Nhớ lại nhiều năm trước, không riêng gì cánh nhà báo viết mảng lao động, đại diện nhiều DN tại TP.HCM cũng vô cùng hứng thú khi tham dự các chương trình đối thoại DN có ông Cao Văn Sang tham dự. Những câu trả lời của vị thủ lĩnh BHXH TP.HCM làm hội trường sôi động hẳn, nhiều vấn đề DN thắc mắc chưa biết hỏi ai, thậm chí bức xúc, đã được ông Sang thẳn thắng trả lời cụ thể và hết sức thực tế. Điều thú vị là ông Sang có thể trả lời vanh vách rất nhiều vấn đề thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau; từ lĩnh vực lao động cho đến BHXH, BHYT; từ mảng thu, sổ- thẻ, chế độ, giám định...
Nổi tiếng với những sáng kiến đột phá, cải cách, lúc còn tại vị, ông Sang đã đặt nhiều “viên gạch” cho những sáng tạo, cải tiến phục vụ người dân, DN của BHXH TP.HCM. Trong cuộc trò chuyện với phóng viên Tạp chí BHXH, ông Sang vừa đúc kết hành trình cá nhân, vừa chuyển tải thông điệp tới những người tiếp nối: Cứ làm tốt công việc của mình, người dân, DN sẽ ghi nhận.
Đây là minh họa sinh động nhất trong hành trình dệt lưới an sinh gắn liền với câu chuyện cải cách của ông Sang. Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, đề cập tới vấn đề này, ông Sang vẫn vẹn nguyên tinh thần an sinh khi nhắc tới từng kỷ niệm gắn với câu chuyện phục vụ người dân, DN cách nhanh, gọn nhất.
Cách đây hơn 11 năm, tháng 10/2013, những chiếc thẻ mã vạch BHYT đầu tiên trên cả nước được in cho HSSV của TP.HCM. Đây là sự kiện được dư luận tại TP.HCM hân hoan chào đón. Thời điểm này, thẻ BHYT có bộ mã gồm 15 ký tự để phân loại, thống kê đối tượng và xác định quyền lợi của người tham gia; 5 ký tự định danh cơ sở KCB ban đầu và 6 mục về thông tin nhân thân của người có thẻ. Thẻ BHYT giấy chưa được ứng dụng CNTT để mã hóa các thông tin trên thẻ nên khi tiếp nhận, nhân viên cơ sở y tế phải mất thời gian khoảng 3 phút để nhập các thông tin về người bệnh có trên thẻ BHYT như mã thẻ, họ tên, giới tính, năm sinh, địa chỉ cư trú, nơi KCB ban đầu. Do các tiêu thức này dễ bị nhập sai nên các bệnh viện thường yêu cầu người bệnh photo thẻ BHYT lưu vào hồ sơ để đối chiếu khi cần. Phương thức này làm cho thời gian chờ đợi được khám bệnh của bệnh nhân bị kéo dài, dẫn đến tình trạng quá tải ngày càng trở nên nghiêm trọng tại các cơ sở y tế; cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến khoảng 50.000 lượt phải xác minh mã thẻ tại cơ quan BHXH hằng năm.
Giám đốc BHXH TP.HCM Cao Văn Sang cùng các đồng nghiệp đã suy nghĩ áp dụng thẻ BHYT có mã vạch, được BHXH Việt Nam chấp thuận cho áp dụng trên địa bàn thành phố từ cuối quý III/2013 và triển khai toàn quốc từ năm 2014. Cải tiến này đã tạo bước đột phá quan trọng trong in, phát hành, sử dụng và quản lý thông tin trên thẻ BHYT; rút ngắn thời gian làm thủ tục KCB cho người dân, giảm thiểu công tác nhập liệu thủ công cho nhân viên các cơ sở KCB, đảm bảo nhanh chóng và chính xác, khắc phục được sai sót do công tác nhập thủ công.
