Tạp chí Bảo Hiểm Xã Hội Nhiều “tay hòm chìa khóa” chọn BHXH tự nguyện
ASXHPortalViewLongForm
Longform

Nhiều “tay hòm chìa khóa” chọn BHXH tự nguyện

Shared facebook

Được lĩnh lương hưu vào định kỳ mỗi tháng, được cấp thẻ BHYT, bác Khuất Thị Anh Văn (sinh năm 1962, ở khu 12 xã Phù Ninh, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ) vẫn không ngớt lời cảm ơn cán bộ BHXH vì trước đây đã khuyên không nên rút BHXH một lần.

Bác Văn kể lại, bác có 9 năm 9 tháng làm việc tại một DN nước ngoài trên địa bàn huyện Phù Ninh. Tháng 12/2020, dịch COVID-19 ập đến, bác Văn nghỉ việc do công ty giải thể. Ở tuổi ngoại ngũ tuần nên bác cho rằng mình không có cơ hội xin được vào làm việc tại các công ty khác. Sau khi nghỉ hưởng BH thất nghiệp, bác Văn nộp đơn lên cơ quan BHXH huyện Phù Ninh đề nghị giải quyết BHXH một lần.

Chỉ trong đầu tháng 12/2021, bác Văn nộp hồ sơ tới 3 lần và cả 3 lần ấy, cơ quan BHXH đều gọi điện thuyết phục bác không nên thanh toán trợ cấp BHXH một lần. Đến lần thứ 4, bác Văn lại tiếp tục nộp hồ sơ đề nghị thanh toán, lần này cơ quan BHXH đã gọi bác lên để phân tích. Bác Văn cho biết: “Nghe mọi người đồn rằng nếu không thanh toán ngay, khi Luật thay đổi thì thiệt lắm, bỏ ra một đống tiền đóng biết hưởng được bao nhiêu, chả sống được lâu, rồi khéo lại mất hết”.

Biết được băn khoăn đó của bác Văn, BHXH huyện Phù Ninh đã tính toán đưa ra phương án, tổng số tiền đóng vào và tổng quyền lợi được hưởng. Sau khi nghe phân tích, bác Văn quyết định không hưởng trợ cấp BHXH một lần mà tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện, khi đủ điều kiện thì nộp một lần cho 10 năm còn thiếu với tổng số tiền 79.148.000 đồng và hưởng lương hưu từ tháng 4/2022. “Giờ mỗi lần đến tháng lĩnh lương hưu, tôi thấy vui, yên tâm. Rất cảm ơn cán bộ BHXH”- bác Văn chia sẻ.

Khác với trường hợp của bác Văn, với mong muốn có một khoản tiền đảm bảo cuộc sống khi về già, chị Hồ Thị Thu Hương (phường Thọ Sơn, TP. Việt Trì, Phú Thọ) đã chủ động tham gia BHXH tự nguyện với mức thu nhập làm căn cứ đóng 2,5 triệu đồng/tháng. Mặc dù 2 vợ chồng chị đều là lao động tự do, nhưng đều tham gia BHXH tự nguyện với mong muốn có “điểm tựa” khi về già.

Chị Hương nói: “Bây giờ chúng tôi còn khỏe, còn lao động, còn kiếm được tiền. Vì vậy việc tham gia BHXH tự nguyện cũng là cách tiết kiệm lâu dài cho bản thân, sau này khi về già, chúng tôi cũng sẽ có lương hưu, thẻ BHYT như cán bộ nhà nước, lao động trong DN, không phải phiền con cháu”.

Trước đây, chị Tạ Thị Lan Phương (sinh năm 1976, trú xã Thụy Vân, Việt Trì, Phú Thọ)  làm công nhân tại Công ty TNHH Yakjin Việt Nam (KCN Thụy Vân) và đã tham gia BHXH bắt buộc được 14 năm 4 tháng. Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, không có đơn hàng dẫn đến không có việc làm, công ty cắt giảm nhân sự nên chị phải nghỉ việc. Khi đến cơ quan BHXH để hỏi về thủ tục thanh toán BH thất nghiệp, chị đã được cán bộ BHXH tỉnh Phú Thọ hướng dẫn và tư vấn nên tham gia tiếp BHXH tự nguyện, sẽ được cộng nối quá trình tham gia BHXH trước đây.

Chị Phương tâm sự, trước đây chồng chị làm tự do không đóng BHXH, không may bị tai nạn trong một lần tham gia giao thông phải nằm liệt một chỗ hơn 6 năm nay không có chế độ gì nên phụ thuộc vào vợ, con. Cũng vì vậy, chị luôn canh cánh lo cho tương lai của mình khi về già. “Được cán bộ BHXH giới thiệu về chế độ BHXH tự nguyện, tôi mới biết tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện sẽ cộng nối thời gian tham gia BHXH trước đó, và được tham gia ngay trong khi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp.”- chị Phương nói.

