện chính sách BHXH tự nguyện

Shared facebook

Cùng với quá trình xây dựng Luật BHXH năm 2014, các quy định về BHXH tự nguyện cũng được sửa đổi theo hướng mở rộng đối tượng tham gia, gia tăng quyền lợi thụ hưởng của NLĐ và đặc biệt là triển khai thực hiện chính sách khuyến khích, hỗ trợ NLĐ tham gia BHXH tự nguyện.

Chính sách hỗ trợ tiền đóng BHXH cho người tham gia BHXH tự nguyện chính thức được triển khai thực hiện từ ngày 1/1/2018, theo quy định tại Nghị định số 134/2015/NĐ-CP ngày 29/12/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH tự nguyện, theo đó người tham gia BHXH tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng BHXH hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn. Cụ thể:

- Bằng 30% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo;

- Bằng 25% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ cận nghèo;

- Bằng 10% đối với các đối tượng khác.

Thời gian hỗ trợ tùy thuộc vào thời gian tham gia BHXH tự nguyện thực tế của người tham gia nhưng tối đa không quá 10 năm (120 tháng).

Từ năm 2018 trở đi, với việc bắt đầu triển khai chính sách hỗ trợ tiền đóng người tham gia BHXH tự nguyện và một số giải pháp quyết liệt khác trong việc phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, số người tham gia BHXH đã bắt đầu có sự gia tăng mạnh mẽ.

Tính đến hết tháng 12/2021, số người tham gia BHXH tự nguyện đạt gần 1,5 triệu người (trong đó: số người tham gia thuộc hộ nghèo là 34.513 người; số người tham gia thuộc hộ cận nghèo là 44.365 người; số người tham gia khác là hơn 1,3 triệu người), chiếm khoảng 3,3% lực lượng lao động trong độ tuổi, kinh phí hỗ trợ từ NSNN cho người tham gia BHXH tự nguyện là gần 600 tỷ đồng.

Như vậy, sau 4 năm từ khi thực hiện hỗ trợ tiền đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện, số người tham gia BHXH tự nguyện đã tăng lên hơn 4 lần và hoàn thành trước thời hạn mục tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện tại Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách BHXH (sau đây gọi là Nghị quyết số 28-NQ/TW). Đồng thời cũng đã đạt được mục tiêu khuyến khích một số nhóm đối tượng có thu nhập thấp tham gia vào chính sách BHXH tự nguyện (số người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo tham gia tính đền hết năm 2021 là khoảng gần 80.000 người). Việc thực hiện chính sách hỗ trợ người tham gia BHXH tự nguyện đã tạo ra những tiền đề ban đầu để các địa phương căn cứ theo khả năng của mình xây dựng thêm chính sách hỗ trợ cho người tham gia BHXH tại địa phương.

Tuy có vai trò quan trọng trong việc phát triển gia tăng số người tham gia, nhưng chính sách hỗ trợ người tham gia BHXH tự nguyện đã bộc lộ một số hạn chế. Đó là:

(i) Đối tượng hỗ trợ chưa được phân loại theo định hướng cải cách chính sách BHXH giai đoạn 2020-2030: nông dân, NLĐ thuộc khu vực phi chính thức, người có thu nhập thấp.

(ii) Theo đánh giá của một số cơ quan, tổ chức nghiên cứu thì mức hỗ trợ tiền đóng cho người tham gia BHXH hiện chưa phù hợp, còn thấp chưa tạo được sự hấp dẫn cho người tham gia.

(iii) Việc hỗ trợ tập trung vào hỗ trợ tiền đóng cho người tham gia BHXH, chưa phù hợp với nhu cầu của từng nhóm đối tượng khác nhau.

