Đó là tâm tình của những nữ chuyên viên BHXH mà chúng tôi có dịp trò chuyện gần đây. Vẻ đẹp không chỉ gói gọn ở dung mạo, mà gồm cả sự duyên dáng trong tinh thần phục vụ. Đặc biệt, họ cũng rất kiên cường, nếu không sẽ dễ... ngã rạp trước phong ba mang tên "áp lực công việc".
Bí kíp...
Lê Kim Quí, nữ chuyên viên nhỏ cả tuổi lẫn dáng người của BHXH huyện Châu Thành- nơi có số thu BHXH, BHYT lớn nhất tỉnh Tiền Giang. Mỗi ngày, Kim Quí cùng với chị đồng nghiệp của mình “trấn giữ” bộ phận "Một cửa". Châu Thành là huyện lớn, dân đông, công nhân nhiều, nên trung bình mỗi ngày có tới hơn 50 lượt người đến bộ phận "Một cửa" giao dịch trực tiếp. Trong tuần có 2 ngày cao điểm, mỗi ngày gần 200 lượt người đến giao dịch giải quyết các chế độ, điều chỉnh nội dung hoặc cấp lại sổ BHXH, thẻ BHYT...
Kim Quí, “hoa BHXH” của BHXH huyện Châu Thành
Trụ sở BHXH huyện rất nhỏ, nên ở bộ phận "Một cửa" hầu như lúc nào cũng đông người. “Chín người mười ý, huống hồ bộ phận "Một cửa" ngày nào cũng tấp nập người, nên việc giữ được thái độ hòa nhã, lịch thiệp trong phục vụ để bà con cô bác hài lòng không dễ chút nào đâu. Cũng may, em được những cô chú, anh chị dày tuổi nghề hơn truyền thụ bí kíp võ công rồi...”- nữ chuyên viên 8X- người về Ngành hồi năm 2012 dí dỏm chia sẻ.
Bí kíp mà Kim Quí nói đến, hóa ra chỉ có một chữ duy nhất là “Dạ”. Bà con cô bác đến bộ phận "Một cửa" thường muốn làm nhanh làm gấp, hoặc có phần bực bội vì còn vướng chỗ này nghẽn chỗ kia. Ai muốn nhanh thì hối thúc, còn ai đang bực thì... càm ràm. Với người muốn nhanh thì “Dạ, cô bác vui lòng chờ xí, hồ sơ đang nhiều quá, tụi con đang làm nhanh hết sức”. Với người càm ràm vì bực thì tuyệt đối không tranh cãi, tranh thủ giải quyết những hồ sơ khác, đợi khi hết bực thì nhẹ nhàng: “Dạ, giờ con cùng cô bác làm thủ tục nghen. Cô bác nghe kỹ con hướng dẫn nghen”.
Hiếm ai có thể giữ nguyên sự bực bội với “hoa BHXH” nhẹ nhàng, khả ái. “Những người chị dày tuổi nghề dạy em rằng, duyên dáng là của trời cho, là vốn quý của phụ nữ, ráng đừng để công việc bào mòn, lại nên dùng vốn quý ấy ứng phó với công việc. Hồi trước em làm kế toán, việc nặng chuyên môn mà nhẹ ứng xử. Từ 2017 tới nay, em và chị đồng nghiệp lo "Một cửa", chuyên môn ứng xử gì cũng nặng cả, may là có bí kíp, có tuyệt chiêu...”- Kim Quí trải lòng.
Yến Vi, “hoa BHXH” xứ biển Bình Thuận
Ở BHXH tỉnh Bình Thuận, Lâm Ngọc Yến Vi là nữ chuyên viên Phòng Quản lý Thu-Sổ thẻ. Do người ít việc nhiều, nên Yến Vi “ôm” chuyên quản hơn 230 DN, lo luôn các đơn vị hành chính sự nghiệp, BHYT HSSV... “Làm phòng thu, bệnh cũng không dám, vì sợ có lỗi với đồng đội” là câu cửa miệng của anh chị em ở Phòng Quản lý Thu-Sổ thẻ. “Hoa BHXH” xứ biển hơn 20 năm trong ngành và đặc trách thu từ đầu mùa đến cuối mùa chia sẻ với chúng tôi như thế.
Yến Vi nói rằng, trong phòng ai cũng một núi việc, nên một người nghỉ thì người khác phải choàng những việc phát sinh. “Bởi vậy, bí kíp làm ở phòng thu là phải... khỏe”- Yến Vi nhoẻn miệng cười. Mà trời thương cho “hoa BHXH” xứ biển khỏe thật. Ông xã là trọng tài FIFA nên đi suốt, còn Yến Vi cũng chả... kém cạnh.
