- Qua 8 năm thi hành, Luật BHXH năm 2014 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2016) đã khẳng định tính đúng đắn của chính sách, chế độ BHXH theo nguyên tắc đóng- hưởng, đáp ứng nguyện vọng của NLĐ và góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện Luật BHXH năm 2014 cũng bộc lộ những hạn chế, bất cập, như: Diện bao phủ đối tượng tham gia và thụ hưởng BHXH còn thấp so với tiềm năng; tính tuân thủ pháp luật về BHXH chưa cao, tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH còn xảy ra ở nhiều địa phương, DN; chính sách BHXH tự nguyện chưa thực sự hấp dẫn đông đảo người dân; một số quy định không còn phù hợp với bối cảnh, điều kiện thực tiễn hiện nay; tỷ lệ người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp xã hội hằng tháng mới đạt khoảng 35% tổng số người sau độ tuổi nghỉ hưu là còn thấp; tỷ lệ người hưởng chế độ BHXH một lần vẫn gia tăng… Đặc biệt, trong những tình huống mới như đại dịch COVID-19 thì một số nội dung của Luật BHXH 2014 không còn phù hợp. Vì vậy, việc Quốc hội quyết định sửa đổi Luật là một yêu cầu thiết thực, tất yếu.
Cùng với đó, Hội nghị lần thứ bảy BCH Trung ương khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 về cải cách chính sách BHXH, với mục tiêu cải cách chính sách BHXH để BHXH thực sự là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ BHXH, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân; Phát triển hệ thống BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại và hội nhập quốc tế theo nguyên tắc đóng- hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững; Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và phát triển hệ thống thực hiện chính sách BHXH tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, tin cậy và minh bạch.
Việc thể chế hóa các quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về BHXH tại Nghị quyết số 28-NQ/TW cần được triển khai thông qua việc sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản luật liên quan phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế- xã hội của đất nước, trong đó có Luật BHXH.
Là cơ quan thuộc Chính phủ, được Chính phủ giao tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BHXH Việt Nam đã tập trung nghiên cứu, đúc kết thực tiễn, phát huy tinh thần trách nhiệm trong suốt quá trình xây dựng Luật BHXH (sửa đổi). Những báo cáo, ý kiến, nội dung mà BHXH Việt Nam tham gia, đề xuất từ thực tiễn đã đóng góp tích cực cho cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung Luật BHXH lần này.
PV: Ngày 29/6/2024, Luật BHXH (sửa đổi) gồm 11 Chương, 141 Điều đã được Quốc hội thông qua. Ông có thể cho biết, đâu là những điểm mới nổi trội, đáng chú ý của Luật?
- Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Lê Hùng Sơn:
So với Luật BHXH 2014, Luật BHXH (sửa đổi) có nhiều thay đổi hướng tới các mục tiêu lớn như: Mở rộng đối tượng tham gia; gia tăng quyền, lợi ích trong thụ hưởng chính sách để thu hút NLĐ tham gia BHXH, bảo đảm an sinh xã hội lâu dài đối với người dân; sửa đổi căn bản các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn triển khai thực hiện Luật BHXH 2014; tăng cường chế tài xử lý hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH. Luật này có 9 nhóm điểm mới so với Luật BHXH 2014.
Thứ nhất, về quy định chế độ trợ cấp hưu trí xã hội do NSNN bảo đảm (Điều 21 đến Điều 24). Theo đó, công dân Việt Nam được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ đủ 75 tuổi trở lên; không hưởng lương hưu hoặc trợ cấp BHXH hằng tháng, trừ trường hợp khác theo quy định của Chính phủ; có văn bản đề nghị hưởng trợ cấp hưu trí xã hội. Công dân Việt Nam từ đủ 70 tuổi đến dưới 75 tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và đáp ứng đủ điều kiện trên thì được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.
Thứ hai, thể hiện liên kết tầng trong hệ thống BHXH bằng việc quy định chế độ trợ cấp hằng tháng cho thời gian trước khi đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội. Trong thời gian hưởng trợ cấp này, được hưởng BHYT do NSNN đóng.
Thứ ba, mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với chủ hộ kinh doanh; người quản lý DN, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của DN tại công ty và công ty mẹ theo Luật DN; thành viên HĐQT, Tổng Giám đốc, Giám đốc, thành viên Ban Kiểm soát hoặc kiểm soát viên và các chức danh quản lý khác được bầu của HTX, liên hiệp HTX theo quy định của Luật HTX không hưởng tiền lương; NLĐ làm việc không trọn thời gian, có tiền lương trong tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc thấp nhất; trường hợp NLĐ và người SDLĐ thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên... Bên cạnh đó, Luật quy định giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc tham gia BHXH bắt buộc đối với đối tượng khác mà có việc làm, thu nhập ổn định, thường xuyên trên cơ sở đề xuất của Chính phủ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế- xã hội từng thời kỳ.
