Để BHXH trở thành Văn hóa: Kinh nghiệm truyền thông của một số quốc gia
Thứ Năm, ngày 29/06/2023 20:45
ASXHPortalView

Để BHXH trở thành Văn hóa: Kinh nghiệm truyền thông của một số quốc gia

Shared facebook
Thứ Bảy, ngày 14/05/2022 08:14

Mục tiêu BHXH, BHYT toàn dân thể hiện sự thống nhất cao của toàn xã hội nhằm đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ nhau chống lại những rủi ro trong cuộc sống… Đây cũng là truyền thống yêu nước, văn hóa sẻ chia, đùm bọc của dân tộc Việt Nam. Bài viết đề cập kinh nghiệm truyền thông của một số quốc gia để BHXH trở thành Văn hóa.

Nhận diện giá trị cốt lõi của văn hóa BHXH

Văn hóa BHXH được hiểu là sự giao thoa của 2 lĩnh vực: Văn hóa và BHXH (BHXH ở đây được hiểu theo thông lệ quốc tế đã bao gồm cả BHYT và BH thất nghiệp).

Nếu nhìn nhận BHXH dưới góc độ giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam về đoàn kết, tương trợ, tự giác giúp đỡ lẫn nhau và ở một chừng mực nhất định, khi xã hội chưa phát triển thì những tập quán văn hóa này đã trở thành cách sống, phương thức sống giúp xã hội Việt Nam tồn tại, phát triển. Biểu hiện dễ thấy là khi mỗi gia đình có chuyện ốm đau, hiếu, hỷ… thì các thành viên trong cộng đồng làng, xã, họ mạc lại tự giác giúp đỡ, sẻ chia bằng sức lực, tinh thần và vật chất theo điều kiện và khả năng có thể. Đến nay, nhu cầu bảo đảm an toàn hơn cho con người trong xu thế hòa bình, độc lập, hợp tác quốc tế thì cần phải có các phương thức hạn chế và chống lại rủi ro từ phía cộng đồng xã hội và Nhà nước. Phương thức BHXH là mọi NLĐ đều có quyền và nghĩa vụ tham gia đóng góp một phần từ thu nhập do lao động và được hưởng các quyền lợi tương ứng khi gặp rủi ro và được nhà nước tổ chức thực hiện thống nhất trong cả nước bằng luật pháp.

Như vậy, BHXH chính là sự phát triển kế tiếp truyền thống “mình vì mọi người, mọi người vì mình” thành sự gắn kết giữa nghĩa vụ và quyền lợi theo pháp luật. Với ý nghĩa đó, văn hóa BHXH là trình độ phát triển của con người và xã hội. Do vậy, văn hóa BHXH là trình độ cao trong sinh hoạt xã hội, biểu hiện của văn minh.

Nhận thức và hành động của mọi người dân từ già đến trẻ đều tham gia đóng góp và hưởng thụ các quyền lợi BHXH phải mang tính phổ biến và trở thành nếp sống trong đời sống thường ngày của mọi công dân.

Kinh nghiệm truyền thông để BHXH trở thành Văn hóa

Đức là quốc gia có bề dày lịch sử hơn 100 năm về BHXH. Đến nay, việc tham gia BHXH trở thành nếp sống văn hóa của mọi công dân. Tuy nhiên, công tác truyền thông luôn được coi trọng và được coi là yếu tố thành công. Truyền thông chủ động và thành công bền vững của BHXH đòi hỏi phải có chiến lược với mục tiêu và thông điệp rõ ràng cùng với các điều kiên khung theo một kết cấu phù hợp, gắn chặt với nhau trong một tổ chức và được điều hành một cách chuyên nghiệp. Truyền thông phải tham gia ngay từ đầu trong các quá trình thay đổi và phải được đề cập đến trong tất cả các quyết định. Bên cạnh đó, mỗi một nhân viên của cơ quan BHXH phải là nhân tố quan trọng nhất để nhân lên kết quả của truyền thông.

