Tạp chí Bảo Hiểm Xã Hội Ngày Xuân nói chuyện "văn hoá BHXH"
ASXHPortalViewLongForm
Longform

Ngày Xuân nói chuyện "văn hoá BHXH"

Shared facebook

* PV: Thưa ông, thời gian qua, có nhiều ý kiến đề cập đến văn hóa con người, trong đó có văn hóa BHXH. Vậy trong lĩnh vực an sinh, vấn đề văn hóa BHXH nên được hiểu thế nào?

- Ông Bùi Sỹ Lợi: Nói đến chính sách cho người dân là nói đến việc đảm bảo an sinh xã hội theo hiến định (theo quy định của Hiến pháp năm 2013), nên văn hóa nhận thức của người dân cũng được hiểu là quyền lợi đi đôi với nghĩa vụ. Hiến pháp năm 2013 quy định đảm bảo quyền con người; quyền nghĩa vụ cơ bản của công dân. Khi làm công dân, đầu tiên phải có trách nhiệm với chính bản thân mình và cũng phải có trách nhiệm đối với xã hội. Hay nói cách khác, sống trong một xã hội phát triển, mỗi người dân phải đóng góp, phải tham gia và phải nhận thức đúng pháp luật.

Điều 34 Hiến pháp năm 2013 quy định rõ “công dân Việt Nam có quyền được đảm bảo an sinh xã hội”, nhưng quyền đó phải đi đôi với nghĩa vụ. Vì vậy, vấn đề quan trọng của con người phải nhận thức và phải có văn hóa, đó là văn hóa cuộc sống, văn hóa xây dựng con người- mà cái đảm bảo được quyền và nghĩa vụ công bằng với nhau cũng chính là văn hóa của con người. Xã hội phát triển, thì các tế bào trong xã hội (mỗi con người trong xã hội) cũng phải có sự tham gia đóng góp để cùng phát triển xã hội đó. Chính vì vậy, việc đầu tiên của văn hóa con người là tham gia vào các chính sách để đảm bảo an sinh cho con người- đó chính là đảm bảo quyền và nghĩa vụ đóng góp để xây dựng Tổ quốc, xây dựng đất nước, xây dựng cộng đồng, xây dựng xã hội tiến bộ văn minh và phát triển.

Trong một xã hội, chúng ta thấy Nhà nước có vai trò rất cơ bản, quan trọng và quyết định. Nhưng, nếu người dân không tham gia, thì vai trò của Nhà nước sẽ ra sao? Mối quan hệ biện chứng giữa công dân với đất nước là mối quan hệ sống còn, tác động thúc đẩy cùng phát triển; nếu dân giàu thì nước sẽ mạnh và người dân sẽ được hưởng lợi. Phúc lợi của đất nước- hay nói cách khác- những của cải Nhà nước tích lũy được là vì nhân dân. Rõ ràng, Nhà nước bảo đảm quyền của con người, quyền nghĩa vụ cơ bản của công dân. Trong quá trình phát triển đất nước, người dân sẽ được hưởng lợi từ thành quả phát triển, người khó khăn sẽ được Nhà nước và xã hội quan tâm.

* Đảm bảo an sinh xã hội là tiền đề để đất nước phát triển bền vững. Song để làm được điều này, đòi hỏi chúng ta phải đặc biệt lưu tâm thực hiện tốt chính sách BHXH, BHYT. Ông có thể nói rõ hơn việc này?

- Chúng ta phải khẳng định, chính sách an sinh xã hội bao gồm cả phần Nhà nước chăm lo cho người dân, DN chăm lo cho NLĐ- đây chính là gắn kết quyền và nghĩa vụ để đảm bảo quan hệ hài hòa, ổn định, tiến bộ. Nhà nước hoàn toàn chăm lo các dịch vụ xã hội cơ bản, nhằm đảm bảo an sinh cho mỗi người dân như: Phổ cập giáo dục, chăm lo người khó khăn, nhà ở, dịch vụ y tế (trợ giúp BHYT cho người nghèo, cận nghèo, đối tượng chính sách, trẻ em dưới 6 tuổi…).

Vì vậy, người dân cần nhận thức sâu sắc được ý nghĩa của chính sách xã hội, trước hết tham gia để lo cho bản thân mình, sau đó cùng cộng đồng phát triển. Đơn cử: Chính sách BHYT nhằm mục đích chia sẻ, người khỏe đóng góp cho người yếu, người có hoàn cảnh khó khăn để được chữa bệnh tốt hơn. Còn với BHXH, bên cạnh người tham gia lo cho bản thân mình, Nhà nước cũng phải “mang” tiền đi đầu tư, tích lũy, tăng trưởng để đảm bảo sau này người đó hết tuổi lao động có cuộc sống ổn định.