(iv) Tốc độ phát triển đối tượng tăng nhanh nhưng đồng nghĩa với việc tốc độ tăng, số tiền NSNN hỗ trợ cũng tăng nhanh theo từng năm. Mức tăng bình quân số tiền NSNN hỗ trợ cho người tham gia BHXH tự nguyện trong giai đoạn 2018-2021 là gần 95%/năm. Cùng với đó, từ ngày 1/1/2022  mức hỗ trợ tiền đóng BHXH tự nguyện cho người tham gia từ NSNN sẽ tăng lên 114% so với mức hỗ trợ giai đoạn 2018- 2021. Tác động kép này sẽ càng làm cho số tiền NSNN hỗ trợ cho người tham gia BHXH tự nguyện hằng năm tăng nhanh hơn. Trong khi đó, thời gian hỗ trợ hiện nay khá dài (tối đa lên đến 10 năm). Điều này sẽ tạo áp lực không nhỏ cho NSNN trong bối cảnh NSNN còn hạn hẹp.

(v) Hình thức hỗ trợ từ NSNN còn hạn chế, hiện chỉ 1 hình thức là hỗ trợ bằng việc giảm trừ trực tiếp vào số tiền phải đóng của người tham gia. Do vậy, người tham gia không cảm nhận được hay thấy ngay được lợi ích của chính sách hỗ trợ tiền đóng BHXH tự nguyện từ NSNN.

(vi) Chính sách hỗ trợ NSNN cho người tham gia BHXH tự nguyện hiện nay còn thực hiện riêng lẻ chưa có sự gắn kết với các chính sách hỗ trợ khác từ NSNN. Việc hỗ trợ đối với nhóm người tham gia khác còn mang tính “cào bằng” (hơn 80% kinh phí hỗ trợ là của người tham gia khác không thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo) tạo rào cản cho việc phát triển đối tượng tham gia đối với những người có thu nhập thấp, do nguồn lực hỗ trợ chưa tập trung vào nhóm đối tượng thực sự cần sự hỗ trợ từ NSNN (những người có thu nhập thấp).

Nghị quyết số 28-NQ/TW đã chỉ ra việc cần thiết phải có sự hỗ trợ phù hợp từ NSNN cho nông dân, người nghèo, người có thu nhập thấp, lao động khu vực phi chính thức để mở rộng diện bao phủ BHXH. Xuất phát từ bối cảnh kinh tế- xã hội, quan điểm, định hướng của Đảng và Nhà nước và nhu cầu thực tiễn của người tham gia BHXH tự nguyện, nhóm nghiên cứu đề xuất một số khuyến nghị được đưa ra trong việc sửa đổi, bổ sung chính sách hỗ trợ người tham gia BHXH tự nguyện trong giai đoạn 2022-2030, như sau:

- Về sửa đổi chính sách BHXH tự nguyện: (i) Cần sửa đổi quy định về mức thu nhập tháng lựa chọn làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn sang một mức chuẩn khác phù hợp hơn với những người thuộc diện tham gia BHXH tự nguyện nhưng có mức thu nhập còn khiêm tốn; (ii) Nghiên cứu, bổ sung các chế độ BHXH ngắn hạn như: ốm đau, thai sản trong BHXH tự nguyện nhưng có sự hỗ trợ từ NSNN để NLĐ có thêm nhiều sự lựa chọn chính sách hỗ trợ phù hợp thay vì việc duy nhất một hình thức hỗ trợ tiền đóng BHXH đối với người tham gia BHXH tự nguyện như hiện nay.

- Về sửa đổi chính sách hỗ trợ tiền đóng BHXH tự nguyện cho người tham gia từ NSNN: Cần phải phân nhóm đối tượng cần được hỗ trợ, hướng đến nhóm đối tượng có thu nhập thấp, ít có khả năng tham gia BHXH tự nguyện nếu không có hỗ trợ của NSNN. Việc hỗ trợ mang tính chất “cào bằng” đối với nhóm người tham gia khác, đã tạo áp lực cho NSNN khi mà số kinh phí hỗ trợ hằng năm đang tăng với tốc độ “rất nhanh” như hiện nay. Do vậy, khuyến nghị cần phân nhóm đối tượng được hỗ trợ và tập trung hỗ trợ theo các nhóm đối tượng sau: Người thuộc hộ nghèo; Người thuộc hộ cận nghèo; Người có thu nhập thấp; Nông dân.