Nước Đức coi truyền thông là một nhiệm vụ của mọi tổ chức, mọi cơ quan an sinh xã hội và được thực hiện đồng bộ với những nhiệm vụ quan trọng khác về BHXH. Bất cứ cá nhân, đơn vị, tổ chức nào không đảm nhận nhiệm vụ này một cách đầy đủ sẽ thất bại, bởi lẽ nếu không có truyền thông thì mục đích, ý nghĩa, vai trò của BHXH hay nói cách khác vị thế quan trọng của BHXH không đạt được hoặc không được bảo đảm lâu dài. Do đó, truyền thông BHXH là yếu tố quyết định và là chiến lược đối với sự thành bại của mọi công ty, mọi tổ chức và mọi cơ quan an sinh xã hội. Cuối cùng, truyền thông vì an sinh xã hội cũng phải đặt trong bối cảnh thích ứng với kỹ thuật chuyển đổi số đang thay đổi một cách năng động.

Thụy Sỹ coi hoạt động truyền thông về an sinh xã hội như hoạt động sống còn của một DN và coi DN, người dân là “thượng đế”. Bởi lẽ hoạt động truyền thông về an sinh xã hội sẽ đóng góp quan trọng cho thành công của an sinh xã hội, như mang lại hiệu quả kinh tế cho DN. Truyền thông tạo ra những cảm giác, hình ảnh và liên tưởng tích cực trong ý nghĩ của người dân (hình ảnh) và đảm bảo rằng mọi người dân cũng cảm thấy như vậy (danh tiếng). Truyền thông mang lại cho các chính sách và các cơ quan an sinh xã hội một vị thế xã hội cao hơn (uy tín và địa vị) và cho mọi người dân cảm giác an toàn trong suốt quá trình tham gia BHXH (sự tin tưởng và hài lòng). Truyền thông làm cho người tham gia BHXH một cách tích cực và thường xuyên hơn (giá trị thương hiệu và lòng trung thành), làm cho cơ quan an sinh xã hội đạt được mục đích xã hội (mục tiêu) và thành công về an sinh xã hội (như là lợi nhuận và giá trị thị trường). Nhiệm vụ quan trọng nhất của truyền thông BHXH bao gồm giới thiệu về chính sách, chế độ (hàng hóa) và thuyết phục người tham gia (người tiêu dùng). Truyền thông sẽ biến “hàng hóa” và dịch vụ của cơ quan an sinh xã hội thành những biểu tượng có ý nghĩa đầy đủ với đặc trưng riêng biệt, nhận dạng rõ ràng và mang lại lợi ích xã hội. Việc quản lý truyền thông cũng được thiết kế để hỗ trợ duy trì và phát triển BHXH trên cơ sở kết hợp các nguyên tắc quản lý với chiến lược và tầm nhìn theo một phương thức truyền thông thống nhất. Các bước công việc thực tế cần thiết của quản lý truyền thông bao gồm từ thiết lập mục tiêu đến lập kế hoạch, từ tổ chức thực hiện đến việc kiểm soát các biện pháp truyền thông và hoạt động truyền thông cũng phải đặt ngang hàng như những nhiệm vụ trọng tâm khác của cơ quan an sinh xã hội.

Đề xuất truyền thông mang tính chiến lược

Bên cạnh những biện pháp tích cực và hiệu quả mà công tác truyền thông đã và đang thực hiện thành công, chúng tôi đề xuất thêm một số biện pháp và đối tượng tiềm năng nhằm xây dựng văn hóa BHXH ở nước ta.

Chiến lược truyền thông về BHXH giai đoạn 2021- 2030 và tầm nhìn đến năm 2045

Căn cứ vào các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội đã được đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, cùng với việc xây dựng chiến lược phát triển BHXH, cần xây dựng Chiến lược truyền thông BHXH mang tính quốc gia, lâu dài trong thời đại chuyển đổi số để các bộ, ngành, địa phương cùng phối hợp thực hiện. Khi đó hoạt động truyền thông BHXH không còn là nhiệm vụ riêng của ngành BHXH Việt Nam mà là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị.

