Tạp chí Bảo Hiểm Xã Hội Tiếp sức cho những tuổi thơ không may mắn
ASXHPortalViewLongForm
Longform

Tiếp sức cho những tuổi thơ không may mắn

Shared facebook

“Cháu được xuất viện cách đây gần 1 tháng rồi !”- ông Vũ Quang T. (huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định) chỉ trả lời đơn giản như vậy khi được hỏi thăm về tình hình sức khoẻ của D., cậu con trai thứ hai của mình.

Dù vậy, những ai biết chuyện đều hiểu rằng, đằng sau câu trả lời đó là cả một chuỗi ngày dài mệt mỏi và vô cùng vất vả của 1 người bố khi cùng lúc có 2 cậu con trai đều bị bỏng nặng sau trận hỏa hoạn đầy thương tâm. Cho đến bây giờ, và có lẽ là đến hết đời, ông T. sẽ vẫn nhớ như in buổi tối mùa Đông đầy ám ảnh đó.

“Khoảng tối muộn ngày 14/12 âm lịch năm vừa rồi, vợ chồng tôi đang ở nhà thì bất ngờ phát hiện ra vụ cháy, hốt hoảng lao vào để cứu 2 cháu”, ông T. kể.

Chuyện là người con trai lớn của ông Toàn (23 tuổi) theo nghiệp cha, làm nghề sửa chữa điện tử, buôn bán các thiết bị âm thanh ở cửa hàng gần nhà. Tối hôm đó, em Vũ Hoàng D. (HS Trường THPT Nghĩa Hưng, huyện Nghĩa Hưng, Nam Định) sang chơi, phụ giúp anh trai làm vài việc lặt vặt. Hai anh em sơ ý để xăng thơm (dùng để lau rửa, vệ sinh các thiết bị) bắt lửa rồi cứ thế lan ra, cháy cả căn phòng.

“Cửa hàng bán đồ thiết bị âm thanh, thường xuyên dùng để test, thử loa nên được trang bị các lớp nỉ bọc cách âm trên tường, cộng thêm sofa, thảm sàn cũng là chất liệu dễ cháy nên lửa càng cháy to hơn. Nguy hiểm hơn là lửa cháy lan đến các ổ điện trên tường, dẫn đến ngắt điện, hậu quả là cửa cuốn điện không thể mở, 2 anh em mắc kẹt trong đám cháy, phải rất lâu sau mới cứu được ra”, ông T. kể tiếp.

Ngay lúc đó, biết 2 con trai mình đã bị bỏng nặng, ông T. và người thân tính đưa cả 2 lên thẳng BV trung ương ở Hà Nội, nhưng vì vết bỏng quá nặng nên phải đưa vào BVĐK tỉnh Nam Định sơ cứu, giảm đau. Người anh bị nhẹ hơn nên có thể điều trị ở BV tỉnh, còn D. bị nặng hơn nên phải tức tốc đưa lên BV Bỏng quốc gia.

Khoảng thời gian mấy tiếng đồng hồ ngồi trên xe cấp cứu rồi nhìn đứa con trai của mình quằn quại trong đau đớn, thực sự ám ảnh với bất kỳ ông bố nào. Nhưng đó chỉ là sự mở đầu cho hành trình đầy khó khăn. Hơn 5 tháng sau đó, gia đình ông phải luân phiên thay nhau chăm sóc cho cả 2 con bị bỏng nặng. Với em Vũ Hoàng D., các bác sĩ ở BV Bỏng quốc gia kết luận: bỏng tổn thương cơ thể 70-79% bề mặt cơ thể. 

Suốt cuộc trò chuyện, dù không nói ra, nhưng chúng tôi cũng cảm nhận được sự lo lắng, sự tận tâm của người cha với cả 2 cậu con trai, nhất là với D., người bị bỏng nặng hơn và ông T. cũng gần như phải liên tục ở bên chăm sóc. Không rõ từ khi nào, người cha này gần như thuộc lòng các loại tên thuốc chuyên dùng cho điều trị bỏng.

“D. bị bỏng nặng nên phải dùng nhiều loại thuốc đắt tiền lắm. Những ngày đầu điều trị có khi phải dùng đến 3 lọ/ngày”, ông T. kể.

Một câu chuyện khác rất đỗi thương tâm và cũng là một tai nạn của một em HS- bé Vũ NU. (9 tuổi, xã Bảo Nhai, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai). Cách đây chưa lâu, ngày 28/6/2024, trên đường đi học thêm đoạn cầu treo Bảo Nhai (Bắc Hà, Lào Cai), NU. bất ngờ bị một chiếc xe ô tô cán phải. Người dân địa phương vội đưa em đi BV tỉnh cấp cứu.

Chấn thương quá nặng, U. phải chuyển gấp đến BV Việt Đức (Hà Nội). Tại đây, bác sĩ kết luận em bị dập nát hết tay phải, đứt động mạch cánh tay, ngoài ra còn gãy xương đòn. Dù được điều trị tích cực và trải qua đến 5 lần phẫu thuật (tính đến ngày 1/8/2024), tình hình vẫn chưa mấy khả quan khi động mạch cánh tay vẫn chưa thể phục hồi để nuôi các mạch máu.