Bên cạnh đó, chính sách xã hội là chính sách vì con người. Trong chính sách xã hội gồm chính sách về an sinh xã hội và phúc lợi xã hội. An sinh xã hội là hệ thống bền vững gồm 4 trụ cột: Phòng ngừa rủi ro (giải quyết việc làm) để bảo đảm NLĐ được chăm lo trước mắt và chuẩn bị tiết kiệm cho hành trang lâu dài khi về già; giảm thiểu rủi ro khi người dân, NLĐ bị tác động của các yếu tố về an toàn lao động, vệ sinh lao động, sức khỏe khi đang làm việc bằng cách tham gia BH TNLĐ-BNN; phụ nữ tham gia BHXH để được đảm bảo chế độ thai sản. Đó là chính sách BHXH giúp giảm thiểu khó khăn khi NLĐ đang còn làm việc, khi hết tuổi lao động hoặc suy giảm khả năng lao động. Đặc biệt, chính sách BHYT giúp chi trả chi phí KCB khi NLĐ ốm đau, tai nạn, hay khi về hưu được cấp thẻ BHYT miễn phí.

Cùng với đó, trong khắc phục rủi ro, Nhà nước phải có quỹ phúc lợi, cộng đồng xã hội đóng góp để trợ cấp thường xuyên và trợ cấp đột xuất. Trợ cấp thường xuyên cho người già cả, ốm đau không nơi nương tựa, trẻ em mồ côi, người yếu thế trong xã hội. Đó chính là mục tiêu để “không ai bị bỏ lại phía sau” của Đảng và Nhà nước ta. Đồng thời, trợ giúp đột xuất khi thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn. Đơn cử: Trong đại dịch Covid-19, Nhà nước phải trợ cứu ngay để người dân vượt qua hoạn nạn. Chính vì vậy, qua hơn 2 năm đại dịch Covid-19, Nhà nước đã phải chi an sinh xã hội hơn 87.000 tỷ đồng cho hơn 55 triệu lượt NLĐ, người dân và gần 1 triệu lượt chủ SDLĐ.

* Qua hơn 2 năm đại dịch Covid-19, chính sách BHXH, BH thất nghiệp đã phát huy vai trò “điểm tựa”, là “lưới an sinh” cho NLĐ trong lúc khó khăn, cũng như tạo được niềm tin cho họ khi tham gia vào hệ thống an sinh xã hội? Ông đánh giá thế nào về các chính sách này?

- Tôi cho rằng, các chính sách này đã bắt đầu đi vào cuộc sống, tạo được niềm tin rất lớn của người dân đối với các chính sách của Đảng và Nhà nước. Trong điều kiện dịch bệnh, các chính sách an sinh xã hội đã phát huy vai trò một cách hết sức tích cực. Trong đó, tôi đánh giá cao nhất chính sách trợ cấp thất nghiệp cho NLĐ và giảm mức đóng vào quỹ BH thất nghiệp cho chủ SDLĐ. Đây là chính sách hết sức kịp thời, nhân văn và đã được triển khai rất nhanh chóng.

Theo đó, NLĐ đã được thụ hưởng hơn 31.000 tỷ đồng từ quỹ BH thất nghiệp, giúp giải quyết khó khăn do dịch bệnh gây ra, tạo cho họ niềm tin vào hệ thống chính sách BHXH. Việc trợ cấp này hơn rất nhiều lần các hình thức tuyên truyền để vận động NLĐ tham gia các chính sách BHXH. Qua thực tiễn, NLĐ thấy được vai trò, tác dụng của chính sách BHXH, BH thất nghiệp đã thực sự giúp họ lúc khó khăn.

Có thể nói, chính những chính sách kịp thời và nhân văn này đã giúp NLĐ và chủ SDLĐ vượt qua khó khăn, nền kinh tế giữ được tốc độ phát triển trong dịch bệnh, NLĐ gắn bó với DN và DN cũng giảm bớt khó khăn, đồng hành cùng NLĐ vượt qua đại dịch. Chiến thắng đại dịch Covid-19 có đóng góp rất lớn của chính sách BHXH, BH thất nghiệp, trong đó có chính sách hỗ trợ NLĐ bị thất nghiệp.