Thứ tư, mở rộng quyền lợi cho người tham gia BHXH như giảm điều kiện về số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu hằng tháng; người tham gia BHXH tự nguyện được hưởng trợ cấp thai sản. Cụ thể, Luật quy định NLĐ đủ tuổi nghỉ hưu mà có thời gian đóng BHXH từ đủ 15 năm trở lên được hưởng lương hưu hằng tháng; quy định việc tính mức lương hưu hằng tháng của NLĐ đủ điều kiện hưởng lương hưu mà có thời gian đóng BHXH theo quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên…
Luật BHXH (sửa đổi) bổ sung chế độ thai sản vào chính sách BHXH tự nguyện. Theo đó, NLĐ tham gia BHXH tự nguyện (bao gồm cả lao động nam) khi sinh con nếu đáp ứng đủ điều kiện (đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con) thì được hưởng trợ cấp bằng 2 triệu đồng cho mỗi con được sinh ra; hoặc mỗi thai từ 22 tuần tuổi trở lên chết trong tử cung, thai chết trong khi chuyển dạ. Kinh phí thực hiện trợ cấp này do NSNN bảo đảm và Chính phủ quyết định điều chỉnh mức trợ cấp thai sản phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế- xã hội và khả năng của NSNN từng thời kỳ.
Thứ năm, dành riêng một chương để quy định quản lý thu, đóng BHXH; làm rõ nội hàm và việc xử lý hành vi chậm đóng và hành vi trốn đóng BHXH. Theo đó, quy định trách nhiệm của các cơ quan trong xác định và quản lý đối tượng thuộc diện tham gia BHXH; sửa đổi, bổ sung nhiều biện pháp, chế tài xử lý tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH. Riêng đối với hành vi trốn đóng còn có biện pháp mạnh là truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, bổ sung trách nhiệm của người SDLĐ phải bồi thường cho NLĐ nếu không tham gia hoặc tham gia BHXH bắt buộc không đầy đủ, không kịp thời, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của NLĐ.
Thứ sáu, quy định cụ thể về “mức tham chiếu” thay cho “mức lương cơ sở”.
Thứ bảy, quy định cụ thể hơn về đầu tư và quản lý quỹ BHXH; việc duyệt, thẩm định, phê chuẩn quyết toán chi tổ chức và hoạt động BHXH.
Thứ tám, đơn giản hóa TTHC về BHXH, giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH và về đánh giá sự hài lòng của người dân đối với việc tổ chức thực hiện chính sách, chế độ BHXH.
Thứ chín, bổ sung quy định về hợp tác quốc tế và quy định rõ hơn trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Tài chính.
Một trong những đổi mới quan trọng của Luật BHXH 2024 là sửa đổi quy định hưởng BHXH một lần theo hướng gia tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn, khuyến khích NLĐ bảo lưu thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu thay vì nhận BHXH một lần, như: Điều kiện hưởng lương hưu dễ dàng hơn (giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu từ 20 năm xuống 15 năm); được hưởng trợ cấp hằng tháng và được NSNN đóng BHYT trong trường hợp có thời gian đóng BHXH không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội; tăng mức trợ cấp một lần khi nghỉ hưu bằng 2 tháng lương bình quân đóng BHXH (hiện nay là 0,5 tháng) cho mỗi năm đóng BHXH sau độ tuổi nghỉ hưu cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75%.
Quy định cụ thể để thể chế hoá nội dung tại Nghị quyết về việc hưởng BHXH một lần là đối với NLĐ có thời gian đóng BHXH trước ngày Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực thi hành, sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm, có nhu cầu thì được nhận BHXH một lần. Như vậy, đối với nhóm NLĐ bắt đầu tham gia BHXH từ khi Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực trở đi (từ 1/7/2025) sẽ không được nhận BHXH một lần theo điều kiện này (chỉ giải quyết hưởng BHXH một lần trong các trường hợp: Đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ năm đóng BHXH để hưởng lương hưu hoặc ra nước ngoài để định cư hoặc đang mắc một trong những bệnh ung thư, bại liệt, xơ gan mất bù, lao nặng, AIDS hoặc người có mức suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; người khuyết tật đặc biệt nặng).
PV: Nhằm tạo sự đồng thuận, thống nhất trong quá trình tổ chức triển khai Luật BHXH (sửa đổi) đảm bảo quyền lợi an sinh xã hội lâu dài, bền vững cho người dân, BHXH Việt Nam sẽ có kế hoạch truyền thông về Luật BHXH (sửa đổi) như thế nào trong thời gian tới, thưa ông?
- Chúng ta cần tập trung tuyên truyền những nội dung cơ bản như: Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của Luật BHXH (sửa đổi) nhằm gia tăng quyền, lợi ích trong thụ hưởng chính sách, hướng đến mục tiêu an sinh xã hội lâu dài, bền vững; Nội dung mới cơ bản của Luật BHXH (sửa đổi) hoặc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ, bãi bỏ so với Luật BHXH năm 2014 về quyền, lợi ích, trách nhiệm của người dân, cơ quan, tổ chức, DN, trong đó chú trọng vào những điểm mới liên quan đến NLĐ, người SDLĐ, liên quan đến vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, liên quan đến quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan tổ chức thực hiện chính sách... Đồng thời, nhấn mạnh tính nhân văn, ưu việt của Luật BHXH (sửa đổi) so với Luật BHXH 2014; Những quy định mới liên quan đến quy trình, thủ tục tham gia và thụ hưởng chính sách cũng như quy định chuyển tiếp tại Điều 141 của Luật này để đảm bảo quyền lợi liên tục và tạo thuận lơi nhất cho người tham gia, thụ hưởng chính sách..
Để Luật BHXH (sửa đổi) nhanh chóng đi vào cuộc sống, các hình thức truyền thông phải đa dạng phong phú, phù hợp và hiệu quả. Theo đó, cần xây dựng chương trình tổng thể truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng; truyền thông trên các phương tiện truyền thông của Ngành BHXH, môi trường Internet và mạng xã hội; truyền thông trực tiếp qua các hội nghị khách hàng, tư vấn, đối thoại, tại bộ phận “Một cửa” của cơ quan BHXH tỉnh/huyện, trung tâm Hành chính công của UBND các tỉnh, thành phố, các Trung tâm Dịch vụ việc làm của tỉnh; truyền thông lồng ghép tại các buổi sinh hoạt của hội, đoàn thể, các cuộc họp Chi bộ, họp Tổ dân phố, điểm chi trả lương hưu hoặc các hoạt động văn hóa theo tập tục, tập quán từng địa phương…
BHXH các tỉnh, thành phố chủ động báo cáo cấp ủy, chính quyền, BCĐ thực hiện chính sách BHXH, BHYT; phối hợp với các sở, ban, ngành, các cơ quan thông tấn, báo chí tại địa phương và các đơn vị có liên quan tăng cường các hoạt động truyền thông Luật BHXH (sửa đổi); có kịch bản truyền thông phù hợp với đặc điểm tình hình, diễn biến thực tế của địa phương. Tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác truyền thông Luật BHXH (sửa đổi). Chú trọng đẩy mạnh sản xuất, đăng tải tin, bài trên Cổng TTĐT, Tạp chí BHXH, Fanpage Facebook, Zalo OA,… của BHXH tỉnh, UBND và các sở, ngành liên quan; hệ thống loa truyền thanh cơ sở. Đồng thời, phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh, Thành ủy cung cấp, định hướng thông tin truyền thông Luật BHXH (sửa đổi) cho đội ngũ báo cáo viên các cấp và các cơ quan báo chí trên địa bàn…
PV: Trân trọng cảm ơn Phó Tổng Giám đốc!
Lệ Yến (Thực hiện)
Đồ họa: Hiểu Thanh
Quyền được hưởng an sinh xã hội mà trụ cột là chính sách BHXH, BHYT là một trong những quyền cơ bản của công dân Việt Nam. Bên cạnh quyền, việc tham gia BHYT, BHXH còn là trách nhiệm của mỗi người dân, NLĐ.
Theo BHXH Việt Nam, năm 2023 cả nước có 18,26 triệu người tham gia BHXH, mới đạt 39,25% lực lượng lao động trong độ tuổi. Vì vậy, cần tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia đã thực hiện thành công BHXH toàn dân.
BHYT toàn dân chính là hướng tới bảo vệ sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống cho toàn bộ dân cư. Vì vậy, hầu hết các nước đều có các chính sách pháp luật để tăng độ bao phủ, hướng tới BHYT toàn dân.
Vẫn biết mỗi người rất cần có một tấm thẻ BHYT phòng thân, song với nhiều người dân hoàn cảnh khó khăn, để có tiền tham gia cũng không đơn giản. Vì vậy, nhiều DN đã chung tay, góp sức cùng cơ quan BHXH làm những việc thiện nguyện đầy ý nghĩa.