Truyền thông, giáo dục về BHYT ngay cho HS trong các trường học

Nhiều năm qua, việc giải thích cho HS hiểu: vì sao phải đóng BHYT? đóng BHYT để làm gì và có ý nghĩa gì? thường bị coi nhẹ, thậm chí chưa được tiến hành. Kinh nghiệm ở các nước phát triển cho thấy, để tạo thành văn hóa BHXH, phải giáo dục truyền thông ngay từ trẻ em ở tuổi mẫu giáo. Trở lại ở nước ta, vào mỗi đầu năm học mới, giáo viên cần dành thời gian để giải thích cho con trẻ hiểu rõ về BHYT với những nội dung đơn giản, dễ hiểu, dễ nhớ, phù hợp với độ tuổi của từng con, tránh tình trạng việc đóng BHYT chỉ là việc của “riêng” phụ huynh mà chủ thể là các em HS lại rất mơ hồ.

Đối với HS lớn tuổi hơn như ở cấp THCS hay THPT thông thì cần hiểu biết nhiều hơn về Luật BHYT, về mức đóng BHYT và các quyền lợi hưởng, biết giữ gìn thẻ BHYT và sử dụng thẻ để đi KCB BHYT theo nơi đăng ký KCB ban đầu khi cần thiết. HS cũng cần biết phân biệt về BHYT là bắt buộc, khác với y tế học đường là tự nguyện trong các khoản đóng góp của các con. Sự nhận thức đầy đủ về BHYT và khoản đóng góp bắt buộc này phải là nhận thức của mọi HS khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường để các em chủ động hoặc nhắc nhở phụ huynh đóng góp đầy đủ, kịp thời, liên tục để hưởng quyền lợi tốt khi ốm đau.

Trong các trường chuyên nghiệp, ngay khi mới tựu trường, nhà trường cần lồng ghép thêm nội dung về Luật BHYT để phổ biến đồng thời với quy chế học tập của trường cũng như nhắc nhở về trách nhiệm đóng góp BHYT bắt buộc hàng năm của HSSV và đóng góp BHYT là một trong những điều kiện cơ bản phải được duy trì suốt quá trình học tập cũng như bảo vệ sức khỏe cho bản thân mình.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, chỉ có một vài trường ĐH có chuyên khoa BHXH, còn nhìn chung, việc giảng dạy kiến thức về BHXH ở các trường ĐH, CĐ rất hạn chế. Có trường đã dạy học phần về BHXH nhưng nội dung của giáo trình còn sơ sài, đôi khi còn chưa chuẩn xác. Có trường lại dạy đồng thời cả BHXH và BH cá nhân dẫn đến dễ nhầm lẫn hai loại BH này… Vì vậy, cần phải giảng dạy về BHXH ở ngay bậc CĐ, ĐH cho những trường có khoa hoặc bộ môn liên quan trực tiếp như: Quản trị nhân lực, Tài chính, Chính sách xã hội hay Luật xã hội… và đây phải là học phần bắt buộc cho SV.

Ở Việt Nam, cần thiết phải có một bộ giáo trình BHXH để giảng dạy thống nhất trong các trường ĐH. Ở CHLB Đức, từ năm 1980 đã có một bộ giáo trình về BHXH (Sozialpolitik und soziale Lage in Deutschland- Chính sách xã hội và thực trạng xã hội Đức) gồm 2 tập để giảng dạy thống nhất trong các trường ĐH và giáo trình này luôn được cập nhật, bổ sung, hoàn thiện, đến năm 2020 đã phát hành đến phiên bản thứ sáu.

Để đạt được mục tiêu BHXH toàn dân đòi hỏi hoạt động truyền thông phải được triển khai một cách bài bản và toàn diện hơn nữa. Từ thay đổi nhận thức sẽ đi đến thay đổi thái độ, hành vi và tham gia BHXH sẽ trở thành một thói quen, một nếp sống tuân thủ pháp luật, nét Văn hóa của mọi công dân Việt Nam.

TS. Phạm Đình Thành


Viết bình luận


ASXHPortalBoxRight
ASXHPortalBoxRight
ASXHPortalBoxRight
ASXHPortalFooter
Phần mềm CMS liên hệ 0903234444