Về xã Long Sơn (huyện Cầu Ngang, Trà Vinh), nghe câu chuyện của ông Huỳnh Cư (sinh năm 1948), chúng tôi mới thấy được nghĩa vợ chồng thật là cao cả.
Ngoài thu nhập từ làm thuê, do là thương binh hạng 4/4, nên ông được Nhà nước trợ cấp tiền hàng tháng và được cấp thẻ BHYT để KCB. Khi được cán bộ BHXH huyện Cầu Ngang đến tư vấn, tuyên truyền về các lợi ích và tính nhân văn của chính sách BHXH tự nguyện, tuy hoàn cảnh kinh tế gia đình không dư dả, nhưng do hiểu được lợi ích của chính sách, ông Cư đã đồng ý tham gia BHXH tự nguyện ngay cho vợ mình là bà Thạch Thị Thương. Theo đó, hàng tháng, ông trích từ tiền đi làm thuê và phần trợ cấp thương binh của mình để đóng BHXH tự nguyện cho vợ (từ tháng 9/2019- 9/2023).
Do tuổi cũng khá cao, công việc vất vả và lại một thương binh, nên sức khỏe yếu, đến tháng 4/2024, ông Cư qua đời.
Chia sẻ câu chuyện cảm động về nghĩa vợ- chồng, cũng như tấm lòng cao cả của cha mình, chị Huỳnh Thị Pha- con gái ông Cự kể với chúng tôi: “Trước khi mất, cha vẫn dặn mẹ và các con, ráng giữ sổ BHXH lại để dành lo cho mẹ sau này!”. Thực hiện tâm nguyện của cha mình, cũng như nhận thấy được lợi ích của chính sách BHXH tự nguyện, các con ông sau nhiều lần cân nhắc đã quyết định không rút BHXH một lần mà tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện cho mẹ, với mong muốn sau này mẹ mình có lương hưu, để tuổi già đỡ cơ cực.
Thế nhưng, thật không may vào tháng 8/2024, bà Thương cũng qua đời. Sau khi lo hậu sự cho mẹ xong, chị Pha mang sổ BHXH của bà Thương đến BHXH huyện Cầu Ngang làm thủ tục hưởng chế độ trợ cấp tuất một lần và trợ cấp mai táng theo quy định. Sau khi tiếp nhận, hồ sơ của bà Thương có quá trình tham gia BHXH tự nguyện là hơn 5 năm nên thân nhân của bà Thương (chị Pha là người đại diện) đủ điều kiện hưởng 2 chế độ trợ cấp tuất một lần và trợ cấp mai táng. Hồ sơ của bà Thương khi được phê duyệt, thân nhân của bà nhận được tổng số hơn 34 triệu đồng.
Một lãnh đạo của BHXH huyện Cầu Ngang chia sẻ: “Chính sách BHXH tự nguyện thực sự có ý nghĩa rất lớn, góp phần đảm bảo an sinh xã hội cho những NLĐ tự do, giảm bớt khó khăn, rủi ro khi về già, giúp bảo đảm thu nhập, ổn định cuộc sống cho mỗi người khi hết tuổi lao động. Vì vậy, mỗi người dân, NLĐ tự do hãy tích cực tham gia BHXH tự nguyện để góp phần giảm gánh nặng cho người thân và đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương. Trường hợp của gia đình chị Pha không chỉ dừng lại ở vật chất, mà còn thể hiện tình thương yêu cao cả, thông qua một món quà với mong ước về sự an sinh.
