* PV: Trước hết, ông có thể chia sẻ đôi nét khái quát tình hình kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh trong năm 2024? Trong đó, theo ông, đâu là những yếu tố tác động mạnh đến công tác thu và phát triển người tham gia BHXH, BHYT của BHXH tỉnh Bắc Ninh?
- Ông Hồ Minh Thế:
Có thể thấy, các chỉ số phát triển kinh tế của tỉnh Bắc Ninh trong năm 2024 đã khởi sắc hơn rất nhiều so với năm 2023. Cụ thể, tỉnh Bắc Ninh có mức tăng trưởng kinh tế đạt 6,03%, trong khi năm 2023 đạt mức âm (-9,28%). Qua đây có thể thấy, công tác tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT có thuận lợi hơn so với năm 2023, nhưng cũng đan xen nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, số lao động tại các DN lớn trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh tiếp tục giảm, do các đơn vị này đang trong xu hướng thu hẹp sản xuất, không ký được đơn hàng mới, nhiều lao động phải nghỉ việc không lương, hoặc thậm chí thất nghiệp. Một số DN có tăng lao động, nhưng mức tăng cũng không đáng kể.
Cần nói thêm, DN tại tỉnh Bắc Ninh chủ yếu vẫn là các đơn vị sử dụng nhiều lao động, sau thời gian hết ưu đãi đầu tư có xu hướng chuyển đến các địa phương khác có ưu đãi hơn. Do vậy, tựu chung lại, nguồn dư địa để tăng số tham gia BHXH, BHYT tại Bắc Ninh không nhiều, nhất là ở nhóm thuộc diện tham gia tại các đơn vị SDLĐ.
Dù vậy, BHXH tỉnh Bắc Ninh đã nỗ lực vượt qua khó khăn, bằng việc triển khai đồng bộ và quyết liệt các giải pháp. Kết thúc năm 2024, BHXH tỉnh vẫn cơ bản đạt chỉ tiêu kế hoạch được BHXH Việt Nam giao.
Trong đó, số tham gia BHXH bắt buộc là 456.670 người, tăng 2,32% so với năm 2023 và đạt 100,58% kế hoạch; số tham gia BHXH tự nguyện là 24.652 người, tăng 7,83% so với năm 2023 và đạt 101,6% kế hoạch; số tham gia BH thất nghiệp là 441.317 người, tăng 2,07% so với năm 2023 và đạt 100,33% kế hoạch; số tham gia BHYT là trên 1,47 triệu người, tăng 1,71% so với năm 2023, đạt 100,02% kế hoạch và đạt tỷ lệ bao phủ 95,61% dân số.
Đồng thời, tổng số thu BHXH, BHYT toàn tỉnh đạt trên 13.421 tỷ đồng, tương ứng 103,97% kế hoạch; tỷ lệ chậm đóng được duy trì ở mức thấp, chiếm 1,95% so với số phải thu và thấp hơn 0,1% so với chỉ tiêu đặt ra.
* Ngoài những chỉ tiêu, nhiệm vụ mang tính thường xuyên như vừa nêu, năm 2024, BHXH tỉnh Bắc Ninh còn những dấu ấn nổi bật gì, thưa ông?
- Ngoài những chỉ tiêu, nhiệm vụ mang tính thường xuyên trong công tác thu và phát triển người tham gia, BHXH tỉnh Bắc Ninh còn thực hiện rất hiệu quả một số mảng công tác.
Nổi bật là công tác tuyên truyền, vận động người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng qua tài khoản cá nhân (thẻ ATM). Ở thời điểm nửa đầu năm 2024, tỷ lệ người nhận lương hưu qua thẻ ATM tại Bắc Ninh còn khá thấp. Tuy nhiên, đến hết năm, tình hình đã được cải thiện rất tích cực.
Kết quả, đã có có 40.234 người nhận lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng qua tài khoản cá nhân, chiếm 94% tổng số người hưởng trên địa bàn và vượt 213,37% kế hoạch. Bên cạnh đó, toàn bộ 14.086 người nhận BHXH một lần (100%) qua tài khoản cá nhân, vượt 11% kế hoạch; 11.960 người nhận trợ cấp BH thất nghiệp (100%) qua tài khoản cá nhân, vượt 1,1% kế hoạch. Với kết quả này, Bắc Ninh đã lọt top các địa phương có tỷ lệ hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng cao nhất cả nước.