May mà nội ngoại đều gần, nên xấp nhỏ được nội ngoại chu tất từ bé tới lớn. Khỏe về thể chất, khỏe về hoàn cảnh sống đã giúp “hoa BHXH” xứ biển luôn “khoe sắc” trong nghiệp vụ nơi cơ quan. Và, đúng như slogan của Phòng Quản lý Thu-Sổ thẻ, Yến Vi hiếm khi nghỉ phép, tính từ hồi vào ngành tới nay. “Chồng đi suốt mà vợ cũng thường xuyên vắng nhà để lo việc cơ quan, thi thoảng bị ông xã rầy chớ?”- chúng tôi hỏi nhẹ. Yến Vi chỉ cười: “Dạ ảnh không rầy, nhưng có phần xót vợ thôi”.
Khóc, cười và đi tiếp
Trong khi Kim Quí ở BHXH huyện Châu Thành kiêm đủ việc, từ "Một cửa", thủ quỹ cơ quan, thủ kho, thi đua khen thưởng, cho đến truyền thông..., thì Yến Vi ở BHXH tỉnh Bình Thuận cũng ngần ấy đầu việc kiêm nhiệm. Áp lực công việc ngày càng tăng, khiến những “hoa BHXH” mệt đến mức... bật khóc, bởi đâu còn cách bộc lộ nào khác.
Kim Quí và chị đồng nghiệp ở bộ phận "Một cửa"
“Khóc xong rồi thế nào?”- chúng tôi hỏi Kim Quí và Yến Vi cùng một câu. Cả hai “hoa BHXH” không hẹn mà đáp giống hệt nhau: “Thì cười và đi tiếp”. BHXH là ngành phục vụ, chuyên dệt lưới an sinh; tuy ở mỗi vị trí công việc có yêu cầu, đòi hỏi khác nhau, nhưng phục vụ vẫn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt.
Yến Vi có khả năng ứng phó và vượt qua áp lực công việc rất cao, bởi công tác thu được xem là nhiệm vụ nòng cốt. Nhiều năm lăn lộn trong Ngành với lĩnh vực thu, “hoa BHXH” xứ biển đúc kết 3 nhân tố giúp mình kiên cường hơn trước phong ba mang tên "áp lực công việc".
“Trước hết, bản thân phải vững cái đã, cả vững tay nghề lẫn vững tinh thần. Thứ đến là phải nhờ lãnh đạo tâm lý để kịp động viên, khuyên nhủ, hướng dẫn. Cuối cùng là phải nhờ đồng nghiệp san sẻ, giúp đỡ, hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Bản thân mình phải nhờ đủ cả 3 nhân tố này mới đi tiếp đến nay đó chớ...”- Yến Vi chia sẻ với chúng tôi.
Yến Vi và đồng nghiệp tại Phòng Quản lý Thu-Sổ thẻ (BHXH tỉnh Bình Thuận)
Trong ngành BHXH Việt Nam, đồng nghiệp hỗ trợ nhau rất quan trọng, mới có thể giúp đơn vị hoàn thành nhiệm vụ được giao. “Con của em mới 5 tuổi nên khá bận bịu trong chăm sóc. Chị đồng nghiệp ở bộ phận "Một cửa" thi thoảng vẫn gánh việc để em có rộng chút thời gian. Ngoài công việc, chuyện cuộc sống thường nhật chị cũng bảo ban, chia sẻ trong vai người chị lớn tuổi, từng trải. Rồi các cô, chú trong Ban Giám đốc cũng thường xuyên nhắc công việc, hỏi cuộc sống. Em thấy cười được và đi tiếp được trong lĩnh vực mình đang làm, phần nhiều là nhờ các cô chú, anh chị đồng nghiệp...”- Kim Quí trải lòng.
Trong lĩnh vực dệt lưới an sinh, “hoa BHXH” chiếm ưu thế với trên dưới 70% tổng số nhân sự. Đó là những nữ lao động, nữ chuyên viên, nữ lãnh đạo BHXH huyện, BHXH tỉnh- những phụ nữ mà vẻ đẹp không chỉ gói gọn ở dung mạo, còn gồm cả sự duyên dáng trong tinh thần phục vụ. Tất cả họ đều phải kiên cường, bằng không sẽ ngã rạp trước phong ba mang tên "áp lực công việc".
Sự duyên dáng và kiên cường ấy, không chỉ nơi Kim Quí hay Yến Vi, mà trong cả “vườn hoa BHXH”- suốt 28 năm qua đã giúp ngành BHXH Việt Nam nhận được lòng tin yêu ngày càng lớn của người dân, NLĐ và cộng đồng DN. Cũng từ niềm tin mà cộng đồng dành cho, qua từng “hoa BHXH” ở mỗi huyện, mỗi tỉnh trong cả nước, lưới an sinh ngày càng rộng mở hơn.
Thanh Giang