Nhiều người dân xứ Lạng yên tâm tuổi xế chiều
Thứ Sáu, ngày 27/10/2023 19:00
ASXHPortalView

Nhiều người dân xứ Lạng yên tâm tuổi xế chiều

Shared facebook
Thứ Sáu, ngày 27/10/2023 10:11

Trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có nhiều người đã tin tưởng và tích cực tham gia BHXH tự nguyện. Đối với họ, khi đã ở cái tuổi xế chiều, lương hưu và tấm thẻ BHYT chính là “tấm bùa hộ mệnh” vững chắc nhất.

Ông Vy Văn Tông (sinh năm 1961, xã Tân Liên, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn) nguyên là cán bộ Trạm Y tế xã Công Sơn. Khi đến tuổi nghỉ hưu, ông Tông đã có 19 năm 6 tháng tham gia BHXH bắt buộc. Sau đó, nhờ được tư vấn, ông quyết định tham gia tiếp BHXH tự nguyện thêm 6 tháng nữa cho đủ 20 năm để đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định của Luật BHXH.

Người dân xã Yên Trạch (huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn) đăng ký tham gia BHXH tự nguyện

“Nhờ được cán bộ BHXH tư vấn đóng nối thời gian còn thiếu, hiện nay tôi được Nhà nước chi trả mức lương hưu trên 2,7 triệu đồng mỗi tháng. Số tiền tuy không nhiều nhưng ổn định, giúp tôi trang trải cuộc sống, chủ động về kinh tế, không phải phụ thuộc vào con cháu trong sinh hoạt hằng ngày. Ngoài ra, tôi còn được cấp thẻ BHYT miễn phí, nên dù bản thân mắc một số bệnh mãn tính, nhưng tôi không phải lo lắng nhiều về chi phí KCB”- ông Tông chia sẻ.

Có thu nhập ổn định từ một số công việc đang làm hằng ngày, nhưng chị Đỗ Thị Hiền (sinh năm 1987, xã Hoàng Đồng, TP.Lạng Sơn) đã sớm nhận thức được những rủi ro có thể ập đến với mình sau này, nhất là khi hết tuổi lao động hoặc không còn khả năng lao động. Qua tìm hiểu trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng như được cán bộ BHXH tư vấn thêm, chị Hiền đã quyết định tham gia BHXH tự nguyện, coi đó như một khoản dự phòng cho tương lai.

Được biết, chị Hiền đăng ký tham gia BHXH tự nguyện từ năm 2009; đồng thời tham gia BHYT hộ gia đình từ năm 2003. “Cuộc sống tương lai không ai biết trước được điều gì, có thể sẽ có nhiều biến cố xảy ra không lường trước được, bản thân tôi đến lúc về già cũng không muốn phải phụ thuộc vào con cháu hay trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội, nên tôi đã lựa chọn tham gia BHXH tự nguyện từ sớm để sau này có lương hưu và thẻ BHYT, tự chăm lo được cho bản thân”- chị Hiền trải lòng.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Hữu Quang- Phó Giám đốc BHXH tỉnh Lạng Sơn cho biết, nhiều năm qua tuy gặp khó khăn, nhưng công tác phát triển BHXH tự nguyện trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã đạt được những kết quả nhất định. Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 66.524 người tham gia BHXH, bằng 20,1% lực lượng lao động trong độ tuổi. Trong đó, nông dân và lao động phi chính thức có 12.996 người tham gia, vượt 1,4% so với mục tiêu giai đoạn đến năm 2025 tại Nghị quyết số 28-NQ/TW. Nếu tính thêm trên 61.498 NLĐ của tỉnh làm việc ở tỉnh khác, tỷ lệ NLĐ tham gia BHXH bằng 38,7% lực lượng lao động trong độ tuổi.

Để đạt được kết quả này, BHXH tỉnh Lạng Sơn đã triển khai nhiều giải pháp, đặc biệt là sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, đơn vị, đoàn thể. Từ đó, nhận thức của người dân đối với chính sách BHXH tự nguyện được nâng lên rõ rệt. Thời gian tới, BHXH tỉnh Lạng Sơn sẽ tiếp tục đổi mới, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền; tăng cường kiện toàn, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng nghiệp vụ phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện cho các tổ chức dịch vụ thu; đồng thời phối hợp chặt chẽ với các ban ngành, đoàn thể tuyên truyền, vận động người tham gia BHXH tự nguyện.

Có thể thấy, BHXH chính là trụ cột an sinh xã hội, nhằm hỗ trợ NLĐ yên tâm và ổn định cuộc sống. Trong đó, chính sách BHXH tự nguyện có ý nghĩa rất sâu sắc đối với những NLĐ tự do, có thu nhập thấp hoặc thu nhập không ổn định. Với nhóm này, việc tham gia BHXH tự nguyện giúp họ có được điểm tựa vững chắc khi về già, để tuổi xế chiều vơi đi những nỗi lo thường nhật và tự chủ hơn trong cuộc sống.

Hoàng Thùy


Viết bình luận


ASXHPortalBoxRight
ASXHPortalBoxRight
ASXHPortalBoxRight
ASXHPortalFooter
Phần mềm CMS liên hệ 0903234444