- Về tổ chức thực hiện chính sách BHXH tự nguyện: (i) Cần tăng cường công tác thông tin, truyền thông về chính sách BHXH tự nguyện; công tác thông tin, truyền thông phải làm cho đối tượng được thông tin hiểu rõ quyền, lợi ích của việc tham gia BHXH tự nguyện trên cơ sở nhận thức đúng, đầy đủ và sâu sắc chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về BHXH tự nguyện từ đó tạo sự đồng thuận, thay đổi hành vi, tự giác và tích cực tham gia. (ii) Đổi mới phương thức đăng ký, nộp tiền đóng BHXH tự nguyện, trong thời gian tới, cơ quan BHXH nên phát triển hệ thống đăng ký tham gia và nộp tiền đóng BHXH tự nguyện qua các kênh thanh toán trung gian khác như ngân hàng, ví điện tử… Tất cả những hoạt động này đều giúp người dân đăng ký và nộp tiền đóng BHXH tự nguyện một cách nhanh chóng, thuận tiện.

(1) Theo Nghị định số 07/20021/NĐ-CP ngày 27 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ quy định chuẩn nghèo giai đoạn 2021-2025.

(2) Theo thông tin của BHXH Việt Nam, hiện có 13/63 tỉnh, thành phố hỗ trợ thêm mức đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện.

(3) Theo quy định tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 thì mức chuẩn nghèo ở khu vực nông thôn cho giai đoạn 2022-2025 là 1.500.000 đồng/tháng

Bài: TS. Phạm Trường Giang-  ThS. Trần Thanh Nam- ThS. Nguyễn Huy Tùng

Đồ họa: Hiểu Thanh


Viết bình luận
Kinh nghiệm quốc tế về xây dựng Danh mục thuốc

Kinh nghiệm quốc tế về xây dựng Danh mục thuốc

Các kinh nghiệm quốc tế về xây dựng danh mục thuốc BHYT, đấu thầu, đàm phán giá và quản lý giá thuốc, thanh toán BHYT... là những gợi ý để Việt Nam tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật triển khai chính sách BHYT.

Kinh nghiệm phát triển BHYT toàn dân bền vững ở một số quốc gia

Kinh nghiệm phát triển BHYT toàn dân bền vững ở một số quốc gia

Để phát triển BHYT toàn dân bền vững, nhiều nước đã phải trải qua nhiều giai đoạn cải cách, đổi mới cả về hệ thống BHYT và hệ thống cung ứng dịch vụ y tế. Bài viết chia sẻ kinh nghiệm phát triển BHYT bền vững ở một số quốc gia và đề xuất cho Việt Nam.

Mua bán GCN nghỉ việc hưởng BHXH- Cần xử lý triệt để

Mua bán GCN nghỉ việc hưởng BHXH- Cần xử lý triệt để

Thời gian qua, tại một số địa phương, hành vi cấp khống Giấy chứng nhận (GCN) nghỉ việc hưởng BHXH đã được cơ quan Công an mở chuyên án điều tra. Thậm chí, có nơi, Tòa án đã đưa vụ việc ra xét xử và tuyên mức án nghiêm khắc.

Mua bán GCN nghỉ việc hưởng BHXH- Cần xử lý triệt để

Mua bán GCN nghỉ việc hưởng BHXH- Cần xử lý triệt để

Không chỉ trục lợi từ việc bán GCN nghỉ việc hưởng BHXH, một số PK và các đối tượng còn trục lợi bằng việc bán giấy khám sức khỏe, sổ BHXH; lập chứng từ, hồ sơ KCB BHYT khống để trục lợi quỹ BHYT. Đáng nói, có các đường dây bán giấy khống liên tỉnh, nên NLĐ từ địa phương này nhưng có GCN của PK từ địa phương khác.