Sau hơn 8 năm làm việc tại Công ty TNHH Việt Nhật, tháng 5/2024, anh Trần Đắc An (phường Hương An, TP.Huế) quyết định nghỉ việc và làm thủ tục để nhận trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm DVVL tỉnh, sau đó dự định sẽ hoàn tất các thủ tục để nhận khoản tiền BHXH một lần, lấy vốn kinh doanh.
Tuy nhiên, sau khi tham gia cuộc đối thoại với cơ quan BHXH tỉnh, anh An đã đổi ý, quyết định bảo lưu quá trình tham gia BHXH để sau này có cơ hội nhận lương hưu. “Cán bộ của Trung tâm DVVL đã tư vấn, phân tích và vận động tôi nên bảo lưu quá trình tham gia BHXH để sau này đi làm lại sẽ tiếp tục tham gia, nhưng vì nhiều lý do nên tôi đang lưỡng lự. Tuy vậy, sau nhiều lần được phân tích về những thiệt thòi nếu nhận BHXH một lần và những lợi ích của việc hưởng lương hưu…, tôi đã hiểu rõ và quyết định ở lại hệ thống an sinh”- anh An chia sẻ.
Không giống anh An, 2 vợ chồng làm nghề ép dầu lạc thủ công, nguồn thu nhập chủ yếu dựa vào nguồn khách đến ép dầu nhiều hay ít, nên chị Dương Thị Lan (phường Hương Văn, TX.Hương Trà) luôn lo lắng sau này khi hết tuổi lao động và nguồn khách ít đi thì lấy gì để mưu sinh, chưa kể những lúc trái gió trở trời…
Trong một lần đến ép dầu lạc, chị Nguyễn Thị Hạnh (nhân viên đại lý thu BHXH ở TX.Hương Trà) đã hỏi chuyện, rồi tư vấn, giới thiệu các chính sách BHXH tự nguyện và vận động chị Lan tham gia để sau này có lương hưu yên tâm an hưởng tuổi già. “Qua 2 lần vận động, chị Lan vẫn chưa đồng ý vì sợ “bị lừa”- như những người trong tổ khi mua các loại hình bảo hiểm thương mại, có khi đã tham gia 10 năm, 20 năm và không theo nổi, đành bỏ cuộc giữa chừng; rồi lại lo không đủ tiền để đóng đến 15 năm và lý do quan trọng nữa là sợ bản thân khi gặp rủi ro, bệnh tật thì… mất hết số tiền đã đóng?! Thế rồi, qua tư vấn, giải thích và đưa ra các tình huống, các mức đóng phù hợp với mức thu nhập hằng ngày, giới thiệu mức hưởng sau khi đến tuổi hưu kèm chính sách tặng thẻ BHYT nên đến lần thứ 3, chị Lan đã xuôi, đăng ký tham gia BHXH tự nguyện cho cả 2 vợ chồng”- chị Hạnh chia sẻ.
Sau khi nghe nhân viên đại lý thu BHXH, BHYT phân tích có lý có tình về cách “bỏ ống” để tham gia BHXH tự nguyện, anh Phan Đình Dũng (phường Hương Sơ, TP.Huế) đã quyết định tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình cho cả 2 vợ chồng. Đến nay, 2 vợ chồng anh đã tham gia được hơn 4 năm. “Nghĩ đến việc người làm thợ hồ như chúng tôi sau này cũng có lương hưu, lại còn được cấp thẻ BHYT miễn phí, khi “trăm tuổi” còn có chế độ tử tuất không phiền hà đến con cháu, tôi thấy vui và yên tâm làm việc. Thôi thì có bao nhiêu tiền rồi tiêu cũng hết, xem như mình để dành một khoản nhỏ cho tuổi già bớt phiền lụy đến con, cháu”- anh Dũng nói.
Hơn 10 năm làm nhân viên thu BHXH, BHYT ở khu vực TP.Huế, chị Đồng Thị Nga (nhân viên thu của Công ty CP Đào tạo Bảo hiểm An Sinh Thừa Thiên Huế) cho rằng, để thu hút người dân tham gia BHXH tự nguyện, ngoài kinh nghiệm tuyên truyền, phổ biến chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, nhân viên thu còn linh hoạt trong cách đóng nhằm tạo điều kiện cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, thu nhập không ổn định vẫn có thể tham gia với mục đích vừa gia tăng số người tham gia, đồng thời vừa giúp NLĐ tự do ổn định cuộc sống khi hết tuổi lao động. Đặc biệt, để người dân tự nguyện tham gia các loại hình bảo hiểm, bản thân các nhân viên thu phải tự nghiên cứu, đưa ra nhiều phương pháp tuyên truyền theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”; giới thiệu các “quả ngọt” sau thời gian tham gia BHXH tự nguyện bằng hình ảnh “người thật, việc thật” để người dân tin tưởng tham gia…
Phong Điền là một trong những địa phương luôn vượt chỉ tiêu giao về phát triển BHXH, BHYT. Có được kết quả này là do UBND huyện đã đưa BHXH, BHYT vào chỉ tiêu phát triển kinh tế- xã hội hằng năm của địa phương; rà soát thực tế đối tượng tham gia BHXH, BHYT để giao cho UBND từng xã. Đặc biệt, BCĐ thực hiện chính sách BHXH, BHYT của huyện đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên; hằng tháng, hằng quý đều sát sao kiểm tra, đánh giá, chỉ đạo, đề ra các giải pháp phù hợp.
