Dường như, bên cạnh thông minh, người tiêu dùng cần thêm hai chữ bình tĩnh nữa mới đủ an toàn.
Vừa qua, cơ quan chức năng ở Đồng Nai đã câu lưu hơn 120 người do dính líu tới dự án bất động sản giả tạo. Đáng nói là, cơ quan chức năng đã thực hiện hoạt động bắt giữ tại hiện trường, vào lúc các đương sự đang nói dối để thao túng tâm lý, dẫn dắt người mua nhanh tay xuống tiền. Theo thông tin từ cơ quan chức năng, với thực địa là đất nông nghiệp chỉ có giá tiền triệu, các đương sự đã dùng dự án bất động sản giả tạo để thổi bùng giá đến tiền tỷ.
Không chỉ dùng dự án giả tạo, nói dối người mua, các đương sự còn thuê hàng chục người giả làm người mua để giành đất với người mua thật. Dối trá toàn tập như thế, nên không ít người mua thật ở Đồng Nai, TP.HCM đã xuống tiền và ngậm ngùi mất tiền. Quá phẫn uất, những người này đã tố cáo đến cơ quan chức năng, dẫn đến vụ bắt giữ trên. Rất nhanh sau đó, kẻ chủ mưu cũng bị cơ quan chức năng câu lưu, điều tra.
Những năm cuối thế kỷ 20 đã xuất hiện lời kêu gọi “tiêu dùng thông minh”. Vậy mà, đến thời điểm này, nhiều người vẫn tiền mất tật mang bởi sự dối trá, lừa lọc. Có lẽ, chỉ thông minh là chưa đủ, mà điều cốt lõi cần có ở người tiêu dùng phải là bình tĩnh. Có bình tĩnh, người tiêu dùng nói chung, những người mua đất nói riêng, mới có thể kiểm chứng thông tin để biết đâu là sự thật, đâu là sự giả dối. Bởi, trong xã hội thông tin như ngày nay, cơ quan công quyền cũng cung ứng dịch vụ cung cấp thông tin các dự án bất động sản, nhà đất...
Do vậy, nếu đủ bình tĩnh, người mua sẽ có đủ thời gian và phương cách để tiếp cận, xác thực các thông tin liên quan, nhận diện sự dối trá của bên bán dự án nhà đất... Và, để có được sự bình tĩnh cần thiết ấy, người mua phải tự dằn lòng, bởi câu nói người xưa tới nay vẫn đúng: “Người mua lầm chớ người bán không lầm”. Trong khi chờ các cơ quan quản lý nhà nước có thêm công cụ giúp thị trường “sạch” hơn, trong đó có thị trường bất động sản, thì người tiêu dùng nên bình tĩnh hơn để tránh tình trạng “gom củi ba năm đốt một giờ”.
Thanh Giang