Hoàn cảnh gia đình của bé U. cũng vô cùng khó khăn. Bố mẹ đã ly hôn, 2 mẹ con U. hiện sống cùng gia đình nhà ngoại. Chị Nguyễn Thị L., mẹ của U. thường xuyên bị ngất, co giật, dù đã đi nhiều BV vẫn không tìm ra nguyên nhân. Cách đây 3 năm, các bác sĩ tại Viện ký sinh trùng Trung ương chẩn đoán chị bị nhiễm ấu trùng sán lợn giai đoạn 2. Sau một thời gian uống thuốc, bệnh tình của chị vẫn không thuyên giảm. Năm 2023, chị L. bị viêm khớp huyết thanh âm tính. Do đó, hàng tháng chị phải đến BV Bạch Mai để điều trị, rất tốn kém. Cả nhà vốn chỉ trông chờ vào vào lương hưu giáo viên ít ỏi của ông ngoại, có 1 người bệnh đã khó khăn lắm; vậy mà nay lại thêm tai nạn thương tâm của bé U..

"Các bác sĩ lấy da đùi để ghép da vào phần cánh tay bị đứt. Nhưng tôi vừa được thông báo tình hình vẫn không tiến triển là bao. Nếu sau lần này không phục hồi được, cháu sẽ phải cắt bỏ hoàn toàn tay phải", bà Đoàn Thị T. bà ngoại của U. rưng rưng kể.

Chỉ cần bớt chút thời gian đến các BV, chúng ta đều có thể được nghe, chứng kiến những tai nạn vô cùng thương tâm như em D., em U. Dù nguyên nhân tai nạn là gì đi chăng nữa, tuổi thơ, quá trình học hành, tương lai sau này, gia đình các em sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn. Trước mắt là khoản chi phí điều trị tại các BV với số tiền không nhỏ.

Thật may là các em đã có BHYT luôn đồng hành!.

Ngay như với em Vũ Hoàng D., quá trình điều trị bỏng tổn thương gần 80% bề mặt cơ thể của em đã tiêu tốn một khoản tiền rất lớn. Quỹ BHYT đã chi trả cho HS này với số tiền lên tới hơn 755 triệu đồng. Đây cũng là một trong những trường hợp HS được quỹ BHYT chi trả chi phí lớn nhất trong 6 tháng đầu năm 2024 (trường hợp được chi trả nhiều nhất là hơn 785 triệu đồng).

Còn với trường hợp của bé U., quá trình điều trị vẫn đang tiếp tục với những thủ thuật, phẫu thuật rất phức tạp, chưa kể sau đó là quá trình vật lý trị liệu cũng không hề đơn giản. Chi phí điều trị chắc chắn sẽ còn tăng lên, áp lực rất lớn đang đè nặng lên gia đình bé. Tương tự như D., cũng thật may, U. có tấm thẻ BHYT HS. Thông tin ban đầu từ cơ quan BHXH cho thấy, quỹ BHYT đã thanh toán trên 81,4 triệu đồng cho trường hợp này. Tấm thẻ BHYT với mã HS sẽ là cứu cánh cho em và cả gia đình các em. Cầu mong những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với cánh tay của cô bé HS ở vùng cao.

Bài: Minh Đức

Đồ họa: Thanh An


Viết bình luận
Chuyện tranh thủ “Cà phê việc làm” ở Vĩnh Long

Chuyện tranh thủ “Cà phê việc làm” ở Vĩnh Long

Thông qua mô hình này, cán bộ BHXH tỉnh Vĩnh Long đã tiếp cận để tư vấn, vận động được nhiều NLĐ bảo lưu thời gian tham gia BHXH hoặc tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện để chờ đủ điều kiện hưởng lương hưu.

Khi công tác BHYT được các nhà trường quan tâm

Khi công tác BHYT được các nhà trường quan tâm

Để SV tuân thủ đúng quy định trong việc tham gia BHYT, nhiều Đảng ủy các trường ĐH ở TP.HCM đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác BHYT HSSV, từ đó đem lại những kết quả tích cực.

Những “sân chơi” bổ ích

Những “sân chơi” bổ ích

Thời gian gần đây, BHXH các địa phương đã liên tiếp tổ chức những “sân chơi” bổ ích dành riêng cho giới trẻ tìm hiểu về chính sách BHXH, BHYT. Hiệu ứng mà các “sân chơi” mang đến cho HSSV là rất lớn…

Thực hiện BHXH, BHYT ở Hậu Giang: Cấp ủy, chính quyền đóng vai trò then chốt (Bài cuối)

Thực hiện BHXH, BHYT ở Hậu Giang: Cấp ủy, chính quyền đóng vai trò then chốt (Bài cuối)

Thời gian qua, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, BHXH tỉnh Hậu Giang đã và đang nỗ lực duy trì bền vững tỷ lệ bao phủ BHXH, BHYT, nhất là tập trung phát triển hiệu quả người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT.