Tạp chí Bảo Hiểm Xã Hội Niềm vui của những nông dân hưởng lương hưu
ASXHPortalViewLongForm
Longform

Niềm vui của những nông dân hưởng lương hưu

Shared facebook

“Tháng rồi chị nhận 4.674.000 đồng tiền hưu. Đó là “niềm vui cố định” của chị và gia đình”- chị Nguyễn Thị Thuận, người phụ nữ tuổi Thìn (sinh năm 1964, trú xã Hà Mòn, huyện Đăk Hà) vui vẻ chia sẻ với phóng viên Tạp chí BHXH. Sau 28 năm gắn bó với cây cà phê, chị nông dân chính hiệu này được nhận khoản lương hưu đầu tiên cách đây 9 năm. “Hồi đó, chị được nhận 3,1 triệu đồng. Sau 9 năm, nay tăng được hơn 4,6 triệu đồng/tháng”- chị Thuận chia sẻ. “Lương hưu thay đổi theo hướng tăng theo thời gian, sao chị nói là niềm vui cố định?”, nghe tôi hỏi, chị Thuận bật cười bảo: “Cố định ở chỗ tới ngày, tới giờ trong tuần đầu tháng là lại có niềm vui”.

“Thế “niềm vui cố định” của chị có đủ giúp chị lo được sinh hoạt phí trong nhà?”. Nghe tôi hỏi vậy, chị Thuận lại cười: “Nói thiệt, nếu chi phí sinh hoạt của một mình chị thì dư sức, nhưng cả nhà thì không đủ đâu, tính ra lo được gần 2/3 sinh hoạt phí trong nhà. Có điều, điểm đặc biệt hơn là thẻ BHYT được cấp miễn phí và tỷ lệ hưởng cao (95%). Úi chà, chi phí y tế thời buổi này mà không có thẻ BHYT hưu trí thì mệt lắm. Số tiền thăm khám và thuốc thang chị không nhớ là bao, nhưng chị chắc là sẽ tốn nhiều nếu không được BHYT chi trả...”.

Sau những chia sẻ đầy trải nghiệm thực tế, chị Thuận còn “à” một tiếng rõ to: “Nói thì phải nói cho hết, chồng chị cũng đã nhận lương hưu 2 năm qua, mỗi tháng được 6,6 triệu đồng. Cộng tiền hưu của cả 2 vợ chồng chị thì cuộc sống tuổi xế chiều ổn, cũng lo tròn cưới xin, giỗ chạp với xóm giềng. Thi thoảng còn cho cháu ít đồng kẹo bánh...”.

Còn chị Lê Thị Phương (huyện Đăk Hà) người đã gắn bó với cây cao su tròn 20 năm, cũng bắt đầu được nhận lương hưu 3.364.000 đồng/tháng từ đầu năm 2022, cũng nhìn nhận khoản tiền lương hưu không khác mấy so với chị Thuận. Chị Phương nói, sinh hoạt phí của gia đình chị cỡ 6,5 triệu đồng mỗi tháng, lương hưu tuy chưa đủ trang trải hoàn toàn, nhưng là khoản tiền cố định hằng tháng giúp chị dễ tính toán chi tiêu. “Nói cho tròn là nhà chị 3 người, tiền hưu mình chị sao gánh xuể chi phí sinh hoạt. Còn nói cho vuông là nếu không có khoản tiền hưu ấy, chị còn khó bề xoay sở hơn. Tuổi hưu phải có lương hưu, ít nhiều gì cũng dễ sống hơn...”- chị Phương chia sẻ.

Chị Thuận, chị Phương và rất nhiều bà con ở Đăk Hà là những nông dân chính hiệu. Cuộc đời của họ gắn chặt với cây cà phê, cao su. Sở dĩ những nông dân ấy giờ đây có lương hưu là nhờ được tham gia BHXH bắt buộc từ nhiều năm trước- khi các nông trường cà phê, cao su tại địa phương này chuyển đổi theo mô hình công ty, nên cả chị Thuận và chị Phương đều là “công nhân nông nghiệp”. Tiếng là “công nhân”, song các chị chả làm theo ca kíp mà làm việc trên mảnh đất được công ty khoán, có người lo cây cà phê, có người lo cây cao su...

Công ty TNHH MTV Cà phê 734 là một trong 4 DN hoạt động theo mô hình “biến nông dân thành công nhân”, với hình thức khoán đất trồng trọt, đầu tư cây giống... Toàn Công ty hiện có 608 “công nhân nông nghiệp” và chia làm 5 đội (2 đội trồng lúa, 3 đội trồng cà phê). Trong hợp đồng giữa Công ty với bà con nông dân nhận khoán, có điều kiện tiên quyết là tham gia BHXH, BHYT bắt buộc. “Đây là việc tuân thủ chính sách, pháp luật của Công ty, nhưng để triển khai trong thực tế cũng không đơn giản chút nào”- anh Nguyễn Tấn Quang, một thành viên Ban lãnh đạo Công ty chia sẻ. Giải thích thêm vấn đề này, chị Phạm Thị Hồng Vui- thành viên khác của Ban lãnh đạo Công ty nói rằng, Công ty thường phải vay tiền ngân hàng để ứng đóng BHXH, BHYT cho bà con nông dân đang là “công nhân” của đơn vị.

Hóa ra, cái khó nằm ở chỗ làm nông phụ thuộc mùa vụ. Bà con nông dân ở Đăk Hà thường phải chờ tới vụ thu hoạch mới có tiền và chia lợi nhuận với Công ty theo thỏa thuận. Nhưng tham gia BHXH, BHYT bắt buộc cho những nông dân chính hiệu ấy, Công ty đâu thể nợ cơ quan BHXH theo luật định. Vì vậy, tới ngày tới giờ là Công ty phải ứng đóng trước. Thường nhật, Công ty có nguồn tài chính dự phòng để thực hiện, song thi thoảng cũng hụt hơi.

Đặc biệt, trong 2 năm dịch bệnh COVID-19 cũng đồng thời là lúc tái canh (trồng cây mới), cả bà con nông dân và Công ty đều... hụt hơi, nên việc Công ty phải vay ngân hàng nhiều tỷ đồng để đảm bảo việc tham gia BHXH, BHYT liên tục là chuyện dễ hiểu. “Có những thời điểm khó khăn là vậy, song từ trước đến nay, Công ty 734 không để nợ tiền tham gia BHXH, BHYT bắt buộc của bà con nông dân đang là công nhân của Công ty. Nhờ vậy, rất nhiều bà con nông dân ở Đăk Hà mới có lương hưu như hiện nay...”- chị Nguyễn Thị Mỹ Sen- Phó Giám đốc BHXH huyện Đăk Hà thông tin thêm.

Có chứng kiến bà con nông dân ở Đăk Hà tới Bưu điện nhận tiền lương hưu mới thấy hết niềm vui của những người quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” khi ở tuổi xế chiều. Và những “niềm vui cố định” của bà con nông dân ở mảnh đất Tây Nguyên gió ngàn này đều bắt nguồn từ mô hình “biến nông dân thành công nhân”. Dù chỉ là công nhân trên giấy tờ- vì thực chất bà con vẫn là nông dân, nhưng chính sách an sinh xã hội với 2 trụ cột chính BHXH, BHYT đều chạm được bà con một cách thành công và rất đáng được nghiên cứu nhân rộng.

Bài: Đỗ Bá

Đồ họa: Kiều Thanh


Viết bình luận
Mua bán GCN nghỉ việc hưởng BHXH- Cần xử lý triệt để

Mua bán GCN nghỉ việc hưởng BHXH- Cần xử lý triệt để

Thời gian qua, tại một số địa phương, hành vi cấp khống Giấy chứng nhận (GCN) nghỉ việc hưởng BHXH đã được cơ quan Công an mở chuyên án điều tra. Thậm chí, có nơi, Tòa án đã đưa vụ việc ra xét xử và tuyên mức án nghiêm khắc.

Mua bán GCN nghỉ việc hưởng BHXH- Cần xử lý triệt để

Mua bán GCN nghỉ việc hưởng BHXH- Cần xử lý triệt để

Không chỉ trục lợi từ việc bán GCN nghỉ việc hưởng BHXH, một số PK và các đối tượng còn trục lợi bằng việc bán giấy khám sức khỏe, sổ BHXH; lập chứng từ, hồ sơ KCB BHYT khống để trục lợi quỹ BHYT. Đáng nói, có các đường dây bán giấy khống liên tỉnh, nên NLĐ từ địa phương này nhưng có GCN của PK từ địa phương khác.

Mua bán GCN nghỉ việc hưởng BHXH- Cần xử lý triệt để

Mua bán GCN nghỉ việc hưởng BHXH- Cần xử lý triệt để

Thời gian qua, tình trạng mua bán Giấy chứng nhận (GCN) nghỉ việc hưởng BHXH tại các địa phương khu vực Đông Nam Bộ (Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM…) hầu như ngang nhiên tồn tại, đặc biệt nở rộ từ thời điểm xảy ra dịch bệnh COVID-19 đến nay. Đã đến lúc gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh và mạnh tay xử lý dứt điểm tình trạng này.

Ngăn ngừa chậm đóng, trốn đóng BHXH, BHYT: Nhiều giải pháp hiệu quả

Ngăn ngừa chậm đóng, trốn đóng BHXH, BHYT: Nhiều giải pháp hiệu quả

Trong lĩnh vực thu BHXH, BHYT, tình trạng chậm đóng, trốn đóng chịu ảnh hưởng một phần khá lớn từ diễn biến tăng trưởng của nền kinh tế và “sức khỏe” của các DN ở từng thời điểm khác nhau.