Ngoài ra, BHXH tỉnh cũng đã thực hiện rất tốt các yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra theo Đề án 06, cũng như công tác chuyển đổi số. Theo đó, triển khai đồng bộ, xác thực dữ liệu CCCD đối với 1.3719.43/1.375.770 người tham gia BHXH, BHYT, đạt 99,72% kế hoạch; đã phê duyệt cài đặt ứng dụng VssID cho 684.530 tài khoản.
Cùng với đó, quyền lợi BHXH, BHYT tiếp tục được cơ quan BHXH đảm bảo tốt. Trong năm, đã tiếp nhận và giải quyết 1.016 hồ sơ hưởng BHXH hàng tháng, bằng 109% so với năm 2023. Trong đó gồm 745 hồ sơ hưởng chế độ hưu trí, 18 hồ sơ hưởng trợ cấp tai nạn lao động- bệnh nghề nghiệp, 253 hồ sơ hưởng trợ cấp tuất.
Tiếp nhận và giải quyết 12.499 hồ sơ hưởng trợ cấp một lần, bằng 91,1% so với năm 2023. Trong đó gồm 54 hồ sơ hưởng trợ cấp tai nạn lao động một lần, 720 hồ sơ hưởng trợ cấp tiền tuất một lần, 11.725 hồ sơ hưởng BHXH một lần, 3 hồ sơ hưởng mai táng phí qua dịch vụ công trực tuyến.
Số lượt người được giải quyết chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức và phục hồi sức khỏe là 207.654 lượt người, bằng 111% so với năm 2023. Số lượt người được giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp là 11.041 lượt người, bằng 80% so với năm 2023. Đồng thời, toàn tỉnh có trên 1,68 triệu lượt KCB BHYT, tăng 2,77% so với năm 2023.
Cũng cần nhấn mạnh, Bắc Ninh là tỉnh có số lượng lớn đơn vị SDLĐ và NLĐ tham gia BHXH, BHYT. Quá trình thực hiện các thủ tục hành chính, giải quyết chế độ BHXH, BHYT cho người dân gặp nhiều áp lực. Tuy nhiên, theo khảo sát mới đây, tỷ lệ “rất hài lòng” và “hài lòng” của người dân, DN với cơ quan BHXH đạt trên 85%. Chỉ số này đã khẳng định sự cải thiện trong việc tổ chức thực hiện chính sách và cung cấp dịch vụ công; đội ngũ cán bộ được ghi nhận về tinh thần phục vụ chuyên nghiệp, thái độ thân thiện.
* Nhìn lại năm 2024, đâu là những điểm mới trong công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ của BHXH tỉnh Bắc Ninh, để đạt những kết quả tích cực nói trên, thưa ông?
- Trong năm 2024, một mặt chúng tôi tiếp tục phát huy mạnh mẽ những bài học kinh nghiệm đã có từ các năm trước. Mặt khác, BHXH tỉnh cũng luôn cố gắng để đổi mới công tác truyền thông chính sách BHXH, BHYT theo hướng tiếp cận trực tiếp đến người dân, đơn vị SDLĐ nhiều hơn.
Cụ thể, trong năm vừa qua, chúng tôi tổ chức hội nghị khách hàng, qua đó đã phát triển được 4.204 người tham gia BHXH tự nguyện và 20.900 người tham gia BHYT hộ gia đình. Trong đó, tổ chức 36 hội nghị khách hàng, trong đó đã vận động được 103 người tham gia BHXH tự nguyện và 259 người tham gia BHYT hộ gia đình; tổ chức 694 cuộc tuyên truyền nhóm nhỏ, trong đó đã vận động được 1.505 người tham gia BHXH tự nguyện và 6.432 người tham gia BHYT hộ gia đình. Bằng các giải pháp khác, cơ quan BHXH trên địa bàn cũng đã vận động được 2.596 người tham gia BHXH tự nguyện và 14.209 người tham gia BHYT hộ gia đình.
Phối hợp với các tổ chức dịch vụ thu và UBND xã, phường, thị trấn tổ chức 45 hội nghị tuyên truyền, phổ biến chính sách BHXH, BHYT tới 2.724 người dân, DN; 120 cuộc tuyên truyền nhóm nhỏ; 60 hoạt động lồng ghép tuyên truyền tới người dân và lao động tự do trên địa bàn toàn tỉnh.
Phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo chí ở địa phương sản xuất và phát sóng 24 phóng sự chuyên đề trên sóng truyền hình, 12 chuyên mục trên sóng phát thanh, 24 chuyên mục về kết quả nổi bật của cơ quan BHXH. Hàng tháng, công khai danh sách đơn vị chậm đóng BHXH, BHYT từ 3 tháng trở lên, đăng tải 24 tin/bài viết trên Cổng Thông tin điện tử tỉnh Bắc Ninh. Phát thanh 11.538 lượt bài tuyên truyền. Biên tập, đăng tải 983 tin/bài, văn bản, inforgraphic, video lên Cổng Thông tin điện tử BHXH tỉnh; 377 bài trên Fanpage, Zalo BHXH tỉnh…
Phối hợp với Sở LĐ-TB&XH, LĐLĐ tỉnh và BQL các KCN tổ chức Hội nghị đối thoại, tư vấn, hỗ trợ, giải đáp chính sách BHXH, BHYT tới NLĐ trong các DN trên địa bàn thành phố Bắc Ninh với trên 90 DN và tổng số 147 người tham dự.
Duy trì tương tác với người tham gia BHXH, BHYT trên tất cả các kênh: Tổng đài điện thoại, Cổng Thông tin điện tử, Fanpage, Zalo, email, tổ chức dịch vụ thu, bộ phận dịch vụ hỗ trợ chăm sóc khách hàng… Đồng thời, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của người tham gia; những bất cập trong công tác phối hợp tổ chức thực hiện giữa các đơn vị trong cơ quan, những bất cập trong chế độ, chính sách, pháp luật BHXH, BHYT… để kịp thời tham mưu, đề xuất phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo cơ quan. Năm 2024, đã tiếp nhận và xử lý 1.774 câu hỏi và lượt tương tác.
* Với năm 2025, BHXH tỉnh Bắc Ninh sẽ có định hướng như thế nào để tiếp tục tổ chức thực hiện hiệu quả chính sách, pháp luật BHXH, BHYT?
- Ngay từ đầu năm, BHXH tỉnh Bắc Ninh sẽ tiếp tục chỉ đạo tập trung vào các chỉ tiêu, nhiệm vụ thường xuyên, nhất là chỉ tiêu công tác thu, phát triển người tham gia BHXH, BHYT.
Tiếp tục tham mưu cho cấp ủy, chính quyền đưa chỉ tiêu giao thực hiện BHXH, BH thất nghiệp vào kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương hàng năm, gắn kết quả hoàn thành chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình vào kết quả hoàn thành nhiệm vụ của các cấp chính quyền; phối hợp với các sở, ngành liên quan đề xuất chính sách hỗ trợ kinh phí tham gia BHXH, BHYT cho các nhóm người mới và các nhóm hết thời hạn được hỗ trợ; đôn đốc thu, giảm tiền chậm đóng.
Tăng cường phối hợp với các cấp, các ngành triển khai đồng bộ các giải pháp; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất, kịp thời xử lý các hành vi vi phạm, xử lý các trường hợp chấp hành chưa nghiêm, đặc biệt là những đơn vị có số lao động lớn, những cơ sở gia tăng bất thường chi phí KCB BHYT… để đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHXH, BHYT.
Giải quyết, chi trả các chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp kịp thời,
đầy đủ, đúng chế độ, đúng người thụ hưởng. Tăng cường quản lý các hoạt động KCB BHYT để hạn chế, ngăn chặn lạm dụng quỹ BHYT, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người tham gia.
Qua khảo sát, chúng tôi thấy rằng, người dân và DN tại Bắc Ninh hài lòng với chất lượng dịch vụ, nhưng vẫn kỳ vọng vào cải tiến về tốc độ xử lý thủ tục hành chính. Cơ quan BHXH cũng được đánh giá là đã có nhiều nỗ lực trong truyền thông qua các kênh, dù vậy cần nhắm đến nhóm đối tượng cụ thể hơn, đặc biệt là nhóm lao động tự do.
Trên cơ sở các chỉ số đo lường được, BHXH tỉnh đã xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp để tiếp tục nâng cao chỉ số hài lòng. Theo đó, sẽ chú trọng cải tiến quy trình hành chính, tăng tốc xử lý hồ sơ, giảm thiểu thời gian chờ đợi; phát triển hệ thống hỗ trợ trực tuyến 24/7; đẩy mạnh chiến dịch truyền thông về quyền lợi BHXH, BHYT; sử dụng các nền tảng số như mạng xã hội, ứng dụng di động để phổ biến thông tin…
Đồng thời, tiếp tục đổi mới, đa dạng nội dung, hình thức, phương pháp truyền thông để người dân có thể tiếp cận tốt nhất mọi thông tin về BHXH, BHYT; tập trung giải pháp tuyên truyền phát triển người tham gia BHXH, BHYT trên môi trường số.
* Trân trọng cảm ơn ơn ông!
Thực hiện: Minh Đức
Trình bày: Hà Hùng