* Từ chỗ chỉ dành cho CBCCVC trong cơ quan nhà nước, đến nay chính sách BHXH đã mở rộng đến mọi người dân- cho thấy quyết tâm chính trị và thành quả của việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong lĩnh vực BHXH. Ông có bình luận gì về vấn đề này?

- Nhà nước quản lý xã hội theo luật pháp, luật pháp phải đảm bảo quyền và nghĩa vụ của toàn dân cũng như điều chỉnh quan hệ xã hội để phát triển. Do đó, chính sách pháp luật phải thể hiện được tư tưởng của dân, đảm bảo nguyên tắc lãnh đạo của Đảng, đảm bảo sự phát triển bền vững. Cũng giống như chính sách BHXH đa tầng, tiến tới bao phủ toàn dân, cho nên khi thiết kế hệ thống chính sách BHXH phải đảm bảo mục tiêu vì nhân dân, vì sự phát triển thịnh vượng.

Về mặt nguyên tắc, xây dựng pháp luật là không để sự mất công bằng của các chính sách, pháp luật và phải thể hiện được ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Chính vì vậy, khi xây dựng hệ thống pháp luật, làm sao để không có bất bình đẳng, tránh tình trạng phân tầng xã hội. Tuy nhiên, pháp luật thể hiện công bằng không có nghĩa là cào bằng, Nhà nước phải chăm lo cho người yếu thế, còn những người có sức khỏe thì Nhà nước chỉ hỗ trợ về cơ chế và tạo cơ hội bình đẳng như nhau.

Trong chính sách BHXH có nguyên tắc “đóng-hưởng” (có đóng có hưởng, đóng cao hưởng cao), nên nếu không đóng BHXH thì khi sức khỏe giảm sút, Nhà nước chỉ có thể hỗ trợ và mức hỗ trợ không thể bằng những người đã tích lũy đóng góp. Vì vậy, khi nghiên cứu hệ thống chính sách phải xuất phát từ nguyện vọng, ý chí của người dân và thực tế cuộc sống, phải tham vấn được ý kiến công chúng và lấy ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và phải học tập, kế thừa kinh nghiệm tiến bộ của quốc tế.

Xu hướng chung đó là, các chính sách an sinh xã hội phải tiệm cận với tiêu chuẩn quốc tế, phải công khai, minh bạch và thể hiện được quan điểm, tư tưởng của Đảng vì sự phát triển của con người và đảm bảo sự tiến bộ xã hội. Việc xây dựng Luật BHXH phải đảm bảo khắc phục cho được những tồn tại, hạn chế hiện nay và mâu thuẫn xung đột của pháp luật. Chúng ta đang nghiên cứu sửa Luật BHXH để đảm bảo yêu cầu thực tiễn hiện nay, trong đó có quyền được nhận BHXH một lần của NLĐ. Nếu không có biện pháp và làm tốt công tác tuyên truyền để NLĐ thấy được lợi ích của BHXH như là “của để dành” do Nhà nước bảo hộ, là chưa thể hiện được quan điểm của Đảng là phải bảo đảm an sinh xã hội cho toàn dân.

Chúng ta thấy rõ nguyên tắc của BHXH là “có đóng có hưởng, đóng cao hưởng cao”, nhưng ngoài đóng-hưởng ra, còn một nguyên tắc nữa là chia sẻ giữa các thế hệ. Cụ thể, những người về hưu trước năm 1993 do Nhà nước đóng và bây giờ họ khó khăn thì Nhà nước phải nâng mức lương hưu lên cho họ; những người đóng BHXH từ năm 1995 trở lại đây hoàn toàn theo cơ chế đóng-hưởng, nhưng đang chênh lệch giữa khu vực công và khu vực tư- đây là vấn đề cần sửa đổi để bảo đảm sự công bằng xã hội…

* Từ trước đến nay, ngành BHXH Việt Nam luôn chú trọng thực hiện tốt công tác tuyên truyền, triển khai thực hiện chính sách theo phương châm “rõ người- rõ việc- rõ trách nhiệm- rõ kết quả”. Điều này được xem là nền tảng để tạo dựng “văn hóa BHXH”, thưa ông?

- Trong những năm qua, ngành BHXH Việt Nam luôn tuyên truyền, thực hiện tốt chính sách BHXH, BHYT và mang lại hiệu quả rõ rệt. Điều này thể hiện ở số người tham gia vào hệ thống BHXH ngày càng tăng, đặc biệt số lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện tăng rất nhanh- thể hiện ý thức tự lo an sinh cho mình của người dân… Tuy nhiên, bên cạnh đó, chúng ta cũng cần phải sửa đổi những bất hợp lý của chính sách, pháp luật BHXH, BHYT. Đặc biệt, việc giải quyết triệt để những xung đột, hạn chế của chính sách không thể chỉ do ngành BHXH Việt Nam, mà trách nhiệm thuộc các cơ quan quản lý nhà nước, Chính phủ và Quốc hội.

Qua quá trình theo dõi, tôi đánh giá rất cao sự chuyển mình của ngành BHXH Việt Nam, đặc biệt là việc triển khai rất hiệu quả các ứng dụng CNTT. Trên cơ sở đó, toàn ngành BHXH Việt Nam đã từng bước công khai, minh bạch, hạn chế được những sai sót trong việc chi trả, thu nộp BHXH, BHYT và quan trọng nhất là thống kê, tổng hợp chính xác, kịp thời để các cơ quan liên quan có những nghiên cứu và điều chỉnh phù hợp.

Bên cạnh đó còn là tiến bộ về công tác cải cách TTHC- giúp ngành BHXH Việt Nam được đánh giá là một trong những cơ quan trong top đầu về CCHC và hiện đại hóa CNTT. Nhờ ứng dụng tốt CNTT trong các hoạt động nghiệp vụ, nên BHXH Việt Nam đã tập trung được lực lượng để “đi từng ngõ, gõ từng nhà” tuyên truyền, vận động người dân tham gia vào hệ thống BHXH thông qua chính sách BHXH tự nguyện.

Như vậy, BHXH Việt Nam đã khẳng định được vị trí của mình là cơ quan đảm bảo, chăm lo an sinh xã hội cho người dân, NLĐ- nhiệm vụ có ý nghĩa quan trọng trong quá trình phát triển, đổi mới và hội nhập. Tuy nhiên, để tạo dựng được “văn hóa BHXH”, bên cạnh nỗ lực của ngành BHXH Việt Nam, rất cần sự vào cuộc quyết liệt và mạnh mẽ hơn của cả hệ thống chính trị.

* Trân trọng cảm ơn ông!

Nguyệt Hà (Thực hiện)

Đồ hoạ: Thanh An


Viết bình luận
Mua bán GCN nghỉ việc hưởng BHXH- Cần xử lý triệt để

Mua bán GCN nghỉ việc hưởng BHXH- Cần xử lý triệt để

Thời gian qua, tại một số địa phương, hành vi cấp khống Giấy chứng nhận (GCN) nghỉ việc hưởng BHXH đã được cơ quan Công an mở chuyên án điều tra. Thậm chí, có nơi, Tòa án đã đưa vụ việc ra xét xử và tuyên mức án nghiêm khắc.

Mua bán GCN nghỉ việc hưởng BHXH- Cần xử lý triệt để

Mua bán GCN nghỉ việc hưởng BHXH- Cần xử lý triệt để

Không chỉ trục lợi từ việc bán GCN nghỉ việc hưởng BHXH, một số PK và các đối tượng còn trục lợi bằng việc bán giấy khám sức khỏe, sổ BHXH; lập chứng từ, hồ sơ KCB BHYT khống để trục lợi quỹ BHYT. Đáng nói, có các đường dây bán giấy khống liên tỉnh, nên NLĐ từ địa phương này nhưng có GCN của PK từ địa phương khác.

Mua bán GCN nghỉ việc hưởng BHXH- Cần xử lý triệt để

Mua bán GCN nghỉ việc hưởng BHXH- Cần xử lý triệt để

Thời gian qua, tình trạng mua bán Giấy chứng nhận (GCN) nghỉ việc hưởng BHXH tại các địa phương khu vực Đông Nam Bộ (Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM…) hầu như ngang nhiên tồn tại, đặc biệt nở rộ từ thời điểm xảy ra dịch bệnh COVID-19 đến nay. Đã đến lúc gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh và mạnh tay xử lý dứt điểm tình trạng này.

Ngăn ngừa chậm đóng, trốn đóng BHXH, BHYT: Nhiều giải pháp hiệu quả

Ngăn ngừa chậm đóng, trốn đóng BHXH, BHYT: Nhiều giải pháp hiệu quả

Trong lĩnh vực thu BHXH, BHYT, tình trạng chậm đóng, trốn đóng chịu ảnh hưởng một phần khá lớn từ diễn biến tăng trưởng của nền kinh tế và “sức khỏe” của các DN ở từng thời điểm khác nhau.