Tạp chí Bảo Hiểm Xã Hội Lan tỏa an sinh nơi Thủ đô kháng chiến
ASXHPortalViewLongForm
Longform

Lan tỏa an sinh nơi Thủ đô kháng chiến

Shared facebook

Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Sơn Dương đã đạt được nhiều kết quả trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Do đó, thu nhập của người dân đã được cải thiện, đời sống vật chất và tinh thần không ngừng được nâng cao. Đặc biệt, sự vào cuộc đồng bộ của toàn hệ thống chính trị đã tạo sự lan tỏa, phát huy được sức mạnh đoàn kết, tính chủ động, sáng tạo trong xây dựng nông thôn mới, từng bước giảm nghèo bền vững. Đến nay, toàn huyện có 13/30 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 1 xã (Sơn Nam) đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; tiêu chí bình quân đạt 15,3 tiêu chí/xã.

Đáng chú ý, nhờ kinh tế ổn định đã giúp nhiều người dân có điều kiện tham gia BHYT để lo cho sức khỏe.Đơn cử, tại xã Tân Trào, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn chiếm trên 5%, hộ cận nghèo chiếm trên 6%. Trên địa bàn xã có nhiều mô hình kinh tế cho giá trị kinh tế khá như trồng dưa chuột, trồng chè. Ngoài ra, nhiều hộ có mức thu nhập khá từ làm du lịch cộng đồng.

Bà Bế Thị Chín, người dân thôn Tân Lập (xã Tân Trào) cho biết, sau khi được Nhà nước hỗ trợ 80 triệu đồng, gia đình bà đã chỉnh trang nhà cửa để đón khách du lịch, cải tạo vườn rau ngót rừng, chăm sóc tre lấy măng và trám để tạo ra các sản phẩm cung cấp cho du khách. Vì vậy, gia đình bà có nguồn thu nhập ổn định, đời sống cũng khấm khá hơn rất nhiều. “Nhờ kinh doanh mô hình du lịch homestay, gia đình tôi có nguồn thu nhập ổn định, nhất là có điều kiện tham gia BHYT cho cả nhà. BHYT luôn mang lại lợi ích lớn với mọi người, nên chúng tôi thường xuyên truyền tai nhau để tích cực tham gia”- bà Chín chia sẻ.

Ông Vũ Đức Dương ở thôn Cò (xã Minh Thanh) là một trong những hộ kinh tế khá giả nhờ trồng rừng. Gia đình ông Dương có 6 ha rừng, mỗi năm khai thác khoảng 2 ha, trừ chi phí cho thu lãi 100 triệu đồng/ha. Được Đảng, Nhà nước quan tâm, ông Dương được tham gia nhiều lớp hướng dẫn, tập huấn và chuyển giao kỹ thuật trồng rừng. Nhờ đó, sản lượng gỗ khai thác năm sau cao hơn năm trước. “Cũng nhờ có nguồn thu nhập từ trồng rừng, kinh tế gia đình dần khá giả, mua sắm thêm được xe máy, cho con cái ăn học đàng hoàng. Ốm đau đi viện không lo vì cả gia đình tôi đã tham gia BHYT”- ông Dương cho biết.

Ông Triệu Minh Chính (thôn Đồng Minh, xã Bình Yên) cũng chia sẻ: “Nhờ có các dự án hỗ trợ nhằm thực hiện chương trình nông thôn mới, cùng với bà con, kinh tế gia đình tôi khấm khá lên nhiều. Vì vậy, hàng năm cả gia đình tôi tham gia đầy đủ BHYT. Tôi cũng đã tham gia BHXH tự nguyện cho bản thân với mong muốn về già sẽ có lương hưu và có thẻ BHYT”- ông Chính nói.

Ông Nguyễn Đại Thủy- Giám đốc BHXH huyện Sơn Dương cho biết, huyện Sơn Dương có dân số trên 200.000 người, với 20 dân tộc anh em sinh sống tại 31 xã, thị trấn, trong đó tỷ lệ người DTTS chiếm khoảng 50%. Sơn Dương cũng là địa phương có diện tích rộng, nhiều đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 13 xã thuộc khu vực III, khu vực II vùng đồng bào DTTS và miền núi, 72 thôn nằm trong 7 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, 6 xã khu vực II, 14 xã thuộc vùng ATK. Toàn huyện có 9.199 hộ nghèo đa chiều, chiếm tỷ lệ 18,27% dân số.