Theo ông Hoàng Văn Thái- Phó Chủ tịch UBND huyện, huyện xác định để công tác BHXH, BHYT đạt hiệu quả cao cần sự vào cuộc của các cấp uỷ đảng, sự điều hành quyết liệt của chính quyền địa phương; sự phối hợp “đồng điệu” của các ban, ngành, đoàn thể. Đến nay, chính sách BHYT đã “ăn sâu” vào tâm thức người dân. Toàn huyện đã đạt trên 99% dân số tham gia BHYT.
Còn chính sách BHXH tự nguyện mới triển khai những năm gần đây, người dân đã nhận biết được tính ưu việt, nhưng do thời gian đóng nhiều năm nên vẫn phải tuyên truyền mạnh; phải đi từng ngõ, vào từng nhà; các đoàn thể vừa gắn kết phong trào thi đua thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn với tuyên truyền phát triển người tham gia BHXH tự nguyện… “Với BHXH bắt buộc, ngoài trách nhiệm của cơ quan BHXH thì chúng tôi thành lập các tổ liên ngành đi kiểm tra một số cơ quan đơn vị có SDLĐ; với những đơn vị chậm trễ đóng nộp, chúng tôi vừa kiểm tra, vừa đốc thúc tuyên truyền DN thực hiện tốt chính sách pháp luật; các đợt cao điểm cũng tổ chức các đoàn ra quân tuyên truyền thực hiện chính sách BHXH, BHYT”- ông Thái khẳng định.
Cũng theo ông Hoàng Văn Thái, khi phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT hay thực hiện chính sách, mọi người thường nghĩ đó là trách nhiệm của cơ quan BHXH, nhưng thực tế đây là chính sách an sinh xã hội, rất nhân văn, có tác dụng lâu dài, vì vậy, nếu chỉ riêng cơ quan BHXH thực hiện rất khó thành công. BHXH huyện đã thường xuyên tham mưu, đề xuất để cấp ủy, chính quyền địa phương vào cuộc. Thực tế cho thấy, phải có sự chỉ đạo từ cấp uỷ, chính quyền địa phương, sự điều hành, tham mưu tích cực, sự phối hợp chặt chẽ của các ngành đoàn thể… thì công tác BHXH, BHYT mới thực sự hiệu quả.
Hiện nay, số người tham gia BHYT tại Thừa Thiên Huế đã tiệm cận mục tiêu toàn dân, song số người tham gia BHXH vẫn còn hạn chế. Vì vậy, để bao phủ BHXH đến mọi NLĐ, BHXH tỉnh tiếp tục phối hợp với các ngành, tổ chức, đoàn thể thực hiện tốt chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia. Đồng thời, không ngừng mở rộng, nâng cao hiệu quả hoạt động các đại lý thu, hướng tới xây dựng hệ thống đại lý và nhân viên đại lý chuyên nghiệp, năng động. Trong đó, kịp thời nêu gương những gia đình có nhiều người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình; khen thưởng những tập thể, đại lý, cá nhân có sáng kiến, cách làm tốt trong công tác tuyên truyền, vận động được nhiều người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, tạo hiệu ứng lan tỏa, lâu dài.
Bên cạnh đó, BHXH tỉnh Thừa Thiên Huế chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền ban hành các nghị quyết, chương trình hành động thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; đưa chỉ tiêu, kế hoạch thực hiện lộ trình vào nghị quyết, chương trình phát triển kinh tế- xã hội của địa phương; thành lập, kiện toàn BCĐ thực hiện chính sách BHXH, BHYT các cấp; triển khai các chính sách hỗ trợ mua thẻ BHYT, đóng BHXH tự nguyện cho các đối tượng thuộc hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách, đồng bào DTTS… Đồng thời, phối hợp với các sở, ngành liên quan trong việc phát triển người tham gia BHXH, BHYT; tăng cường công tác thanh kiểm tra, ngăn chặn và xử lý các hành vi lạm dụng, trục lợi quỹ BHXH, BHYT…
Thực hiện: Vũ Thu
Trình bày: Hà Hùng