Cô Đỗ Thị Thanh Tâm sinh năm 1965 (phường Nông Trang, TP.Việt Trì, Phú Thọ) đã có 5 năm 8 tháng tham gia BHXH bắt buộc và nghỉ việc từ cuối năm 2010, nhưng do cần tiền để trang trải việc gia đình cộng với tâm lý bản thân tuổi đã khá cao (ngoài 50 tuổi), cô Tâm đã tìm đến cơ quan BHXH để làm thủ tục thanh toán. Cán bộ BHXH tỉnh đã tư vấn về chế độ BHXH tự nguyện và giải thích về trường hợp đã đủ tuổi nghỉ hưu nhưng thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm thì được đóng một lần cho những năm còn thiếu (tối đa 10 năm) để đủ điều kiện hưởng lương hưu. Vậy là cô Tâm tham gia BHXH tự nguyện tiếp. Cô Tâm bảo, gia đình cô không có điều kiện, tuổi cũng đã nhiều, vì vậy cô cứ túc tắc đóng hằng tháng. “Khi đến tuổi nghỉ hưu mà số năm chưa đủ tôi sẽ đóng nốt những năm còn thiếu để hưởng lương hưu và có thẻ BHYT”- cô Tâm nói.

Là một trong những người đầu tiên tại huyện Tam Nông (Phú Thọ) hưởng lương hưu từ việc tham gia BHXH tự nguyện, bác Trần Thị Khiêm (xã Vạn Xuân) vui mừng chia sẻ: “Năm 2008, khi chính sách BHXH tự nguyện ra đời, cán bộ đại lý thu UBND xã Cổ Tiết cũ nay là xã Vạn Xuân đã đến nhà tuyên truyền, vận động. Do tham gia BHXH tự nguyện, nay khi tuổi đã cao, sức đã giảm, hằng tháng tôi đều có lương hưu để góp phần trang trải cuộc sống, ốm đau thì đã có thẻ BHYT của đối tượng hưu trí. Bây giờ tôi chỉ còn phải rèn luyện chăm sóc cho mình thật khỏe mạnh để an hưởng tuổi già”.

Bác Khiêm cũng cho biết thêm, kể từ khi tham gia BHXH tự nguyện, bản thân bác cũng tuyên truyền cho những người hàng xóm, bạn bè chưa tham gia về những lợi ích lâu dài mà chính sách này mang tới để họ tham gia. Đến một ngày không xa, chính những người hàng xóm mà bác đã động viên tham gia đó cũng sẽ được hưởng lương hưu như bản thân bác ngày hôm nay.

Bài: Thủy Hà

Đồ hoạ: Thanh An


Viết bình luận
Kinh nghiệm quốc tế về xây dựng Danh mục thuốc

Kinh nghiệm quốc tế về xây dựng Danh mục thuốc

Các kinh nghiệm quốc tế về xây dựng danh mục thuốc BHYT, đấu thầu, đàm phán giá và quản lý giá thuốc, thanh toán BHYT... là những gợi ý để Việt Nam tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật triển khai chính sách BHYT.

Kinh nghiệm phát triển BHYT toàn dân bền vững ở một số quốc gia

Kinh nghiệm phát triển BHYT toàn dân bền vững ở một số quốc gia

Để phát triển BHYT toàn dân bền vững, nhiều nước đã phải trải qua nhiều giai đoạn cải cách, đổi mới cả về hệ thống BHYT và hệ thống cung ứng dịch vụ y tế. Bài viết chia sẻ kinh nghiệm phát triển BHYT bền vững ở một số quốc gia và đề xuất cho Việt Nam.

Mua bán GCN nghỉ việc hưởng BHXH- Cần xử lý triệt để

Mua bán GCN nghỉ việc hưởng BHXH- Cần xử lý triệt để

Thời gian qua, tại một số địa phương, hành vi cấp khống Giấy chứng nhận (GCN) nghỉ việc hưởng BHXH đã được cơ quan Công an mở chuyên án điều tra. Thậm chí, có nơi, Tòa án đã đưa vụ việc ra xét xử và tuyên mức án nghiêm khắc.

Mua bán GCN nghỉ việc hưởng BHXH- Cần xử lý triệt để

Mua bán GCN nghỉ việc hưởng BHXH- Cần xử lý triệt để

Không chỉ trục lợi từ việc bán GCN nghỉ việc hưởng BHXH, một số PK và các đối tượng còn trục lợi bằng việc bán giấy khám sức khỏe, sổ BHXH; lập chứng từ, hồ sơ KCB BHYT khống để trục lợi quỹ BHYT. Đáng nói, có các đường dây bán giấy khống liên tỉnh, nên NLĐ từ địa phương này nhưng có GCN của PK từ địa phương khác.