“Khối lượng công việc lớn, nên việc phân công và tổ chức triển khai nhiệm vụ của BHXH huyện Sơn Dương còn khó khăn. Lao động người địa phương làm việc và tham gia BHXH, BHYT ngoài tỉnh chiếm số lượng lớn, thường xuyên biến động giữa các nhóm tham gia BHXH, BHYT tại các cụm công nghiệp ở địa phương và khu công nghiệp ngoài tỉnh, ảnh hưởng đến chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH, BHYT. Vì vậy, công tác thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT tại địa phương có những đặc thù riêng”- ông Nguyễn Đại Thủy chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Đại Thủy, khi triển khai thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, BHXH huyện không đặt nặng vấn đề thành tích, mà luôn chú trọng đề cao hiệu quả công việc và tinh thần phục vụ nhân dân theo chỉ đạo của Ngành. Đồng thời, luôn bám sát chỉ đạo của BHXH Việt Nam, BHXH tỉnh Tuyên Quang, Huyện ủy và UBND huyện; từ đó phối hợp cùng các đơn vị liên quan tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân tham gia và thụ hưởng chính sách an sinh. Đặc biệt, mới đây, UBND tỉnh Tuyên Quang phê duyệt Đề án xây dựng huyện Sơn Dương đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2023-2025, trong đó tỷ lệ tham gia BHYT là tiêu chí đánh giá chuẩn nông thôn mới- đây là điều kiện thuận lợi để đảm bảo việc triển khai thực hiện tốt chính sách BHXH, BHYT ở địa phương.

Bên cạnh đó, những năm gần đây, tình hình kinh tế-xã hội được cấp ủy, chính quyền quan tâm đầu tư, nên có nhiều khởi sắc, đời sống của người dân đang ngày càng được nâng cao. Nhờ vậy, công tác an sinh xã hội trên địa bàn cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Cụ thể, tính đến tháng 8/2023, toàn huyện có 34.457 người tham gia BHXH, trong đó gồm 31.632 tham gia BHXH bắt buộc, 2.825 người tham gia BHXH tự nguyện, 162.190 người tham gia BHYT; thu BHXH, BHYT được 165 tỷ đồng, đạt 64,5% kế hoạch năm. BHXH huyện cũng đã giải quyết chế độ BHXH một lần đối với 1.903 trường hợp; giải quyết chế độ ốm đau, thai sản, DS-PHSK cho 1.135 lượt người; phối hợp với Bưu điện huyện chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng cho 6.049 người đảm bảo an toàn, kịp thời.

Nhằm đẩy mạnh cải cách TTHC, tạo thuận lợi cho người dân và DN tham gia, thụ hưởng chính sách an sinh của Đảng và Nhà nước, BHXH huyện Sơn Dương đã gắn công tác tiếp nhận và trả kết quả TTHC với việc tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHYT hộ gia đình; bảo lưu thời gian đóng BHXH và tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện; cài đặt ứng dụng VssID; áp dụng hình thức chi trả chế độ thông qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt. Đồng thời, tập trung triển khai Đề án 06; phối hợp với ngành Công an và đơn vị liên quan làm sạch và đồng bộ dữ liệu người tham gia BHXH, BHYT với CSDL quốc gia về dân cư cho 153.690 người (đạt 98,8%. “Những đổi thay trên quê hương cách mạng hôm nay là cơ sở để CBVC BHXH huyện Sơn Dương nỗ lực thực hiện chính sách BHXH, BHYT, góp phần đảm bảo an sinh xã hội cho bà con các dân tộc nơi chiến khu xưa”- ông Nguyễn Đại Thủy chia sẻ thêm.

Thực hiện: Bích Thủy

Trình bày: Hà Hùng


Viết bình luận
Khi thầy, cô giáo “bén duyên” với BHYT

Khi thầy, cô giáo “bén duyên” với BHYT

Có tận mắt chứng kiến việc triển khai chính sách BHYT HSSV ở những ngôi trường luôn duy trì tỷ lệ cao HSSV tham gia BHYT, chúng tôi mới cảm nhận hết được sự tâm huyết, tận tụy của các thầy, cô giáo nơi đây với việc chăm sóc sức khỏe cho các em HSSV thân yêu…

Chuyện bảo vệ “chồi non” ở Cần Thơ

Chuyện bảo vệ “chồi non” ở Cần Thơ

Với các em HSSV, cả hệ thống chính trị ở Cần Thơ đã cùng vào cuộc chăm lo để không em nào “nằm ngoài” lưới an sinh. Bảo vệ và chăm sóc từng “chồi non” đã được xác định là chuyện phải làm và không của riêng ai...

Tăng tốc “phủ sóng” VssID nơi vùng biên

Tăng tốc “phủ sóng” VssID nơi vùng biên

Với những cách làm sáng tạo cùng sự nỗ lực không ngừng, chiến dịch “phủ sóng” ứng dụng VssID của ngành BHXH Việt Nam đến với bà con nơi vùng biên đang gặt hái nhiều thành quả...

Chị Đỗ Thị Phê- Nữ nhân viên thu BHXH, BHYT “mát tay”

Chị Đỗ Thị Phê- Nữ nhân viên thu BHXH, BHYT “mát tay”

Khuôn mặt tươi vui, tác phong nhanh nhẹn, thái độ hòa nhã và giọng nói nhẹ nhàng là những cử chỉ thường ngày của chị Đỗ Thị Phê mỗi khi tiếp xúc với người dân...