Về Trà Vinh, chúng tôi còn được nghe thêm câu chuyện về tình mẫu tử thông qua món quà là cuốn sổ BHXH tự nguyện. Chúng tôi thực sự bất ngờ khi gặp được người phụ nữ quyết định tham gia BHXH tự nguyện cho con trai từ khi con của bà mới học lớp 12. Đó là bà Nguyễn Thị Bạch Vân (56 tuổi, ở Khóm 1, Khu 1, TP.Trà Vinh). Cầm trên tay 2 cuốn sổ BHXH, bà Vân cho biết, bà làm nghề kinh doanh tự do, rồi tham gia công tác tại Hội phụ nữ. Bà rất hiểu về lợi ích của chính sách BHXH tự nguyện, vì thế, năm 2021 bà quyết định tham gia. Ngoài bản thân, bà còn đăng ký tham gia cho con trai sinh năm 2000 để thời gian đóng được ghi nhận sớm hơn. “Tôi đóng BHXH cho con khi 18 tuổi, đến khi con đi làm cũng đã có một thời gian tham gia chính sách. Đây cũng là món quà nhỏ của một bà mẹ nghèo dành cho con trai thân yêu, là “của để dành” của tôi dành cho đứa con yêu quý của mình.”- bà Vân tâm đắc nói.
Cầm cuốn sổ BHXH trên tay, anh Lâm Thành Phước, con trai bà Vân cảm động: “Em làm công việc tự do, thu nhập tạm đủ lo cho cuộc sống và hỗ trợ một phần cho gia đình. Qua tư vấn của cán bộ BHXH và Bưu điện tỉnh Trà Vinh, vào năm 2022, mẹ đã quyết định tham gia chính sách BHXH tự nguyện để lo tương lai cho em. Em thật hạnh phúc. Giờ đây, mỗi tháng em trích ra một khoản nhỏ, cùng với sự hỗ trợ của mẹ đóng BHXH tự nguyện. Em thấy yên tâm với tương lai của mình hơn”.
Nói về việc lan tỏa chính sách BHXH tự nguyện, BHYT trên địa bàn, lãnh đạo Bưu điện tỉnh Trà Vinh cho biết, trước đây việc tuyên truyền chính sách của các nhân viên Bưu điện Trà Vinh chủ yếu là phát tờ rơi, nên hiệu quả rất thấp. Với định hướng từ cơ quan BHXH, sau này Bưu điện tỉnh đã tổ chức hội nghị tuyên truyền, tuyên truyền nhóm nhỏ, mời bà con, trong đó có cả đồng bào Khơ-me đến trực tiếp để tư vấn được cặn kẽ, cụ thể về quyền lợi khi tham gia chính sách, tạo sự yên tâm cho bà con. Vì thế, nhiều người dân đã quyết định tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình ngay tại Hội nghị. Sau khi tham gia, hiểu rõ tính ưu việt của chính sách, bà con tiếp tục là cầu nối, tư vấn cho người thân, hàng xóm, bạn bè tiếp tục tham gia.
Bà Nguyễn Thị Đan Thương- Giám đốc BHXH tỉnh cho biết: Năm 2024, toàn tỉnh đã phát triển được gần 23.000 người tham gia BHXH tự nguyện; gần 980.000 người tham gia BHYT, chiếm khoảng 96% dân số toàn tỉnh, vượt chỉ tiêu theo Quyết định số 546/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Để đạt được những kết quả khả quan trên, BHXH tỉnh Trà Vinh đã triển khai đồng bộ các giải pháp có hiệu quả. Đặc biệt, đã chủ động triển khai và đề nghị các tổ chức dịch vụ thu quyết liệt trong công tác tuyên truyền, vận động, thực hiện thường xuyên, liên tục. Hình thức tuyên truyền không chỉ dừng lại ở việc phát tờ rơi mà mở rộng qua hình thức phát loa được thiết kế bằng các mẩu hội thoại thu hút người nghe, thuyết trình qua các hội thảo, tư vấn nhóm hay tư vấn 1-1, tạo được sự chuyển biến lớn về nhận thức trong cộng đồng dân cư và ý thức trách nhiệm của mỗi cấp, mỗi ngành, thấy được trách nhiệm thực hiện BHXH, BHYT toàn dân gắn với các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của từng địa phương. “Chúng tôi huy động tối đa nhân lực để “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, rà soát đối tượng khách hàng tiềm năng, phủ kín địa bàn, tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT. Đây cũng là hành trang quan trọng để để chúng tôi vững tâm thực hiện tốt nhiệm vụ năm 2025”- bà Nguyễn Thị Đan Thương chia sẻ.
Thực hiện: Phạm Lê
Trình bày: Hà Hùng