Với tính cách cởi mở nhưng thẳng thắng, “ông cải cách” trải lòng với chúng tôi: “Thời kỳ đó ngành BHXH của chúng ta còn mới, hoạt động còn khó khăn. Nói cách khác là còn rất nhiều đất cho những ai có đầu óc tìm tòi, sáng kiến, cải tiến. Mình được tiếng thơm cũng dựa vào bối cảnh đó”.
“Nguồn gốc làm nên các cải cách giúp BHXH TP.HCM, rộng hơn là giúp ngành phục vụ người dân, phục vụ DN tốt hơn là từ đâu?”- chúng tôi đặt câu hỏi cốt tìm cho ra điểm khởi đầu. Ông Sang chẳng suy nghĩ nhiều, cười và nói ngay: “Nói nguồn gốc cái gì, nói động lực cái gì cho khách sáo, nói cho thẳng là mình làm cho chính mình, mình làm cho người của mình, mình làm cho cơ quan mình…”.
Thấy chúng tôi còn chưa rõ trước câu trả lời “thẳng tưng” này, ông Sang mỉm cười: “Lúc bấy giờ, mình thấy cán bộ BHXH TP.HCM cực cái này cực cái kia quá, mà nguyên nhân do vướng cái này, thiếu cái kia, hụt cái nọ. Nhìn thấy nguyên nhân rồi thì hà cớ gì mình không khắc phục. Cái nào trong tầm tay thì làm và báo cáo. Cái nào quá tầm tay thì xin ý kiến cấp trên. Hết vướng thì mấy quy trình, thủ tục chạy trơn tru, cán bộ của mình khỏe re. Mà các thủ tục, quy trình ấy là để phục vụ người dân, DN chớ ai, nên trơn tru thì chắc chắn là người dân, DN thích rồi, hài lòng rồi còn gì...”.
Từng tốt nghiệp đại học Bách khoa TP.HCM, tân kỹ sư Cao Văn Sang được Ban Giám hiệu tìm mọi cách giữ lại trường với định hướng giảng viên cơ hữu. Có điều, ngã rẽ cuộc đời đã khiến chàng kỹ sư trẻ đưa ra lựa chọn khác, để rồi dính tới công tác dệt lưới an sinh. Dân kỹ thuật chính hiệu nên óc tìm tòi, khám phá, sáng kiến, cải tiến ở ông Sang là chuyện không quá khó hiểu. Vấn đề là, ông có dụng tâm hay không mà thôi. Trên thực tế, “ông cải cách” cho thấy ngoài năng lực tạo ra sáng kiến vượt trội, ông Sang đã làm tất cả việc ấy bằng trái tim dành cho đồng nghiệp, dành cho ngành nghề BHXH mà cuộc đời đưa đẩy. Cả đời gắn với nghề dệt lưới an sinh, dù nghỉ hưu nhưng ông Sang vẫn dõi theo “thời sự BHXH”.
Là một trong những người gắn bó với ngành BHXH từ thuở ban đầu, từ 1/7/1995 ông Cao Văn Sang được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc BHXH TP.HCM. Đến 1/4/2007 ông được bổ nhiệm làm Giám đốc BHXH TP.HCM và gắn bó với BHXH thành phố đến khi về hưu, tháng 11/2017. Như vậy, người đứng đầu BHXH TP.HCM thế hệ thứ hai, ông Cao Văn Sang nay đã trở thành cán bộ hưu trí hơn 7 năm, tính đến Tết này.
Ông Sang là một trong số ít người ngược dòng với suy nghĩ chung về BHXH một lần, song chính những quan điểm và kiến thức sâu rộng của ông là “nguồn cảm hứng” để đại biểu Quốc hội, những nhà làm luật để tâm đưa vào hội trường và có những quyết định hiện tại. Chính vì vậy, ông Sang nói rằng ông rất vui khi Luật BHXH sửa đổi quy định về BHXH một lần, đảm bảo hợp lý hơn; có như vậy thì việc tham gia BHXH mới đúng ý nghĩa.
“Ngành BHXH là ngành phục vụ, nên mỗi người, từ lãnh đạo tới chuyên viên, cứ làm tốt nhất việc của mình, thì người dân và DN sẽ hài lòng...”.
Bài: Song Giang
Đồ hoạ: Thanh An